Lặng lẽ góp xanh cho cuộc sống

(Dangbodanang.vn) – Đến cái tuổi bảy mươi, tám mươi, ít ai còn vướng bận với những công việc mà người ta thường gọi là “cha chung”. Thế nhưng, ở Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vẫn hiện hữu những cụ ông, cụ bà – “những chiếc lá vàng” vẫn ngày lặng lẽ góp xanh cho đời bằng những việc làm ý nghĩa!

“Bãi biển ông Mạo”

Tìm về khu dân cư 12 – Kim Liên – phường Hòa Hiệp Bắc vào một ngày giữa tháng 3, vừa dừng xe bên chân Đèo Hải Vân, hỏi nhà ông Mạo là người dân ai ai cũng biết và mau mắn chỉ đường. Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông vừa từ bãi biển trở về, đôi chân còn bê bết cát… “Rứa đó cô, từ sáng chừ mới về như cô thấy đó, ngày mô cũng vậy, có mệt có đau trong người thì mới ở nhà, không là cứ sáng ra là đi” – Bà Nguyễn Thị Cháu – Vợ ông Mạo bắt chuyện. Dài theo lời kể được biết rằng, việc nhặt rác làm sạch bãi biển xuất phát từ việc đi thể dục vào mỗi sáng của ông Trần Xuân Mạo. Thả bước chân theo bờ, ông thấy ái ngại với những rác rưởi vươn vãi dọc bờ biển đoạn từ chân Kho xăng Liên Chiểu đến cầu bà Đen gần chợ Kim Liên. Và câu chuyện về “Bãi biển ông Mạo” cứ thế dài ra…Vừa kể, cả ông và bà vừa cùng chúng tôi ra biển. Đập vào mắt là một bãi biển sạch tươm, tạo một cảm giác trong lành đến lạ. Ít ai biết rằng để có được bãi biển sạch đẹp như hôm nay là cả một “công trình” của cụ Trần Xuân Mạo. Ngày ngày, dọc theo bờ biển ông cụ nhặt nhạnh  những rác thải, bao nilon, nhành cây, củi mục mà sóng biển đừa vào hay của ai đó vô tình vứt ra. Nhặt, gom lại thành đống trên bờ và đốt. Bất kể giờ nào, hoặc sáng, hoặc chiều, dù mưa hay nắng, công việc ấy mặc nhiên được lặp lại hàng ngày và “công trình” ấy đến nay đã gần 10 năm ròng khiến nhiều người cảm phục. Ông Nguyễn Như Nghĩa – Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 – Kim Liên nói: “Bác Trần Xuân Mạo ở đây là một người có một không hai. Bất kể nắng mưa, sớm tối, ngày nào cũng như ngày nào, việc nhặt rác làm sạch bờ biển của bác ấy như một “thời khóa biểu” vậy. Bác Mạo là một gương sáng luôn được chúng tôi nêu lên trong các buổi họp tổ, các buổi tuyên truyền tại khu dân cư. Và, mặc nhiên người dân theo đó tự ý thức, tự giác giữ sạch môi trường, tuyệt nhiên không còn tình trạng vô ý vứt rác ra bờ biển như trước nữa”.

