Đà Nẵng với mũi nhọn phát triển công nghiệp phần mềm
Từ năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm (CNPM); trong đó xác định “CNPM là ngành công nghiệp được đặc biệt khuyến khích đầu tư, Nhà nước áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các doanh nghiệp làm CNPM”.
Nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển CNTT và CNPM. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ vẫn là những thách thức phải vượt qua trên con đường hướng đến những bước phát triển mới.
Hướng dẫn sinh viên CNTT làm dự án tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.(Ảnh Đại học Đà Nẵng cung cấp) |
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT), Nghị quyết Đại hội lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010-2015) và lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố đều xác định CNTT, công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đột phá phát triển.
Bắt đầu từ phát triển nguồn nhân lực
Tại Đà Nẵng, đã hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo CNTT mạnh tại các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (thuộc Đại học Đà Nẵng); Trường Đại học Duy Tân, Đại học FPT, Trường Cao đẳng Thông tin hữu nghị Việt-Hàn, và các cơ sở đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, NIIT…
Các cơ sở đào tạo này là nguồn cung cấp nhân lực CNTT chủ yếu cho ngành CNPM của thành phố. Hằng năm, số lượng người được đào tạo từ các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn thành phố ước đạt trên 2.000 người.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực CNTT của thành phố hiện tại ước khoảng 20.000 người. Đây là nguồn lực quan trọng góp thúc đẩy nền CNPM của Đà Nẵng cho hiện tại và trong những năm đến.
Đặc biệt, tại Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo quốc tế có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các công ty phần mềm trong nước và quốc tế. Điển hình như Đại học Đà Nẵng đã hợp tác với các trường Đại học Washington, Đại học Portland (Hoa Kỳ), Đại học Grenoble, Đại học Marseille (Pháp) để đào tạo các chương trình Digital System, Embedded System, Sản xuất tự động và tự động hóa, Kỹ thuật phần mềm và Tin học công nghiệp; Đại học Duy Tân hợp tác với ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ); Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt-Hàn hợp tác với các chương trình tiên tiến của Hàn Quốc, Nhật Bản; Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế NIIT, Softech-Aptech với các chương trình đào tạo của Ấn Độ…
Cùng với các chủ trương, chính sách ưu đãi được triển khai đồng bộ, nên CNPM Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả rất tốt. Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông từ các địa phương và quốc tế đến đầu tư, hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, có gần 700 doanh nghiệp CNTT hoạt động với 5 nhóm dịch vụ chính: Sản xuất, gia công cung cấp dịch vụ phần mềm (khoảng 43%); dịch vụ phân phối, mua bán sản phẩm CNTT (29%); sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử (7%); sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số (5%) và nhóm sản xuất, cung cấp dịch vụ CNTT khác 6%.
Năm 2017, ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu toàn ngành đạt 21.750 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2016. Riêng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp phần mềm và nội dung số) của Đà Nẵng đạt 14.400 tỷ đồng; Xuất khẩu phần mềm đạt 67 triệu USD, tăng 15% so với năm 2016. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đóng góp khoảng 5,4% vào tổng sản phẩm trên địa bàn Đà Nẵng (số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng).
Đến 2017, khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, với 75 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động, vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.400 lao động. Doanh thu của các doanh nghiệp tại đây cũng tăng đều qua các năm.
Trong tổng số gần 700 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Đà Nẵng, có khoảng 43% doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công, cung cấp dịch vụ phầm mềm. Nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn trong nước và quốc tế có trụ sở tại Đà Nẵng như FPT Software, Axon Active, Gameloft, LogiGear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, Asnet, SDC (Software Development Center của Đại học Đà Nẵng), NAL Solutions… chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, châu Âu, Úc…
Lĩnh vực nội dung số có tăng trưởng cao và thị trường lớn, đặc biệt là thị trường gia công dữ liệu số theo quy trình doanh nghiệp, kiểm thử phần mềm, trò chơi trực tuyến.
