Sống ý nghĩa hơn mỗi ngày

Bằng cách sống đẹp và có ý nghĩa hơn mỗi ngày, một bộ phận giới trẻ không chỉ tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của mình mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và thế giới xung quanh.

Thanh niên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tham gia vẽ tranh bích họa tại một cơ sở trường học trên địa bàn thành phố. Ảnh: T.Y
Thanh niên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tham gia vẽ tranh bích họa tại một cơ sở trường học trên địa bàn thành phố. Ảnh: T.Y

Chọn lối sống vì mọi người

Tại lễ trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023, anh Trương Đình Việt, đoàn viên Chi đoàn Phòng Hậu cần, Công an thành phố Đà Nẵng gây xúc động bởi câu chuyện hiến máu cứu người. Việt nói, điều thôi thúc anh đến bệnh viện ngay trong đêm, thậm chí giữa những ngày lễ, Tết là ý thức được dòng máu hiếm AB+ đang chảy trong người mình có thể cứu sống nhiều người khác.

Mỗi người sẽ có một quan điểm “sống đẹp” khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn đều hướng tới lối sống tích cực, trong sáng, trách nhiệm và biết yêu thương, giúp đỡ người khác.

Ở Việt Nam, người có nhóm máu AB+ khá thấp so với các nhóm máu khác. Trong 35 lần hiến máu, có nhiều lần Việt phải bỏ dở công việc vì “bệnh nhân không thể chờ mình lâu hơn”. Còn nhớ, cách đây không lâu, một bệnh nhân nam đang điều trị sốt xuất huyết tại khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) rơi vào tình trạng nguy kịch, cần gấp nhóm máu hiếm AB+. Khi biết tin, anh dù đang trong ca trực đã nhanh chóng xin phép lãnh đạo đơn vị và tức tốc đến bệnh viện hiến 250ml tiểu cầu, kịp thời truyền cấp cứu cho bệnh nhân. Lần khác, đúng ngày mùng Một Tết Nguyên đán, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp bị tai nạn giao thông cần tiểu cầu gấp để triển khai các phương án cấp cứu. Nhìn thấy thông tin đăng trên fanpage “Ngân hàng máu sống” của Đoàn Thanh niên Công an thành phố, anh gác lại giây phút quây quần cùng gia đình, vào bệnh viện truyền máu. Việt cho hay, để có thể giúp thêm nhiều trường hợp cần máu khác, anh hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích cũng như từ chối khá nhiều cuộc vui cùng bạn bè.

Chia sẻ câu chuyện của bản thân tại giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”, anh Nguyễn Đình Quốc, Phó phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, công việc giúp anh thấm hơn ý niệm sống vì mọi người. Hơn 10 năm làm công tác hỗ trợ người bệnh và thân nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh luôn chắt chiu từng cơ hội hỗ trợ những trường hợp cần giúp đỡ. Đó có thể là một bệnh nhân nghèo không có tiền đóng viện phí, không có tiền phẫu thuật hoặc bệnh nhân ở xa không thu xếp được chỗ ở…

Tại bệnh viện, Quốc không đơn thuần là nhân viên công tác xã hội, mà còn đóng vai trò một người bạn đồng hành, người thấu hiểu và chia sẻ cùng bệnh nhân. Những trường hợp không có tiền đóng viện phí, anh luôn tìm nhiều cách để giải quyết, từ việc kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng đến việc tìm nguồn tài trợ phù hợp. Quốc luôn khẳng định “xem người bệnh như người nhà” không còn là một câu khẩu hiệu, mà trở thành sứ mệnh của bất kỳ ai làm việc trong ngành y tế.

“Tôi nghĩ rằng, để có thể giúp được bệnh nhân, người làm công tác xã hội phải hiểu rõ câu chuyện của họ và phải đặt mình trong tình huống luôn luôn kết nối. Tại bệnh viên, chúng tôi xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ nên việc kết nối diễn ra hằng ngày, từ nhiều nguồn, kể cả báo chí để lan tỏa thông tin đến cộng đồng”, anh Quốc chia sẻ.

Khát vọng sống cống hiến

Những năm gần đây, cụm từ “khát vọng sống cống hiến” đã trở thành “kim chỉ nam” hành động của thanh niên thành phố. Có rất nhiều phong trào tình nguyện vì an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giúp người nông dân tái cơ cấu nền kinh tế ra đời, thu hút hàng ngàn sinh viên, thanh niên khắp các trường học, địa bàn tham gia.

