Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”
Để tìm ra phương thức, giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sáng ngày 06/12/2018, Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng – phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh về tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng về số lượng, số đối tượng với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhắm vào thanh thiếu niên. Hiện nay, tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, hiện có khoảng trên 2200 đối tượng sử dụng ma túy, đối tượng nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố hiện nay là hết sức cần thiết, đòi hỏi các cấp bộ đoàn cần phải tập trung, chủ động, linh hoạt, trong đó cần thực hiện bằng những việc làm cụ thể, những hình ảnh sống động, cách làm mới hay, hiệu quả tập trung vào đối tượng vận động, tuyên truyền nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay. Cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giảm đối tượng phát sinh mới gắn với các điều kiện kèm theo sau cai nghiện, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp bộ Đoàn và các cơ quan, ban, ngành; hỗ trợ thêm kinh phí, trang thiết bị cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy,…
Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm xoay quanh những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, nâng cao ý thức, tinh thần tự giác của đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy như: xây dựng khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn ma túy gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền phòng chống ma túy trong đoàn viên thanh niên và giúp đỡ thanh niên sau cai nghiện; phối hợp hỗ trợ đối tượng sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức cho học sinh về phòng chống ma túy trong học đường; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống và tố giác tội phạm; vận động và đưa đi điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, tự nguyện cai nghiện tại các cơ sở, gia đình,…
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các nguyên nhân dẫn đến gia tăng loại tội phạm này càng nhiều là do sự xa lánh của gia đình, xã hội; một số đối tượng không có việc làm ổn định, lười lao động; một số đối tượng thuộc diện gia đình bị giải tỏa đền bù,… Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra như đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt nâng cao vai trò giáo dục của gia đình, dòng tộc; tổ chức tọa đàm tai khu dân cư trọng điểm; địa phương cần thường xuyên thăm hỏi, động viên nắm tâm tư tình cảm của đối tượng thanh thiếu niên nghiện ma túy; cần thực hiện công tác phòng là chính; bám sát địa bàn từng cơ cở; đặt họp thư tố giác tội phạm tại các khu dân cư; tuyên truyền bắt đầu từ những hạt nhân, những việc làm nhỏ nhất, sau đó tạo sự lan tỏa rộng lớn trong thanh niên; tập trung trấn áp kịp thời không để phát sinh đối tượng mới; tăng cường vận động đưa các đối tượng đi cai nghiện bằng hình thức phù hợp; giao các cơ quan nhận quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện,…
Kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đã đánh giá cao những kết quả trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống ma túy của các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp bộ Đoàn từ thành phố đến cơ sở cần nghiên cứu tình hình thực tế, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân, chú trọng công tác cảm hóa và giúp đỡ các đối tượng thanh thiếu niên lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy, áp dụng và nhân rộng các mô hình hay trong công tác phòng ngừa…
Tin, ảnh: Văn Tân – Thành Đoàn Đà Nẵng.