Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng lần thứ 3- năm 2018

Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng lần thứ 3- năm 2018:
Khởi nghiệp Đà Nẵng và miền Trung vẫn đang “khát” vốn

Đà Nẵng sẽ tích cực xây dựng những cơ chế, hành lang hỗ trợ phù hợp nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội cất cánh, đồng thời vận động các địa phương trong khu vực miền Trung cùng thiết lập nên một hệ sinh thái khởi nghiệp mở rộng để không bị tụt lại trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0… Những cam kết trên được lãnh đạo TP Đà Nẵng nêu ra tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng lần thứ 3- năm 2018 (SURF 2018) diễn ra ngày 29-6 do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh- Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng phát biểu khai mạc SURF 2018.

Tại lễ khai mạc SURF 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh- Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP, cho rằng: “Chủ đề của SURF lần thứ 3 là “Vốn của khởi nghiệp”, có nghĩa là khởi nghiệp Đà Nẵng và miền Trung vẫn đang còn thiếu vốn. Đó không chỉ là vốn tài chính, mà còn là vốn xã hội, vốn bản địa, vốn công nghệ và vốn con người. Đà Nẵng vẫn đang miệt mài tìm kiếm những cơ hội bứt phá cho khởi nghiệp. Sự kiện hôm nay, là một trong những nỗ lực đó”. Nhận xét về sự kiện SURF 2018 cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho rằng, đây là một ý tưởng hay, sáng tạo và hữu ích nhằm quy tụ, tạo điều kiện để các startup tìm kiếm cơ hội để phát triển dự án của mình. “Chính quyền TP Đà Nẵng rất tâm huyết trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vai trò Đại sứ Israel tại Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại TP Đà Nẵng”, Đại sứ Nadav Eshcar nói.

Trong chuỗi sự kiện SURF 2018 diễn ra ngày 29-6 có hơn 40 diễn giả, chuyên gia khởi nghiệp trong nước và quốc tế cùng với hơn 30 bài trình bày, các phiên thảo luận, tọa đàm bàn tròn để cùng chia sẻ một trong những câu chuyện quan trọng về vốn khởi nghiệp. Các nội dung trao đổi và thảo luận tập trung vào cách thức sử dụng, tối ưu hoá cũng như liên kết các nguồn vốn trong hành trình khởi nghiệp, từ đó đưa ra một góc nhìn về thị trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung. Những nguồn vốn đó không chỉ là tiền hay những thứ liên quan đến tài chính, mà trong khởi nghiệp, để thành công thì cần có đủ các nguồn vốn từ tài chính, con người, công nghệ đến bản địa hay xã hội. Theo anh Trần Vũ Nguyên (Bung Tran- Giám đốc điều hành DNES), vốn khởi nghiệp ở đây được hiểu là đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh, có thể tích lũy được và có thể có thêm thu hoạch trong tương lai và các nguồn vốn này có thể chuyển hóa thành những loại nguồn lực khác, vốn khác. Điểm nhấn của SURF 2018 là chung kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp với phần tranh tài của 07 dự án: Camera 360, BGift, Ikkai Inc, TOB, EduSi, Xedike, Phở Sắn. Các dự án này đã vượt qua hơn 20 đối thủ khác tại vòng loại để hướng đến giải thưởng với tổng giá trị lên đến 200 triệu đồng và khóa đào tạo về khởi nghiệp tại Isarel, đặc biệt là được tiếp cận cơ hội gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Là một trong 7 dự án xuất sắc lọt vòng kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp, anh Trần Trung Kiên- Sáng lập dự án Camera 360 (thiết bị quan sát an toàn cho ô-tô), tự tin trình bày những thế mạnh về dự án của mình đó là sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như sự tiện lợi của sản phẩm so với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lộ trình phát triển dự án, kêu gọi đầu tư để hướng đến cung cấp sản phẩm phụ trợ cho ngành sản xuất ô-tô tại Việt Nam”, anh Kiên cho biết. Tương tự, dự án Phở Sắn của nhóm khởi nghiệp Dương Ngọc Ảnh và Lê Thị Kim Ánh (đến từ H. Quế Sơn, Quảng Nam) được chọn vào vòng chung kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp 2018. Chị Kim Ánh cho biết: “Dự án Phở Sắn mới được hình thành và đã được hỗ trợ từ Vườn ươm để thực hiện. Tuy sản phẩm hiện vẫn đang sản xuất theo hướng thủ công, nhưng chất lượng vẫn luôn được đảm bảo và  đã được phân phối tại một số siêu thị trên địa bàn Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng qua SURF 2018 sẽ kêu gọi được nhà đầu tư để phát triển sản xuất, đưa một đặc sản của Quế Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng”.

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc điều hành DNES Trần Vũ Nguyên, cho rằng: SURF 2018 đã tạo bước đột phá lớn, nhất là trong việc đào tạo chuyên sâu cho các dự án được lọt vào chung kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp. Đặc biệt, Ban tổ chức SURF 2018 tin tưởng thông điệp của chương trình “Kết nối những con sóng” sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng và các địa phương khác. “Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng, SURF 2018 đã đem lại sự hào hứng cho cộng đồng khởi nghiệp, sự kiện cũng đã tạo điều kiện để đội ngũ hỗ trợ khởi nghiệp được diễn tập và khẳng định vai trò của mình. Một điều quan trọng nữa, thông qua SURF 2018 đã thu hút sự tham gia ngày một nhiều hơn của cộng đồng nhà đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng”, anh Nguyên nói.

Kết thúc “mùa sóng” thứ 3, SURF 2018 đã nỗ lực để khởi động và chia sẻ những góc nhìn khác nhau, tạo dựng một không gian để những đầu mối nắm giữ các nguồn vốn này cùng ngồi lại và tìm ra cách thức để khởi nghiệp bền vững. SURF 2018 cũng là cơ hội để các startup gặp gỡ và kết nối với những đầu mối trên nhằm hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp.

 

  Nguồn: cadn.com.vn

Bài viết liên quan