Hướng đến những sản phẩm công nghệ tiêu biểu
Bên cạnh những kết quả đạt được, CNPM ở Đà Nẵng cũng đang đối mặt với một số khó khăn thách thức. Một số doanh nghiệp CNTT gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, tuyển dụng các kỹ sư CNTT có chuyên môn, kinh nghiệm, có kỹ năng ngoại ngữ, nhất là tiếng Nhật.
Đặc biệt, Đà Nẵng đang thiếu các nhà quản lý đáp ứng được yêu cầu cao về hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, năng lực quản lý, tìm kiếm và quản trị các dự án sản xuất phần mềm. Các doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, tìm đối tác, mở rộng thị trường so với các doanh nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những địa phương có điều kiện thuận lợi và nguồn nhân lực CNTT dồi dào hơn.
Về cơ sở hạ tầng, việc tìm địa điểm làm việc, mở rộng không gian hoạt động cũng khó khăn do Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đã được lấp đầy, trong khi các dự án Khu Công viên phần mềm khác chưa được triển khai.
Các tòa nhà văn phòng cho thuê tại TP. Đà Nẵng lại chưa có sẵn các dịch vụ đặc thù về hạ tầng CNTT, cũng như sự ổn định về nguồn điện, hạ tầng và an ninh mạng. Số lượng doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của UBND thành phố Đà Nẵng vẫn còn hạn chế.
Sau hơn 10 năm phát triển vượt bậc và trở thành một điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, đến nay Đà Nẵng vẫn chỉ mới phát triển mạnh ở lĩnh vực gia công phần mềm, chủ yếu giúp các công ty nước ngoài tiết kiệm chi phí nhân lực chứ chưa thật sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa có những sản phẩm công nghệ tiêu biểu được hình thành và phát triển để mang lại giá trị thương hiệu và lợi nhuận cao.
Để giải quyết phần nào các khó khăn trên, trong thời gian tới, Đà Nẵng tập trung thúc đẩy hình thành Khu Công viên phần mềm số 2 và Khu CNTT tập trung Đà Nẵng nhằm chuẩn bị không gian thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tư vào thành phố.
Đà Nẵng cũng đang ráo riết chuẩn bị về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo cho sự phát triển dài hạn sắp tới. Thành phố đang tập trung hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020; làm việc với các trường đại học, cao đẳng để triển khai các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng đầu ra của sinh viên CNTT; đề xuất cơ chế hỗ trợ, thu hút chuyên gia CNTT các nơi về Đà Nẵng làm việc; tiếp tục triển khai công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp CNTT, kết nối doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng với doanh nghiệp CNTT các tỉnh, thành trong và nước ngoài; hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, thuế.
Để quy tụ các doanh nghiệp CNTT, thành phố đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có không gian hoạt động tốt với chi phí ưu đãi, đã và đang hình thành các khu công viên phần mềm và khu CNTT tập trung. Đà Nẵng cũng đang đầu tư xây dựng khu công nghệ cao với tổng diện tích 1.129ha tại Hòa Liên (huyện Hòa Vang) với tổng đầu tư 8.842 tỷ đồng.
Đây là khu công nghệ cao thứ 3 của nước, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho Đại học Đà Nẵng thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin Việt – Hàn, giúp tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển CNPM nói riêng và CNTT nói chung của thành phố, khu vực miền Trung và cả nước.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn giao thoa của hai cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0, đây là một cơ hội tuyệt vời để phát triển và bứt phá để tiến vào kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo.
Là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc phát triển CNTT và CNPM, Đà Nẵng đã có 9 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT (Vietnam ICT Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố (từ 2009 đến 2017).
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự năng động, quyết tâm của toàn xã hội, CNTT và CNPM của Đà Nẵng nhất định sẽ có những bước phát triển mới, vượt qua những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, về các chính sách hỗ trợ.
Nguồn: Báo Đà Nẵng.