Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đà Nẵng

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Trong thời gian qua, các kết quả nghiên cứu ứng dụng CNSH phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ.

Trong thời gian qua công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN về lĩnh vực CNSH đã có một số kết quả khả quan, chủ yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN đã từng bước giúp thành phố chủ động trong việc sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt cho bà con nông dân. Đồng thời thông qua các hoạt động nghiên cứu đã từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực CNSH. Qua việc triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, thành phố đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương bước đầu đã đầu tư một số cơ sở vật chất kỹ thuật để triển khai ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn thành phố.

Tính từ năm 2010 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện 24 nhiệm vụ các cấp, trong đó có 6 dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi”, 4 đề tài cấp thành phố, 14 đề tài cấp cơ sở và 30 mô hình ứng dụng, chuyển giao liên quan đến ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Các nhiệm vụ này chủ yếu tập trung vào triển khai các nghiên cứu ứng dụng CNSH phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua các nhiệm vụ KH&CN này nhiều mô hình, các giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới được đưa vào áp dụng trong sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như như mô hình trồng nấm; mô hình trồng các loại hoa; mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu; mô hình chăn nuôi thỏ, dê, nuôi gà đồi, gà Đông Tảo… và các mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh học xử lý môi trường nông thôn.

Mô hình sản xuất hoa lan tại Trung tâm CNSH Đà Nẵng

Bên cạnh đó, với sự hình thành và phát triển của Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã phần nào góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp của thành phố. Từ khi thành lập năm 2010 đến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã nghiên cứu xây dựng, làm chủ và chuyển giao được nhiều quy trình kỹ thuật trong sản xuất giống và thương phẩm, trong đó có các loài hoa có giá trị kinh tế cao như hoa lan (Hồ Điệp, Dendro, lan Vanda, lan Cattleya, lan Mokara, các loài lan rừng…), hoa cát tường, các loại hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa ly, các loại hoa chậu, hoa thảm, cây lá màu, cây Hồng Diệp; sản xuất giống và thương phẩm các loại nấm ăn và nấm dược liệu các loại cây dược liệu như dó bầu, sa nhân…; các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp…Tuy nhiênnhân lực chuyên sâu về CNSH của thành phố đang trong giai đoạn phát triển, còn thiếu chuyên gia đầu ngành và việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Do vậy, để các thành tựu về CNSH sớm ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, tránh tình trạng “hết hỗ trợ, hết triển khai”, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động nghiên cứu ứng và phát triển CNSH trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cũng nên có chính sách ưu đãi cho công tác nghiên cứu khoa học có như vậy mới kích thích được “chất xám” của đội ngũ cán bộ có trình độ giỏi, tâm huyết gắn bó với nghề nông., đầu tư mạnh hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố.

 

Nguồn: Sở Khoa học và Công Nghệ Đà Nẵng.

Bài viết liên quan