Mặc dù gần 2 năm trở lại đây, sức khỏe ông đã yếu đi nhiều và không còn nói được do bị tai biến. Song không vì thế mà ông ngơi công việc của mình. Hình ảnh ông cụ mái tóc bạc phơ vẫn đều đặn ngày ngày hằn trên cát những bước chân thầm lặng. “Có một lần mà tôi không quên được mới năm ngoái đây, đó là lần bác Mạo bị ốm. Người nhà không cho ra biển nhặt rác đốt như mọi ngày. Nằm trong nhà ngó trời gần mưa, thấy tôi đi ngang nhà ông với gọi tôi và nói – chú Nghĩa cho tui ra biển đi, để tui đốt mấy đống rác phơi hôm qua, không trời mưa xuống là lại bị ướt. Tôi ngăn một hai không cho ông đi, nói để tôi đi đây rồi về tôi ra đốt cho. Nói xong tôi đi vừa đi công chuyện về thì đã thấy ông lom khom đốt rác ngoài biển. Thật, vừa thấy thương mà vừa giận” – Tổ trưởng dân phố kể thêm. Và, có lẽ từ những việc làm ý nghĩa đó mà “Bãi biển ông Mạo” được người dân trong vùng gọi như một lẽ tự nhiên! Bà Nguyễn Thị Cháu – vợ ông Mạo chia sẻ: “Ông nhà tôi làm theo cái tâm tình nguyện chứ không ai ép cả. Tuổi già không làm được việc gì to tát thì làm việc nhỏ, thấy việc gì có ích thì mình làm, tôi cũng thấy lo lắng cho sức khỏe của ông nhưng thấy ông làm ông vui thì mình cũng vui…”. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, học Bác không phải cố làm những việc gì xa xôi mà bắt đầu từ chính những công việc thực tế nhất ở đời thường. Ghi nhận việc làm tích cực, quận Liên Chiểu đã khen tặng ông Trần Xuân Mạo vì đã có thành tích xuất sắc trong việc Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 – 2015”.

“Con đường bà Bôn”

Rời “bãi biển ông Mạo”, chúng tôi về khu dân cư Quang Thành 4B1, phường Hòa Khánh Bắc. Kiệt 294 dẫn vào ngôi nhà có cụ già đã ngoài 80. Cụ Bùi Thị Ước – “một lao công đặc biệt” trên tuyến đường K294 Nguyễn Lương Bằng. Lưng đã còng, mắt không còn tỏ, nhưng cứ tầm 5 giờ sáng là cụ lại lọ mọ ra quét đường. Việc làm ấy cứ thế diễn ra hàng ngày đến 6 – 7 năm nay. “Cái việc này tôi thấy làm bình thường. Thấy đường có rác, lá cây thì tôi quét, quét cho sạch, vừa sạch ngõ nhà mình, vừa sạch lối đi chung chứ không cực nhọc gì. Tuổi già vận động cho người thư thái thôi cô” – cụ Ứớc nói. Đồng chí Hồ Xuân Hạnh – Phó Bí thư Chi bộ 1 Quang Thành 4B tiếp lời: “Già yếu là vậy nhưng tinh thần cộng đồng của cụ rất cao. Sáng nào cũng dậy rất sớm quét đường, bà con thấy thế cũng ra quét trước cổng nhà mình, tuyệt đối không ai bỏ rác ra ngoài đường. Kiệt 294 vì thế luôn luôn sạch sẽ, môi trường theo đó trong lành, mát mẻ hơn” Ban đầu thấy cụ sáng nào cũng quét đường nhiều người cho đó là không bình thường. Nhưng thời gian làm họ hiểu ra và cảm phục việc làm của cụ Ước. “Nói thiệt thì nhà nào cũng lo tất bật đi làm, nhiều khi những việc chung như vệ sinh đường sá cũng bị lơ đi. Nhưng cứ thấy cụ bà đây ngày nào cũng quét làm chúng tôi như tĩnh ra và chung tay vào làm. Con đường K294 được người dân trong xóm thường gọi vui là “con đường bà Bôn”, mai mốt bà già yếu hay mất đi rồi thì không biết có còn ai quét đường nữa”- anh Trần Quốc Việt – một người dân sống trên kiệt 294 nói.

Hỏi ra mới biết, ông nhà cụ Ước, có tên là Hoàng Văn Bôn, nên người dân hay gọi cụ bà là “bà Bôn”. Và “con đường bà Bôn” được gọi cũng bắt nguồn từ đó. Hình ảnh cụ bà với chiếc ki xúc rác và chiếc chổi lần theo kiệt xóm quét từng lá cây khiến người viết không khỏi suy nghĩ, vì đâu đó vẫn còn những bao rác vứt văng ra ngoài thùng rồi…dông thẳng; vẫn còn những họp đựng thức ăn nhanh bỏ không đúng nơi quy định; vẫn còn những họp sữa, bao nilon vứt toẹt xuống đường khi người ta vừa qua sử dụng; và còn nhiều, rất nhiều những hành động chưa đẹp khác trong giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng.

                                                                                                       Đông Phương

Bài viết liên quan