CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Theo đó, thành phố triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Trong chiến lược phát triển của mình, thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Xây dựng chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng

Tại Việt Nam, chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, trong các ngành, lĩnh vực đã bắt đầu diễn ra nhưng chưa mang tính toàn diện, rộng rãi và chuẩn hóa. Chính phủ và chính quyền các cấp đã và đang xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Một số thành phố, đô thị đã bước đầu ban hành đề án, kế hoạch và triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”1 với mục tiêu kép là “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”2. Đồng thời chương trình xác định: Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định; cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định, kiến tạo phát triển và quản lý kinh tế – xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh trong một thời gian trước khi tiếp cận Khung chuyển đổi số; do đó, phần hiện trạng này vẫn đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh, từ đó rút ra các chỉ tiêu, hợp phần kế thừa để triển khai chuyển đổi số.

Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước (khoảng 88%), dân số Đà Nẵng năm 2020 khoảng 1.169.840 người, số người dân trong độ tuổi lao động khoảng 617.100 người, chiếm tỷ lệ 52,7%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 (theo giá hiện hành) ước đạt 100.008 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 86,1 triệu đồng (3.691 USD)3. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng “Dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp”, trong đó dịch vụ chiếm 65,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm 21,7%, nông nghiệp chiếm 2,3%, thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 10,5%. Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc và “đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”4.

 

Đoàn công tác Microsoft Việt Nam có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025. ẢNH: PV

 

Một số giải pháp xây dựng chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng

Để triển khai thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm tới cần hướng tới xây dựng thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đề ra ngày 17/6/2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Chuyển đổi nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tổ chức

Gắn chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: “Nhận thức” là quyết định, “người dân, doanh nghiệp” là trung tâm, “thể chế và công nghệ số” là động lực, “nền tảng số” là đột phá, “an toàn, an ninh thông tin” là then chốt, “chính quyền” là tiên phong, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công trong chuyển đổi số. Tăng cường liên kết giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa các hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với các hội, hiệp hội các lĩnh vực chuyên ngành khác để tạo hiệu ứng lan tỏa chuyển đổi số trong xã hội.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật số

Triển khai tới 100% cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng LAN thành phố để kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng; kết nối mạng Internet có quản lý. Kết nối hệ thống mạng giữa khối Đảng với khối chính quyền và đưa vào sử dụng để trao đổi một số nội dung cần thiết nhằm phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố và triển khai thêm 1 trung tâm dữ liệu mới dựa trên công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ, đạt chuẩn tối thiểu TIER III để đảm bảo năng lực lưu trữ, tính toán hiệu năng cao, đảm bảo khả năng dự phòng, đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng thành phố thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đồng thời kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Thu hút đầu tư về lĩnh vực trung tâm dữ liệu thông minh, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu của ngành kinh tế số Việt Nam.

Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) gắn kết với phát triển đô thị thông minh; xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tất cả các công trình xây dựng, đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng mới liên quan đến hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng phải có nội dung, hợp phần thông minh (khu đô thị thông minh, tòa nhà thông minh,…), tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số và kết nối mạng IoT, được thẩm tra, thẩm định trước khi được cấp phép, phê duyệt. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp5.

Phát triển dữ liệu số

Tập trung hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, cổng thông tin đất đai thành phố, công khai minh bạch dữ liệu đất đai, quỹ đất trống, quỹ đất kêu gọi đầu tư phục vụ các tổ chức, công dân tra cứu, khai thác. Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý, bản đồ địa hình thuộc phạm vi thành phố quản lý. Phát triển cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị, quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, viễn thông, lưới điện… thống nhất, đồng bộ trên bản đồ nền GIS dùng chung.

Tiếp tục chuẩn hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp của thành phố, kết nối, đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Bổ sung, cập nhật, hoàn thiện Cổng dữ liệu mở thành phố theo các tiêu chuẩn mở trong nước và quốc tế, tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) và hệ tri thức Việt số hóa; thường xuyên cập nhật, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác.

