Đà Nẵng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

100% hộ kinh doanh tại huyện Hòa Vang dùng hóa đơn điện tử, sản phẩm OCOP được xây dựng mã vạch, tiểu thương chợ dần áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Mua bó rau, miếng thịt cũng … quét mã thanh toán

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, mỗi khi chị Bích Hạnh (34 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đi chợ không còn băn khoăn việc quên ví tiền ở nhà hay phải cầm cho chắc ví tiền ở tay kẻo vào chợ mua đồ làm mất. “Bữa nay chợ Túy Loan có nhiều quầy hàng rau quả, thịt cá đã quét mã thanh toán. Rất tiện lợi lại hiện đại, an toàn, nên tôi rất hào hứng khi đi chợ mua hàng không phải mang theo tiền mặt”, chị Bích Hạnh cho hay.

Đà Nẵng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Hàng trăm tiểu thương chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) đã triển khai song song phương thức thanh toán tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt (quét mã QR Code, chuyển khoản…)

Cũng như chị Hạnh, nhiều người tiêu dùng khi đến mua sắm tiêu dùng tại chợ Túy Loan những ngày này chỉ mang điện thoại để trải nghiệm việc đi mua thịt cá mà không phải trả tiền mặt.

“Ở quầy hàng tôi vẫn thanh toán song song tiền mặt và quét mã. Hiện phần nhiều người dân vẫn dùng tiền mặt khi mua hàng. Mới có ít người quét mã thanh toán, chủ yếu là người trẻ. Dù vậy, tôi vẫn rất ủng hộ việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người trải nghiệm cũng nói như vậy. Rất tiện lợi, nhanh chóng. Tôi hi vọng trong thời gian tới người mua hàng sẽ dùng phương thức thanh toán này nhiều hơn”, cô Nguyễn Thị Diệp (tiểu thương chợ Túy Loan) chia sẻ.

Chợ Túy Loan được UBND huyện Hòa Vang lựa chọn là chợ thí điểm triển khai mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt từ cuối tháng 7/2023. Trước đó, chợ cũng đã được đầu tư mạng không dây (wifi) miễn phí 100% (7 đường truyền tốc độ cao) cho tiểu thương, người tiêu dùng tại chợ, rất thuận lợi phục vụ các hoạt động chuyển đổi số tại chợ.

Đến thời điểm hiện tại, toàn chợ có khoảng 250/570 hộ có tài khoản ngân hàng, có sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt internet banking phục vụ cho giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Đà Nẵng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng)

Bên cạnh chợ Túy Loan, trên địa bàn huyện Hòa Vang còn 2 chợ khác cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là chợ Miếu Bông và chợ Lệ Trạch. Ngoài ra, 11/11 xã thuộc huyện Hòa Vang đã cùng kí cam kết triển khai “Mỗi xã 1 khu vực, 1 tuyến đường thương mại thanh toán không dùng tiền mặt”. Hiện các xã đã phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông mở hàng nghìn tài khoản và in mã QR Code cho người dân và các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương trên các tuyến đường, các chợ đã đăng kí triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) được công nhận là huyện nông thôn mới từ năm 2015. Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Đà Nẵng cho biết chuyển đổi số trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian qua diễn ra mạnh mẽ. Hạ tầng số trên địa bàn huyện đã được triển khai tích cực. Trong đó, đã lắp đặt wifi miễn phí cho khu vực trung tâm các xã, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, chợ Túy Loan; hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ cao đã kết nối đến tất cả các hộ dân, sóng 3G,4G đã phủ tới tất cả khu vực nông thôn. Về cơ sở dữ liệu, huyện Hòa Vang đang sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung khác nhau như cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu học bạ điện tử, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể…. Toàn huyện có 122 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 51 dịch vụ công trực tuyến 1 phần. Huyện đã áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% các hộ kinh doanh, doanh nghiệp; hỗ trợ đưa 25 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng mã vạch, mã QR Code cho các chủ thể sản phẩm OCOP; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện trên các mạng xã hội. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 85% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; 11/11 xã triển khai phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe; đến nay, Hòa Vang có khoảng 18.000 công dân được cấp định danh điện tử VneID mức 2.

Đà Nẵng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Nông trại Afarm (xã Hòa Phú) là đơn vị sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang đang ứng dụng công nghệ 4.0 quản lý vận hành qua App

Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết huyện Hòa Vang đã và đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh.

Đến nay, huyện đã hoàn thành 15/20 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu vượt kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn, tiêu biểu như hoàn thành 100% tỷ lệ dịch vụ công được cung cấp ở mức 4; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 80% người dân ở độ tuổi lao động có tài khoản giao dịch ở ngân hàng; 100% trường học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 96%…

“Những kết quả tích cực trên đã góp phần quan trọng giúp Hòa Vang đạt được những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn thông minh”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nói và khẳng định “Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, cần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt và cần sự vào cuộc của cả chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân”

Vũ Lê

Bài viết liên quan