Chuyển đổi số để Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh

Chuyển đổi số được xem là “động lực” để Đà Nẵng giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, thành phố hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN, cùng tầm nhìn “đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.

Những con số biết nói

Ngày 14/8, Đà Nẵng đã khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh TP Đà Nẵng (IOC). IOC thành phố có vai trò làm đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện; OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ triển khai chính quyền đô thị; đồng thời, phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC đã thể hiện cam kết, quyết tâm cao của Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nhấn mạnh, IOC như hạt nhân lan toả, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” được xác định tại Nghị quyết số 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”.

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của Đà Nẵng năm 2022 chiếm tỷ trọng khoảng 19,76% trong cơ cấu GRDP, gần đạt chỉ tiêu năm 2025 là 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,3 doanh nghiệp/1000 dân (gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc); 2 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp công nghệ số thành phố đã phát triển nhiều sản phẩm chủ lực và đạt các giải thưởng quốc gia như Giải thưởng Sao Khuê, Giải thưởng Viet Solutions, Giải thưởng Make in Viet Nam,…

UBND TP Đà Nẵng cũng vừa ban hành Kế hoạch Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn đến năm 2030. Đà Nẵng đặt mục tiêu tập trung phát triển nền kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT – Truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP của thành phố.

“Giải pháp chính” để xây dựng, phát triển thành phố

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, chuyển đổi số là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. Trên hành trình đó, để chuyển đổi số thành công yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó… Đồng thời, phải kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo; và quan trọng nhất, cần có sự tham gia, đồng hành, ủng hộ không chỉ từ hệ thống chính quyền thành phố mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công nghiệp công nghệ cao trở thành một trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, tầm nhìn đến năm 2045 “Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”. Như vậy, triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà là một trong các “giải pháp chính” để xây dựng, phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

Đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh TP Đà Nẵng (IOC). (Ảnh: Thế Phong/VGP) ảnh 1
Đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh TP Đà Nẵng (IOC). (Ảnh: Thế Phong/VGP)

Tại Hội thảo Chuyên gia về Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố nhận thức được chuyển đổi số không phải tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, mà thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số, từ đó, tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới.

Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi. Đồng thời, lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số. “Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao”, Bí thư Quảng nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra gần nhất, về cơ chế, chính sách, Đà Nẵng tiến hành xây dựng quy chế hoặc quy định về quản lý nhà nước các khu CNTT tập trung tại thành phố; Nghiên cứu áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đối với các khu CNTT tập trung trên địa bàn; Xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm,… Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn tập trung xây dựng nền tảng để phát triển trí tuệ nhân tạo. Phát triển hạ tầng số; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các khu CNTT, Công viên phần mềm đã được quy hoạch trên địa bàn thành phố vào hoạt động…

Đối với chính quyền số, thành phố đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số. Hiện, thành phố đạt tỷ lệ 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 90%; chỉ tiêu của thành phố năm 2023 là 95%). Đồng thời, Đà Nẵng cũng đã tích hợp hơn 1.600 dịch vụ công trực tuyến lên hệ thống dịch vụ công quốc gia.

Về xã hội số, thành phố đã đưa vào sử dụng Nền tảng công dân số thành phố, qua đó mỗi người dân có 1 kho dữ liệu số (thông qua tài khoản công dân số) để có thể kế thừa thông tin, dữ liệu, cũng như dễ dàng tiếp cận, sử dụng tất cả các dịch vụ tiện tích của chính quyền và doanh nghiệp. Song song đó, hạ tầng CNTT truyền thông tại thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định tại 100% khu dân cư; phát triển phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố và các khu công nghệ thông tin tập trung. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu băng thông tốc độ cao cho doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Ngoài ra, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần đưa Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam;…

Bài viết liên quan