MÔ HÌNH “CỔNG TRƯỜNG AN TOÀN – PHÂN LUỒNG GIAO THÔNG, VỮNG BƯỚC TƯƠNG LAI NĂM 2025″ GIẢI PHÁP DÂN VẬN KHÉO TRONG ĐẢM BẢO TRẬT TỰ GIAO THÔNG HỌC ĐƯỜNG TẠI ĐÀ NẴNG

Vào mỗi giờ tan học, hình ảnh dòng xe nối đuôi chen chúc trước cổng trường từng là nỗi lo thường trực với phụ huynh và người tham gia giao thông tại Đà Nẵng. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ mô hình “Phân luồng giao thông học đường” – sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng, nhà trường và đoàn viên thanh niên – tình hình đã chuyển biến tích cực, thể hiện sức mạnh của công tác dân vận khéo trong thực tiễn.

I. ÙN TẮC GIAO THÔNG HỌC ĐƯỜNG: CÂU CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Giờ tan học, tại cổng trường các trường học trên địa bàn thành phố trở nên chật chội đến nghẹt thở. Dòng xe nối hàng dài, người lớn chen lấn, học sinh luồn lách giữa hàng xe máy đậu san sát. Chỉ trong khoảng 20 phút cao điểm, cả tuyến đường trước cổng trường bị nghẽn cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông toàn khu vực trung tâm.

Ùn tắc giao thông trước cổng trường, nguồn ảnh: Báo Đà Nẵng

Tình trạng này không còn xa lạ ở nhiều tuyến phố nội thành Đà Nẵng – một đô thị phát triển nhanh, năng động nhưng đang đối mặt với thách thức lớn về quản lý giao thông học đường. Câu hỏi đặt ra: Làm sao để bảo đảm an toàn, trật tự tại khu vực trường học – nơi mỗi ngày đón tiễn hàng ngàn lượt học sinh? Câu trả lời đến từ một mô hình dân vận đặc biệt – “Cổng trường an toàn”.
Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, năm học 2024–2025, toàn thành phố có 173 trường tiểu học và trung học cơ sở, với tổng số hơn 290.000 học sinh. Trong đó, khoảng 70% trường nằm tại các khu vực đô thị đông dân cư như Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Cẩm Lệ.
Các điểm trường thường chỉ có một cổng chính nằm sát mặt đường, khuôn viên hẹp, không có bãi đỗ xe dành cho phụ huynh. Trong khi đó, thói quen dừng đỗ xe ngay trước cổng trường, chen chúc đưa đón học sinh khiến tình trạng ùn tắc trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngoài ra, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế, như không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, đỗ xe sai quy định, vượt đèn đỏ…
Vấn đề này không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông học đường. Một loạt báo cáo của Phòng CSGT – Công an TP Đà Nẵng cho thấy, trong giai đoạn 2020–2023 đã ghi nhận hơn 150 vụ va chạm nhẹ liên quan đến học sinh, phần lớn xảy ra ngay trước cổng trường hoặc trên các tuyến đường đưa đón.

II. MÔ HÌNH “CỔNG TRƯỜNG AN TOÀN”: GIẢI PHÁP TỪ CƠ SỞ


Trước thực tế đó, tháng 3 năm 2025, Thành Đoàn Đà Nẵng chính thức phát động triển khai mô hình “Cổng trường an toàn –  Phân luồng giao thông,  Vững bước tương lai năm 2025 tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố với 05 điểm trường trọng điểm, làm thí điểm trước khi nhân rộng toàn thành phố.
Chương trình này nhằm phân luồng giao thông trước cổng trường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh và phụ huynh

Mô hình được xây dựng với 3 hợp phần chính:

  • Phân luồng giao thông học đường: Bố trí lại khu vực dừng đỗ, quy định tuyến xe đưa đón, vạch sơn chỉ đường, lối đi riêng cho học sinh. Một số trường tận dụng sân trường làm lối đón con nội bộ, hạn chế xe máy tràn ra lòng đường.
  • Lực lượng phối hợp trực tiếp: Gồm Đoàn thanh niên, công an phường, đội quy tắc đô thị và hội phụ huynh. Đoàn viên thanh niên trực tiếp phân luồng, hướng dẫn phụ huynh vào giờ cao điểm; công an hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông.
  • Tuyên truyền và giáo dục thường xuyên: Mỗi trường xây dựng chuyên mục “An toàn giao thông học đường” trên loa phát thanh, Zalo nhóm lớp, tuyên truyền tại chào cờ thứ Hai. Ngoài ra, tổ chức sân chơi giao thông, thi vẽ tranh, kịch tuyên truyền trong học sinh.

