Chuyển đổi số là “chìa khóa” mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững cho Đà Nẵng
Chiều 14-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; Chủ tịch Vùng Nevers (Pháp) Denis Thuriot đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề “Thành phố thông minh – Số hóa”.
“Chìa khóa” mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững cho Đà Nẵng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố Đà Nẵng tiếp cận, triển khai thành phố thông minh theo 03 trục Hạ tầng – Dữ liệu – Thông minh; ban hành Khung kiến trúc để định hướng; Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số; Ứng dụng thông minh lấy người dân, tổ chức làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.
Từ những năm 2000, Đà Nẵng đã bắt đầu tiếp cận xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2010, thành phố đã ban hành Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố theo mô hình tập trung.
Xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử. Từ năm 2014, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đến năm 2018, thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức ban hành và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh và kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Tiếp cận xu hướng chuyển đổi số và triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 và UBND thành phố ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 triển khai toàn diện trên 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.
Trong đó xác định, chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố, để mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững đối với thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
“Với chủ trương, chính sách như trên, công cuộc chuyển đổi số thành phố đã diễn ra mạnh mẽ, toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố đã chủ động, tích cực tham gia triển khai và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được trú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung, các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố; Kinh tế số đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 17%. Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân.
Thành phố Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh”, Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhìn nhận, cùng với những thuận lợi, kết quả đạt được, công tác triển khai thành phố thông minh, chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có quy mô kinh tế thấp, nên việc lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện; Chính sách thiếu nhất quán trong việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước của các Bộ, ngành chưa hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ số; cơ chế Sandbox chưa có hướng dẫn để hỗ trợ việc thí điểm, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, làm chậm quá trình chuyển đổi số; Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu chưa được chuẩn hóa, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung giữa các bộ, ngành với địa phương. Chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về dữ liệu mở; chưa có cơ chế, chính sách về sử dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế số…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Trong quá trình đó cần sự tham gia, phối hợp đồng bộ, tổng thể từ các bên liên quan.
Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do đó hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến trong chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
“Hội thảo hôm nay là cơ hội đặc biệt quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ, giao lưu hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp của Pháp, từ đó nghiên cứu áp dụng tại địa phương, đơn vị, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số để hướng đến mục tiêu cuối cùng là mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân địa phương mình”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nói.
Tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chủ tịch Vùng Nevers Denis Thuriot chia sẻ, thành phố Nevers có khoảng 35 nghìn dân. Đây là thành phố tầm trung của Pháp và đã có những ứng dụng chuyển đổi số mang lại tiện ích hiệu quả cho người dân. Khi bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền địa phương đã đặt ra các câu hỏi là sẽ hướng vào đối tượng nào và mục tiêu là gì.
Thành phố xác định đối tượng là toàn bộ người dân, kể cả những người yếu thế. Thành phố thông minh là thành phố không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân được hưởng các tiện ích một cách dễ dàng. Đồng thời, thỏa mãn các điều kiện việc đi lại được thông suốt, năng động về kinh tế; cân bằng đáp ứng nhu cầu của người dân; có hoạt động văn hóa, sống động. Khi triển khai thành phố thông minh, xác định yếu tố đầu – cuối không phải là thiết bị, máy tính mà chính là người dân sống trong đô thị đó.
Nevers cũng đã thử nghiệm giao thông thông minh; triển khai thí điểm xe tự động, kết hợp giao thông hỗn hợp; làm việc với tập đoàn hàng đầu của Pháp để ứng dụng đổi mới công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong cung cấp nước. Ngoài ra, chuyển đổi số, sáng tạo cũng được áp dụng trong giáo dục, khai thác tài nguyên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại Hội thảo. ẢNH: VGP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, Hải Phòng xác định, định hướng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thành phố cũng luôn chú trọng công tác xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số nhằm đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển thành phố, tạo động lực thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị thông minh kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, từ đó lan tỏa và kết nối với các khu vực xung quanh và quốc tế.
Trên cơ sở các nhu cầu và điều kiện thực tế về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, UBND thành phố Hải Phòng đã chủ động xây dựng và triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Trong đó luôn gắn chuyển đổi số với trọng tâm phát triển về kinh tế số, xã hội số để xây dựng thành phố thông minh; có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu, tập trung xây dựng phát triển đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, triển khai chuyển đổi số thực hiện quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh tích hợp trên nền ứng dụng địa lý (GIS), đồng thời tập trung đầu tư, hoàn thiện về Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, bên cạnh việc nghiên cứu, triển khai, xây dựng, hoàn thiện dần Hệ thống hạ tầng viễn thông thông minh (ICT), sớm tích hợp đồng bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng phát triển đô thị thông minh, bền vững thành phố Hải Phòng, gắn kết với khu vực và quốc tế.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, bên cạnh việc phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng hệ thống các trường học, bệnh viện thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các lĩnh vực là giải pháp thành phố Hà Nội đang thực hiện nhằm hướng tới xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh và phát triển bền vững. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của Chính quyền thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo. ẢNH: VGP
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dự trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế – xã hội.
Hà Nội xác định, xây dựng thành phố thông minh đã là một xu hướng tất yếu và cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức. Thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền các thành phố thuộc nước Cộng hòa Pháp, các doanh nghiệp, các nhà khoa học để xây dựng Thành phố thông minh.
Do vậy, thành phố Hà Nội mong muốn các đối tác, doanh nghiệp Pháp quan tâm một số lĩnh vực hợp tác: hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua cơ chế tài trợ dự án, thông qua các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư; tư vấn về xây dựng Đề án thành phố thông minh, giao thông thông minh; tư vấn chuyển giao công nghệ thông minh trong lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục và an toàn vệ sinh thực phẩm…