Sinh viên Trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa phục vụ Tết 2020”
Các bạn Khoa, Thư, Tiến (từ trái qua) giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa phục vụ Tết 2020’’. Ảnh: T.L |
Từ đường hoa sum họp
Đó là ý tưởng vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa phục vụ Tết 2020” của nhóm 3 SV gồm Trần Nhật Tiến, Nguyễn Ngọc Tú và Phùng Hữu Hoàng Thao, đều là sinh viên lớp 14KT, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).
Nhật Tiến cho biết, ý tưởng bố trí đường hoa của nhóm năm nay xuất phát từ suy nghĩ về một mùa xuân thật đầm ấm, sum vầy bên gia đình, người thân, bạn bè. Đó là nền tảng, bước đệm, để mọi người vươn cao, vươn xa hơn. Đề tài mong muốn những người con cho dù ở Đà Nẵng hay không, vẫn luôn hướng về quê hương nơi mình sinh ra, hướng về gia đình đầm ấm. Xuân chính là dịp tuyệt vời để thực hiện hóa những điều đó một cách ý nghĩa nhất.
Theo đó, nhóm tập trung phát triển ý tưởng về những hình tượng mang tính truyền thống, bố trí các vật liệu gần gũi, khai thác hình tượng linh vật chú chuột cho năm 2020, tạo ra nhiều hạng mục, nhiều tiểu cảnh đa dạng màu sắc. Đường hoa được bố trí ở nhiều điểm, khu vực quan trọng trong việc tham quan của mọi người, có nhiều tiểu cảnh, cổng chào, bùng binh, các dãy ghế ngồi… Đặc biệt năm nay, nhóm chú trọng bố trí hoa nhiều hơn ở bùng binh, các dãy ghế đá ven đường, các điểm nhấn nhỏ ở các công viên mà ít người để ý. Điều này tạo nên sự đa dạng trong các hạng mục trang trí.
Tiến chia sẻ, điều quan trọng nhất trong bài dự thi năm nay là nhóm hướng đến sự cảm nhận: cảm nhận về mùa xuân đầm ấm, sum vầy, tôn lên những vẻ đẹp len lỏi trong tâm hồn chúng ta bấy lâu nay mà hầu như không được để ý đến. Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, mọi người tụ họp cùng nhau “nhâm nhi” vẻ đẹp màu sắc, hương thơm của ngàn hoa Đà Nẵng.
Cái tên “Xuân về sum họp” đã nói lên tất cả. “Cả 3 chúng em đều là người con của Đà Nẵng, nên việc cùng chung ý tưởng, chung chí hướng muốn góp phần làm đẹp thành phố là điều may mắn nhất”, Phùng Hữu Hoàng Thao nói.
Đến hệ thống điện chiếu sáng
“Nguồn sáng – nguồn sống” là nội dung mà nhóm Trần Nhật Tiến, Trần Phước Bảo Thư (SV lớp 14KT) và Trương Văn Khoa (SV lớp 16KTCLC), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) gửi gắm trong cuộc thi “Ý tưởng trang trí điện chiếu sáng 2020”. Ý tưởng đoạt giải nhì của cùng cuộc thi. Theo Thư, trong hạng mục đèn giăng trên các tuyến đường, nhóm tập trung thể hiện những hình ảnh mang tính chất đa nghĩa, với sự dày mỏng của các hình tượng kết hợp với các đường cong, thể hiện “dòng chảy của sự sống” nối đuôi nhau thành từng hàng, ý nghĩa kết nối những người dù không quen biết nhau nhưng cùng sống chung một mảnh đất này.
Trong hạng mục Cổng chào trên các tuyến đường, với sự đầu tư lớn về ý tưởng, các đường nét mềm mại hòa quyện vào nhau, cao, thấp, với những thanh điệu riêng biệt, khi nhìn vào mọi người cảm giác đó là luồng ánh sáng mang theo năng lượng và suy nghĩ tích cực, mang theo khát vọng của tuổi thanh xuân. Hệ thống thể hiện sự đa dạng, tương phản, cho thấy nét riêng của từng tuyến đường khác nhau, nơi thì trầm mặc, nơi thì cá tính mạnh, nơi thì khát khao vươn lên… Đặc biệt, nhóm khai thác triệt để hình tượng linh vật con Chuột, kết hợp với những hình tượng mang tính biểu trưng của thành phố như cầu Rồng.
Ngoài ra, những họa tiết hoa văn mang tính truyền thống, phù hợp và tạo sự đa dạng hơn trong cách bố trí cổng chào trên các tuyến đường của thành phố. Bên cạnh đó, nhóm bổ sung khá nhiều hạng mục khác như hạng mục bố trí chiếu sáng tại khu vực cầu chữ T – đường Bạch Đằng. Tại khu vực đuôi cầu Rồng đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chủ yếu là những hình ảnh khắc họa linh vật con Chuột cho năm 2020…
“Hệ thống chiếu sáng này phù hợp với nhiều tuyến đường khác nhau trong thành phố, mang đến năng lượng và suy nghĩ tích cực cho người dân thông qua những hình tượng, những đường nét mang tính đa nghĩa, giàu cảm xúc”, Tiến nói thêm.
Yêu Đà Nẵng và luôn hướng sự sáng tạo đến lợi ích cộng đồng, sự kết hợp giữa tư duy làm việc sáng tạo của các bạn trẻ cùng trường, cùng chung tình yêu thành phố và muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống là sự kết nối cần thiết và quan trọng để cùng chung tay xây dựng thành phố giàu đẹp. “Khi đất nước ngày càng phát triển, thì đâu đó những giá trị mang tính địa phương đang dần mất đi.
Tôi mong muốn qua những ý tưởng tôi và các bạn mang lại thông qua những cuộc thi, sẽ phần nào đến được với các bạn trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, hay ít nhất là bạn bè cùng trang lứa với mình, cùng nhau góp sức, duy trì những giá trị truyền thống, những giá trị địa phương, những giá trị cốt lõi nền tảng xứng đáng được bảo tồn, góp phần nào đó xóa bỏ dần ranh giới cách biệt của giàu – nghèo, của truyền thống – hiện đại…, mang lại nguồn năng lượng tích cực qua những điều mà tôi cùng các bạn chia sẻ”, Trần Nhật Tiến, thành viên trong cả hai nhóm tham gia, bộc bạch.
Theo Báo Đà Nẵng.