Không có một công thức chung, mỗi điểm trường sẽ được thiết kế luồng di chuyển riêng dựa trên địa hình thực tế, cụ thể như:

  • Trường nằm mặt tiền phố hẹp sẽ bố trí 2 cổng phụ tách biệt: một cho học sinh đi bộ, một cho xe máy, ô tô.
  • Những trường có sân rộng tận dụng làn xe nội bộ để giảm áp lực ngoài cổng.
  • Có trường tổ chức khung giờ đón lệch ca giữa các khối lớp để tránh ùn tắc.

III. DÂN VẬN KHÉO – YẾU TỐ CỐT LÕI LÀM NÊN THÀNH CÔNG

Cái “khéo” trong dân vận nằm ở chỗ: không áp đặt – mà vận động bằng sự hiểu, bằng sự chia sẻ. Đoàn viên phường Phước Ninh kể rằng, ban đầu nhiều phụ huynh phản ứng khi bị nhắc nhở đậu xe sai chỗ. Nhưng sau 1 tháng được “thuyết phục mềm”, họ không chỉ tự giác mà còn nhắc người khác.

1. “Khéo” trong vận động phụ huynh

Ban đầu, nhiều phụ huynh phản đối do thấy bất tiện, nhất là khi bị nhắc nhở về đỗ xe không đúng nơi. Tuy nhiên, đội ngũ đoàn viên, giáo viên không chọn cách áp đặt mà gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, lắng nghe phản hồi và giải thích thấu đáo. Một tờ rơi được phát tay có lẽ không bằng một lời nhắc nhẹ nhàng đúng lúc.
Ngoài ra, lồng ghép vào các buổi họp phụ huynh các thông tin chuyên đề về an toàn giao thông. Hội Phụ huynh cùng tham gia ký cam kết và tình nguyện hỗ trợ thực hiện.

2. “Khéo” trong vận động học sinh

Học sinh được khuyến khích trở thành “Đại sứ an toàn giao thông”, chính các em là người nhắc ba mẹ đậu xe đúng vạch, đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ. Đây là cách làm vừa giáo dục vừa lan tỏa thông điệp ngược lại với người lớn.
Tại các trường tiểu học, những trò chơi “Rung chuông vàng giao thông”, “Thử làm CSGT nhí”, “Chiếc nón an toàn” được tổ chức mỗi tuần đã giúp học sinh tiếp thu luật giao thông một cách sinh động, không khô cứng.

IV. HIỆU QUẢ THIẾT THỰC – CHUYỂN BIẾN RÕ RỆT

Theo kết quả tổng hợp (từ tháng 03/2025 đến tháng 5/2025):

  • Tình trạng ùn tắc giảm 60–70% tại 05 điểm trường triển khai thí điểm sau 2 tháng triển khai.
  • Hơn 95% phụ huynh tuân thủ phân luồng, đậu xe đúng tuyến, giảm thiểu tranh cãi.
  • Không ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến học sinh tại các trường thí điểm.
  • Ý thức tự giác tăng rõ rệt, được chính phụ huynh phản hồi tích cực.

V. MỘT MÔ HÌNH – NHIỀU GIÁ TRỊ

Mô hình “Cổng trường an toàn –  Phân luồng giao thông,  Vững bước tương lai năm 2025 không chỉ là giải pháp giao thông, mà còn là công cụ dân vận khéo, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng, phát huy vai trò của thanh niên trong việc đồng hành cùng chính quyền và nhân dân.
Từ một điểm nghẽn – cổng trường – mô hình đã mở ra một lối đi mới: kết nối giữa nhà trường – phụ huynh – địa phương, khơi dậy ý thức cộng đồng và lan tỏa nếp sống văn minh đô thị.
Dân vận khéo không phải điều gì cao siêu. Đó là sự thấu hiểu, đồng hành và cùng nhau tìm lời giải cho những bài toán nhỏ – nhưng tác động lớn..

Tác giả: Lê Thị Lành – Phó Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng

Bài viết liên quan