William, một du khách đến từ nước Anh đã tỏ ra thích thú khi nhìn thấy hàng trăm thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh trên bãi biển Mỹ Khê vào một sáng và quyết định cùng bạn gái tham gia trải nghiệm. “Lần đầu tiên đến Đà Nẵng, chúng tôi khá ngạc nhiên vì sao biển Đà Nẵng đẹp và xanh đến thế. Tôi đã tìm được câu trả lời khi nhìn thấy hàng trăm thanh niên có mặt tại bãi biển với các dụng cụ thu gom rác trên tay. Hoạt động diễn ra khá vất vả nhưng tràn ngập tiếng cười và tôi thấy thật tuyệt khi có thể góp phần vào một hoạt động ý nghĩa như thế này”, William chia sẻ.

Phong trào làm cho biển Đà Nẵng sạch hơn thu hút hơn 700 thanh niên tình nguyện tham gia thường xuyên và đến nay được nâng cấp thành Chiến dịch bảo vệ môi trường, với quy mô tổ chức đồng loạt tại các bãi biển Thanh Khê, Mỹ Khê và Ngũ Hành Sơn trong cùng một thời điểm. Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng nhìn nhận, bên cạnh nỗ lực của nhân viên vệ sinh môi trường, phong trào thanh niên tình nguyện đã giúp biển Đà Nẵng sạch hơn, đồng thời giúp thay đổi nhận thức và thói quen xả rác của một bộ phận người dân lẫn du khách.

Có thể nói, ngoài các phong trào trên, sống đẹp cũng bao gồm việc nuôi dưỡng tinh thần nhân ái và lòng yêu thương đối với những người xung quanh. Không ít thanh niên đã thể hiện sự quan tâm gia đình, bạn bè và cộng đồng thông qua những hành động nhỏ như lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ. Thầy giáo Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng, lẽ sống như kim chỉ nam cho cuộc đời mỗi con người. Người trẻ tìm được lẽ sống đúng đắn sẽ góp phần không nhỏ vào định hướng nghề nghiệp, sự phát triển nhân cách cũng như góp phần tạo ra một công dân tốt cho xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người trẻ không tìm ra được lý tưởng sống đúng đắn, không tìm thấy lẽ sống của cuộc đời. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống từ nhà trường. Đây là điều quan trọng được ngành giáo dục nhận thấy và đưa vào nội dung chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo thầy Ngọc Thụy, chương trình giáo dục mới được xây dựng trên cơ sở trẻ được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ lẫn các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân theo hướng năng động và sáng tạo. “Tinh thần trách nhiệm sẽ thôi thúc người trẻ nỗ lực học tập, sống có ước mơ, hoài bão, mục tiêu và cố gắng vươn lên. Bên cạnh đó, sự đồng hành của thầy cô, gia đình và tổ chức Đoàn thanh niên sẽ tạo ra những tấm khiên vững chắc bảo vệ người trẻ trước cám dỗ hoặc bỏ qua cái tôi vì lợi ích cộng đồng”, thầy Thụy nói.

Mỗi người sẽ có một quan điểm “sống đẹp” khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn đều hướng tới lối sống tích cực, trong sáng, trách nhiệm và biết yêu thương, giúp đỡ người khác. Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Bá Duân đánh giá, kết quả của một thế hệ thanh niên sống tích cực là một xã hội phát triển về thể chất và tư duy, nơi con người được phát triển, được yêu thương và tôn trọng. Ngược lại, sự thờ ơ của giới trẻ vào bất kỳ vấn đề nào của xã hội cũng có thể đẩy xã hội đó đến tình trạng suy yếu cả về thể chất lẫn trí tuệ. Mặt khác, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà trước hết là tính nêu gương, đã góp phần tạo nên lối sống có lý tưởng trong thanh niên. “Chúng tôi luôn mong thế hệ trẻ sẽ mang sức trẻ và tấm lòng nhiệt huyết của mình, tiếp tục xây dựng một xã hội tử tế, nơi người dân được sống trong sự tôn trọng, nhiệt huyết và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau”, anh Duân đúc kết./.

Tin, ảnh: BBT

Bài viết liên quan