Phát triển nền tảng số

Nâng cấp, hoàn thiện nền tảng cơ quan điện tử và trục tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tiếp tục rà soát, nâng cấp, hoàn thiện các nền tảng hiện có như nền tảng Cổng dịch vụ công, nền tảng quan trắc môi trường, nền tảng hệ thống báo cáo điện tử,…

Phát triển nền tảng thông tin định danh cá nhân và kho dữ liệu số của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, các hệ thống thông tin của các đơn vị như điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, công chứng,… tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác.

Các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục như nền tảng dạy – học trực tuyến; nền tảng học qua thi đối kháng trên mạng; trong lĩnh vực y tế như nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa Telehealth/Telecare, hệ thống sức khỏe công dân, hồ sơ bệnh án điện tử… trong lĩnh vực giao thông như nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông (hệ thống kiểm soát thẻ vé, thu phí liên thông trong mạng lưới giao thông công cộng, hệ thống quản lý thu phí tại các khu vực đỗ xe trên đường, bãi đỗ xe công cộng,…); nền tảng giám sát hành trình, quản lý điều hành phương tiện; nền tảng giám sát, điều hành giao thông; trong lĩnh vực thương mại, du lịch như nền tảng triển lãm, xúc tiến thương mại trực tuyến, kinh doanh/mua sắm trực tuyến, nền tảng giới thiệu, quảng bá ẩm thực, các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch…

Phát triển nguồn nhân lực số

Hàng năm triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ công tác tham mưu, tư vấn, quản lý vận hành hệ thống chính quyền số, hệ thống điều hành thông minh.

Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật; thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số. Tăng cường thu hút chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn đến đầu tư, làm việc tại thành phố Đà Nẵng; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thị giác máy tính, điện toán đám mây, an toàn thông tin…

Xây dựng chính quyền số

Triển khai phần mềm hồ sơ công việc, điều hành tác nghiệp kết nối và liên thông giữa các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền nhằm tạo sự thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Triển khai ứng dụng cho các cơ quan Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị – xã hội theo hướng mobile app và kết nối với các cơ quan chính quyền. Hoàn thiện, cập nhật các ứng dụng dùng chung của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố (quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử, quản lý cán bộ công chức…). Hoàn thiện cổng dịch vụ công thành phố theo hướng cung cấp dịch vụ số, cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, tối ưu hoá trải nghiệm, mang lại sự thuận tiện cho người dùng. Triển khai phân hệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các dịch vụ sự nghiệp công.

Phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân; tận dụng sức mạnh của công nghệ số để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trước hết xem xét giảm chi phí và thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các doanh nghiệp. Số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.

Xây dựng Hệ thống phân tích dữ liệu và mô phỏng về các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, các hoạt động của đô thị, kết hợp trình diễn hiển thị (Dashboard) bằng biểu đồ, sơ đồ để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu của cơ quan thành phố. Hình thành Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (Intelligent Operation Center – IOC) để thực hiện quản lý, điều hành tập trung, đa nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị. Nâng cấp, hoàn thiện các Trung tâm điều hành (OC) chuyên ngành như giao thông, an ninh, phòng cháy chữa cháy, môi trường, điện chiếu sáng, điện lực, cấp nước, phòng chống thiên tai… và hình thành các OC quận, huyện; kết nối, tích hợp về Trung tâm IOC thành phố. Triển khai ứng dụng giám sát cho Hội đồng, đại biểu Hội đồng nhân dân phục vụ giám sát trong mô hình chính quyền đô thị.

Triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu thanh tra, khiếu nại, tố cáo của thành phố, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của các sở, ban, ngành và các hệ thống ứng dụng của các cơ quan Trung ương trên địa bàn, đảm bảo liên thông trong kết nối giữa cơ quan Đảng và chính quyền để phục vụ kiểm tra, giải quyết đơn thư của tổ chức, công dân, thống kê báo cáo thông qua môi trường số. Mỗi ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch, lộ trình hoạt động kiểm tra thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của ngành, địa phương mình quản lý.

Trần Cao Anh – Thạc sĩ, Học viện Chính trị khu vực III

Bài viết liên quan