Doanh nghiệp miền Trung trong quá trình chuyển đổi số 2023: cần cơ chế đặc thù để đi nhanh hơn

Trong bối cảnh doanh nghiệp miền Bắc và miền Nam đang “tăng tốc” số hóa, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ, phần mềm mới để cải tiến bộ máy vận hành và quản trị, thì ở miền Trung, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong công cuộc chung tay xây dựng nền kinh tế số.

“Có thể nói tiến trình chuyển đổi số ở miền Trung chậm hơn một nhịp so với ở hai đầu. Nếu như nói miền Bắc và miền Nam đang tăng tốc chuyển đổi số, thì miền Trung chỉ đang khởi động. Nhưng khu vực này có nhiều lợi thế để bứt phá”, ông Trương Bạch Dương, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực miền Trung của Base.vn, nhận định.

“Cái khó” của doanh nghiệp miền Trung

Chia sẻ về những đặc thù của cộng đồng doanh nghiệp miền Trung, đại diện Base.vn cho biết tư tưởng, nhận thức và cả con người tại nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi. Tuy nhiên, vẫn còn một phần lớn doanh nghiệp chưa có thói quen “trả tiền cho công nghệ” và cũng chưa có hình dung cụ thể về tính kế thừa của việc áp dụng một sản phẩm công nghệ. “Nói một cách đơn giản, nhiều doanh nghiệp hiểu rằng chuyển đổi số là quan trọng nhưng để đưa ra quyết định áp dụng cụ thể thì vẫn chưa có”, ông Dương nói.

Theo đó, trong hơn 3 tháng kể từ khi văn phòng đại diện của Base.vn tại Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động, đơn vị này đã tham gia nhiều hoạt động, hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi số và nhận về những đánh giá chung về tình hình doanh nghiệp tại khu vực này. Nhiều tổ chức chưa có những nhận thức đúng đắn về vai trò của chuyển đổi số, “họ cho rằng chuyển đổi số là hoạt động nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, hỗ trợ quản lý quan hệ khách hàng, thay vì tối ưu bộ máy vận hành, quản trị của doanh nghiệp”, ông Dương cho biết.

Theo đại diện Base, tại nhiều hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số được tổ chức tại các tỉnh miền Trung, các doanh nghiệp tỏ ra có sự phân hóa rõ về tư duy và cách nhìn nhận đối với chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa thực sự quan tâm đến công cuộc này, trong khi đó doanh nghiệp với quy mô nhân sự từ 100 người trở lên đã bắt đầu tìm hiểu và rất nghiêm túc khi trao đổi, đặt câu hỏi cho các đơn vị cung cấp nền tảng.

Hiện tại, Base đang trong quá trình tư vấn, trình bày giải pháp cho các doanh nghiệp quan tâm, nhất là các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. “Khi họ chuyển đổi thành công, rất có thể công tắc cho một làn sóng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại miền Trung sẽ được kích hoạt”, ông Trương Bạch Dương bày tỏ mong muốn.

Đà Nẵng là khu vực có sự ảnh hưởng của cả hai miền, rất nhiều đơn vị đã chuyển đổi số thành công. Trên thực tế, nhiều khách hàng của Base.vn đã triển khai hệ thống phần mềm của đơn vị này và tiếp tục giới thiệu những khách hàng mới.

Doanh nghiệp miền Trung “đi sau” nhưng có thể “về trước”

Miền Trung hiện có hơn 112.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng và dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực hoạt động của mình. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có 11 năm liên tiếp đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Ngoài ra, đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh trong 2 năm liên tiếp kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiên cứu về chuyển đổi số ở địa phương.

“Công cuộc chuyển đổi số ở riêng Đà Nẵng không nhanh hơn so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tích cực hơn nhiều so với các địa phương khác của cả nước”, ông Dương khẳng định.

Nhưng cũng theo đại diện của Base, không khí chuyển đổi số tại miền Trung đang có những thay đổi rất tích cực, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp lớn ở Quảng Ngãi như Thiên Tân Group, Hợp Nghĩa… đã bắt đầu triển khai các bộ giải pháp của Base. Cùng với đó, tại Quảng Nam rất nhiều doanh nghiệp đã có những buổi trao đổi, tìm hiểu và trải nghiệm phần mềm với đội ngũ Base.

“Việc duy trì tương tác, gặp gỡ trực tiếp và cùng nhau tháo gỡ bài toán giữa doanh nghiệp và đơn vị cung cấp giải pháp là điều mà trước đây ít khi được thực hiện do sự hiện diện của các đơn vị như Base ở miền Trung là chưa nhiều”, ông Dương khẳng định.

Cũng theo đại diện Base, sự khác biệt của doanh nghiệp miền Trung so với miền Bắc và miền Nam nằm ở sự nghiêm túc, tập trung và cần cù do đặc trưng tính cách của người miền Trung. Khi doanh nghiệp có chủ trương triển khai, áp dụng phần mềm, đội ngũ nhân sự rất chủ động, cởi mở chứ không hề có thái độ phản kháng, e rè, chống đối. Người miền Trung lắng nghe, chịu khó, cầu tiến và có hành động cụ thể.

“Tại rất nhiều doanh nghiệp, khi đội ngũ Base trình bày giải pháp của mình, nhân sự – không phân biệt tuổi tác – đã chủ động tìm hiểu, thậm chí là hỏi thêm, xin thêm tài liệu. Doanh nghiệp miền Trung có thể chậm hơn về tốc độ, nhưng rất tập trung và cần cù. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã thu được quả ngọt trong thời gian ngắn hơn so với các khách hàng của chúng tôi ở hai đầu Bắc – Nam”, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực miền Trung của Base.vn khẳng định.

Phạm Lê

Bài viết liên quan