Bỏ nghề hướng dẫn viên để làm… ông chủ cơ khí !

Đến thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, ai nấy đều biết Nguyễn Tri Vinh, ông chủ của Xưởng gia công inox. Bởi lẽ, chàng trai trẻ đầy năng động này đã đầu tư vào một mô hình sản xuất rất khác biệt so với lối mòn làm nghề sản xuất đá của nhiều người dân trong làng.

Năm 2005, Nguyễn Tri Vinh (sinh năm 1981) tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tiếng Pháp. Với tính cách ham học hỏi, muốn giao lưu và mở rộng các mối quan hệ, anh chọn công việc hướng dẫn viên du lịch. Nhưng rồi Vinh nhận thấy công việc này chỉ mang tính thời vụ, nên sau đó anh quyết định tập trung phát triển kinh tế gia đình ngay trên quê hương Hòa Vang.

Anh Nguyễn Tri Vinh bên chiếc máy hàn bấm Toaseiki.

Sau một thời gian tìm hiểu các mô hình sản xuất tại Đà Nẵng và nhờ kinh nghiệm từ chuyến đi thực tế 2 tháng ở TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/2011, Nguyễn Trí Vinh quyết định mở Xưởng gia công inox. Với số vốn gần 300 triệu đồng nhờ tích góp và vay mượn họ hàng, anh mở xưởng rộng 200 m2 ngay trên mảnh đất của gia đình và thuê thêm 5 người phụ. Ban đầu, anh nhận gia công những đơn hàng nhỏ lẻ nên thu không đủ chi, ngày nào anh cũng phải làm việc đến 12 giờ đêm để tiết kiệm tiền thuê nhân công. Nguyễn Tri Vinh chia sẻ: “Lúc đầu, nhiều bạn bè ngăn cản, họ bảo làm hướng dẫn viên kiếm ra tiền, làm nghề này đen thui à! Tôi chỉ cười và tự nghĩ phải cố gắng hơn”.

Nhờ kiên trì, Nguyễn Tri Vinh đã từng bước mở rộng được mạng lưới phân phối của mình, rồi từ đó phát triển mô hình sản xuất. Hiện nay, Xưởng gia công inox của anh có quy mô hơn 300 m2, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương, với mức lương mỗi công nhân từ 3,8 – 5,5 triệu đồng/tháng. Xưởng quản lý lao động theo sản phẩm, đủ số lượng và đúng chất lượng, khi hoàn thành công đoạn của mình, các em có thể tranh thủ thời gian rảnh về phụ giúp gia đình hay làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Hiện sản phẩm gia công tại xưởng chủ yếu là moóc treo quần, áo inox.

Tuy chỉ là mô hình sản xuất nhỏ tại địa phương, nhưng tất cả các công đoạn trong quá trình gia công đều được chuyên môn hóa và tự động hóa. Mỗi công nhân đảm nhiệm một công đoạn và chịu trách nhiệm về khâu mà mình phụ trách. Để hiện đại hóa sản xuất, anh Vinh đã đầu tư mua nhiều loại máy móc hiện đại, trong đó có 3 máy hàn bấm TOASEIKI (máy hàn các đồ sắt lại với nhau bằng điện, không cần dùng que hàn), 5 máy dập thủy lực, 1 máy mài, 1 máy cắt…

Nhận thấy trong quá trình gia công một số công đoạn bị hao hụt nguyên vật liệu và tốn quá nhiều nhân lực, nhờ kinh nghiệm từ thực tiễn làm việc, Nguyễn Tri Vinh đã sáng tạo ra nhiều loại máy hỗ trợ như: “Máy chặt” có thể chặt các thanh inox mà không làm hao hụt vật liệu, hay “Máy mài” có thể mài 200 chiếc lắp trong một lần mài, thay vì 1 chiếc/1 lần mài như trước đây. Nhờ vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, mỗi tháng, Xưởng sản xuất inox của Nguyễn Tri Vinh gia công hơn 30.000 sản phẩm với tổng doanh thu trên 600 triệu đồng. Để tránh rủi ro cũng như giảm chi phí khi thu mua vật liệu, anh đã tiến hành liên kết với các nhà kinh doanh, nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, anh chỉ tập trung điều hành, quản lý việc gia công. Hàng năm, trừ chi phí, Nguyễn Tri Vinh thu lãi trên 150 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Nguyễn Tri Vinh dự định mở rộng quy mô xưởng lên 400 m2, từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công nữa. Đồng thời, anh sẽ phát triển loại hình sản phẩm gia công, cũng như hướng đến các thị trường mới tại miền Trung và miền Bắc… Không chỉ sản xuất giỏi, Nguyễn Tri Vinh còn tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng. Hiện anh là thành viên tích cực của Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế huyện Hòa Vang. Anh cũng đã nhận được lời mời làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên lập nghiệp của xã Hòa Sơn.

Bài và ảnh:Võ Văn Tứ

Bài viết liên quan