Giúp người dân vùng núi làm du lịch

Bằng việc thiết kết trang web, vẽ bản đồ chỉ dẫn, làm video và sổ tay dành cho khách du lịch khi tới huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), nhóm sinh viên tình nguyện thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã góp phần giúp địa phương quảng bá các điểm đến để phát triển du lịch.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đang làm trang web, vẽ bản đồ về các điểm đến du lịch tại Nam Giang.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đang làm trang web, vẽ bản đồ về các điểm đến du lịch tại Nam Giang.

Trong gần 1 tháng, các sinh viên thuộc các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế chính trị, Kinh doanh quốc tế, Du lịch đã tìm tòi, nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm, ấn phẩm du lịch và bàn giao cho địa phương quảng bá, phát hành.

Sinh viên Phương Hồng Bảo (khoa Kinh tế chính trị) phụ trách nhóm vẽ bản đồ và làm sổ tay du lịch, cho biết: “Để có thông tin, điểm đến đầy đủ cho tấm bản đồ, chúng em phân công nhau đi khảo sát tỉ mỉ về địa hình cũng như hỏi từng người dân địa phương. Có tấm bản đồ này, khách du lịch hay người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Nam Giang có thể dễ dàng tìm thấy những tuyến đường và địa điểm hấp dẫn tại đây như: làng dệt, thác Grăng, sông Thanh…

Không những thế, bản đồ còn chỉ dẫn khách du lịch biết những chỗ có thể dừng chân nghỉ ngơi hay vị trí có cây xăng, quán ăn, chỗ sửa xe, Trung tâm Hành chính huyện, Trạm Y tế, cây ATM…  khi gặp sự cố hay có việc cần”.

Ngoài tấm bản đồ, cuốn sổ tay du lịch cũng cung cấp hình ảnh, thông tin sơ lược về văn hóa, địa điểm, ẩm thực Nam Giang; trong đó có một lịch trình gợi ý tour du lịch 2 ngày 1 đêm và các thông tin liên lạc cần thiết như: nhà nghỉ, quán ăn, người cho thuê dịch vụ du lịch, địa chỉ hướng dẫn trải nghiệm sống cùng người bản địa…

Là những sinh viên sống ở thành phố, với Bảo và các tình nguyện viên, chuyến khảo sát, thực hiện vẽ bản đồ cũng như làm sổ tay lần này gặp không ít khó khăn. Việc vẽ, thiết kế mới được các bạn thực hiện lần đầu nhưng vẫn tạo được những cuốn sổ tay bắt mắt và tấm bản đồ chi tiết.

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thanh (khoa Du lịch) chia sẻ: “Do địa hình vùng núi nên việc khảo sát xa xôi và hiểm trở. Hơn nữa, người dân đi làm suốt, để tìm được họ và hỏi thông tin các điểm đến gặp khá nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khi tiếp cận việc vẽ bản đồ du lịch, tụi em không có bản đồ gốc huyện Nam Giang nên phải tự mày mò làm trên cơ sở tấm bản đồ quy hoạch sơ khai do huyện hỗ trợ. Vất vả, khó khăn nhưng khi hoàn thiện các phần việc, ai cũng vui và hào hứng”.

Bảo, Thanh và cả nhóm cho biết, trong chuyến khảo sát lần này, nhóm khám phá hồ thủy điện sông Bung là địa điểm lý tưởng cho khách phượt nhưng chưa được khai thác. Vì vậy, nhóm đề xuất huyện Nam Giang thời gian tới cho xây dựng lại bến phà và các hạng mục an toàn để phát triển điểm đến du lịch tại đây.

Là thành viên trực tiếp làm trang web du lịch Nam Giang, Lâm Hoàng Thắng (khoa Kinh doanh quốc tế) rất vui mừng khi hoàn thiện sản phẩm và bàn giao cho địa phương sử dụng. Thắng nói: “Để có những hình ảnh đẹp về Nam Giang, tụi em đã trải qua nhiều ngày cùng ăn, cùng ở với người dân để quay và chụp điểm đến cũng như tìm hiểu các nét đặc trưng văn hóa nơi đây như: lễ hội đâm trâu, lúa mới; các đặc sản của người dân vùng núi như rượu Tà vạt, bánh sừng trâu, cơm lam… Những gì đẹp và tinh túy nhất của Nam Giang, chúng em đều quay và chụp ảnh rất kỳ công để hình thành nên một trang web cho mọi người khi nhìn là muốn đến ngay Nam Giang”.

Thắng còn cho biết, trang web của nhóm làm mang hơi thở sức trẻ với mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp nhất của Nam Giang đến cộng đồng, để Nam Giang ngày càng có nhiều người biết đến hơn.

Bên cạnh ấn phẩm, video du lịch, cả nhóm cũng tiến hành nghiên cứu và đề xuất về những điểm đến tiềm năng của địa phương với hy vọng hoàn thiện thêm kế hoạch xây dựng, trùng tu, khai thác du lịch của địa phương. Nhóm cũng mong muốn sau quá trình bảo dưỡng, cải tạo, trùng tu và xây dựng, các địa điểm du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần đưa du lịch địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Anh Lê Đình Quang Phúc, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế, cho biết: “Đây là sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của tuổi trẻ nhà trường. Việc làm của các sinh viên không những giúp địa phương vùng núi có thêm các ấn phẩm, sản phẩm phục vụ du lịch mà còn cho các em cơ hội trải nghiệm, học hỏi và cống hiến, thể hiện mình”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

 

Bài viết liên quan