Dân Đà Nẵng nhàn nhờ chuyển đổi số

100% dịch vụ công ở Đà Nẵng đều đã được triển khai trực tuyến mức độ 4 (nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục qua mạng) từ đầu năm nay. Giờ đây người dân có thể làm tất cả các dịch vụ công ở Đà Nẵng qua mạng nhờ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân Đà Nẵng  - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Muốn chọn ngày đẹp để khai trương quán nhưng lại vướng chuyện cá nhân chưa thể về ngay Đà Nẵng, ông Lê Kim Dũng (quận Hải Châu) mở máy tính để làm hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng.

Ngồi nhà làm hết thủ tục, tiện cả đôi bề

Sau khi nộp hồ sơ, với mã biên nhận hồ sơ điện tử, thỉnh thoảng ông Dũng mở máy theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình. Thuận tiện nhất là việc được xác nhận ngày giờ trả lời thông qua trạng thái xử lý hồ sơ nên không phải ngóng đợi, hỏi thăm.

“Không mất thời gian đi đến cơ quan hành chính để xếp hàng, có thể ngồi ở bất cứ đâu đăng ký. Ban đêm đăng ký cũng được”, ông Dũng nói.

Ông Lê Thành Tài, một chủ cơ sở kinh doanh ở quận Cẩm Lệ, lần đầu lên mạng đăng ký giấy phép kinh doanh, không ngờ chưa đầy ba ngày sau đã được thông báo cấp phép.

Tiểu thương ở các chợ ở Đà Nẵng đều chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt. Đây có thể xem là bước chuyển đổi số dễ nhìn thấy nhất - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tiểu thương ở các chợ ở Đà Nẵng đều chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt. Đây có thể xem là bước chuyển đổi số dễ nhìn thấy nhất – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

“Ban đầu mình tưởng khó nhưng chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và vài cái nhấp chuột là xong. Mình đăng ký luôn dịch vụ trả hồ sơ hành chính tận nhà nên chẳng cần phải đến cơ quan nhà nước”, ông Tài nói.

Quen, anh Tài nay là người thường giúp nhiều bạn bè, nhất là việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế qua mạng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, hiện nay tỉ lệ giải quyết hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh qua mạng chiếm 75% so với hồ sơ giấy.

Đăng ký kinh doanh là một trong tổng số 1.476 dịch vụ công ở TP Đà Nẵng. Tính đến nay 100% các dịch vụ công này đều được chấp nhận hồ sơ qua mạng.

Thường xuyên qua Lào công tác, ông K.D. cũng hay thực hiện các thủ tục cấp giấy phép liên vận Việt – Lào cho ô tô cá nhân để qua lại. Việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trả lời qua hệ thống từ Sở GTVT Đà Nẵng rất dễ theo dõi nên từ năm 2022 ông K.D. đã quyết định chuyển hai ô tô đăng ký biển số ngoại tỉnh về Đà Nẵng để thuận lợi mỗi khi cần gia hạn giấy phép.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, một trong những đột phá trong việc chuyển đổi số trong năm qua là TP này chính thức đưa vào sử dụng nền tảng công dân số tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và app DaNang Smart City. Mỗi công dân có một QR code đại diện cho hồ sơ công dân số để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.

Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết tính đến nay thành phố có hơn 260.000 tài khoản/hồ sơ của người dân, tương đương 46% người trong độ tuổi trưởng thành ở Đà Nẵng.

“Hồ sơ công dân số cho phép mỗi người dân có một QR code duy nhất theo chuẩn quốc gia để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân đăng ký mới hoặc bổ sung thông tin”, ông Thạch nói.

Dân quen dần với nền tảng số

Để tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và người dân, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng nền tảng ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích DaNang Smart City cung cấp các dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông báo kịp thời đến người dân (ví dụ tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, xe buýt, vi phạm giao thông, giá đất, tiền điện, nước, bãi đỗ xe…).

Người dân Đà Nẵng tham gia một sự kiện thanh toán không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Người dân Đà Nẵng tham gia một sự kiện thanh toán không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Không những lĩnh vực hành chính công mà việc chuyển đổi số cũng dần hình thành thói quen trong các lĩnh vực kinh tế khác. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, bán lẻ, nhất là thanh toán không tiền mặt.

Chị Ngô Thị Yến (tiểu thương chợ Hàn) cho biết khách nước ngoài rất chuộng thanh toán không tiền mặt. Tại các ngôi chợ chuyên phục vụ khách du lịch quốc tế ở Đà Nẵng, việc chấp nhận thanh toán bằng mã QR đã được triển khai rộng rãi.

Nhiều điểm thăm thú, vui chơi ở Đà Nẵng cũng đều chấp nhận hình thức thanh toán bằng mã QR và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là tại các khu vực ven biển.

“Khi từ Trung Quốc về tôi từng nghĩ rất lâu Đà Nẵng mới bắt kịp họ trong việc thanh toán không tiền mặt nhưng bây giờ thì ở Đà Nẵng đã hầu như nơi nào cũng chấp nhận hình thức này.

Đà Nẵng chuyển đổi nhanh là nhờ nhu cầu của khách và cả nền tảng từ cơ sở hạ tầng số cũng như lợi thế công dân đô thị, lớp trẻ vốn tiếp cận công nghệ rất nhanh”, anh Đào Tấn Bình, một người từng có thời gian học tập tại Nam Ninh (Trung Quốc), nói.

Bài viết liên quan