Các địa phương nỗ lực chuyển đổi số
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu. Trên nền tảng đã xây dựng, các địa phương tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Các quận, huyện tăng cường truyền thông về chuyển đổi số cho người dân. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang hỗ trợ người dân cách tạo tài khoản dịch vụ công. Ảnh: M.Q |
Tăng cường hợp tác chuyển đổi số
Thời gian qua, các địa phương lần lượt ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn viễn thông, thể hiện quyết tâm chuyển đổi số toàn diện. Cuối tháng 4-2022, UBND huyện Hòa Vang ký kết biên bản với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) – chi nhánh Đà Nẵng về hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026 với 5 nội dung chính: hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu và nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến đầu tháng 6-2022, UBND quận Thanh Khê ký kết biên bản với Tập đoàn FPT về hợp tác chuyển đổi số toàn diện. Mới đây nhất vào giữa tháng 2-2023, UBND quận Hải Châu ký kết biên bản phối hợp thực hiện chuyển đổi số với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) – chi nhánh Đà Nẵng năm 2023 với nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hạ tầng số.
Đến nay, các biên bản ghi nhớ mang lại những kết quả thực tế. Giữa tháng 10-2022, VNPT Đà Nẵng hỗ trợ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành giao dịch thông minh (VNEdu IOC). Các chức năng chính của trung tâm là trực quan hóa, cung cấp các biểu đồ số liệu, chức năng tra cứu hồ sơ trường học, nhân sự, học sinh, kết quả học tập, thông tin kiểm định chất lượng giáo dục; thống kê báo cáo, quản lý lịch công tác theo nhóm đơn vị; đồng bộ dữ liệu giáo dục và cơ sở dữ liệu ngành…
Ngoài ra, VNPT Đà Nẵng cũng bảo đảm hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin để phủ 100% internet băng rộng đến toàn bộ 11 xã của huyện Hòa Vang. Trong khi đó, Viettel Đà Nẵng đã và đang triển khai các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn quận Hải Châu như các dịch vụ thanh toán hồ sơ trực tuyến, biên lai điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận, phường, các trường học; triển khai mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt tại 3 chợ…
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, mặc dù quận Hải Châu đạt một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi số nhưng còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian đến. Vì vậy, việc ký kết hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn viễn thông lớn là một trong những bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số của quận.
Quận đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin như Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và đã bắt đầu việc lắp đặt phòng điều khiển trung tâm; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu công dân điện tử theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đẩy mạnh truyền thông
Ngày 20-2, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án truyền thông chuyển đổi số Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025” năm 2023, yêu cầu UBND các quận, huyện, phường, xã cũng như các cơ quan liên quan sớm xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Qua đó truyền thông về chuyển đổi số trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp. Đến nay, các địa phương đang hoàn thiện kế hoạch và tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền chuyển đổi số.
Hiện, 350 tổ công nghệ số gồm 1.920 thành viên thuộc các tổ dân phố và khu dân cư trên địa bàn quận Cẩm Lệ đang tiếp tục phổ biến, tuyên truyền chuyển đổi số cho người dân. Bên cạnh đó, UBND quận đã xây dựng các chuyên mục Chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử quận và các phường, trên sóng phát thanh của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận; đồng thời chỉ đạo UBND các phường tuyên truyền, đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thành phố, giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với trực tiếp; triển khai các giải pháp hỗ trợ công dân thanh toán trực tuyến trong sử dụng các dịch vụ công; hỗ trợ kinh phí nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà thông qua bưu điện.
Xác định chủ đề năm 2023 “Năm đẩy mạnh chuyển đổi số, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”, UBND quận Thanh Khê đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tham mưu và triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố.
Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, quận đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục như nền tảng dạy học trực tuyến; xúc tiến thương mại trực tuyến, kinh doanh, mua sắm trực tuyến; triển khai tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng ứng dụng Danang Smart City.
Bên cạnh đó, quận rà soát, xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật số và phát triển dữ liệu, phối hợp các ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị, quy hoạch, đất đai để phục vụ người dân tra cứu, khai thác, chuẩn hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.