Về xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân
– Quan điểm xây dựng Nhà nước cộng hòa dân chủ Việt Nam là một sáng tạo lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu lịch sử xây dựng nhà nước độc lập dân tộc từ khi đức vua Ngô Quyền giành lại được nền độc lập, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và khẳng định đặc trưng độc lập, tự chủ của Nhà nước Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trực tiếp, đến tận nơi nghiên cứu các kiểu nhà nước dân chủ tư sản ở Mỹ và Pháp, nhà nước Xô viết của Liên Xô và lựa chọn hình thức Nhà nước cộng hòa, dân chủ, nhân dân ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước thống nhất với mục tiêu của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Năm 1945 là Nhà nước: “Dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”. Tại Đại hội II năm 1951, mục tiêu đấu tranh của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam “độc lập, hòa bình, dân chủ, phú cường”. Trong Di chúc, được Người viết từ năm 1965 đến năm 1969, mục tiêu đấu tranh được thể hiện trong “mong muốn cuối cùng” của Người là: xây dựng một nước Việt Nam “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Mục tiêu cụ thể của ba thời điểm nêu trên có khác nhau do từng hoàn cảnh, nhưng các đặc trưng: độc lập, dân chủ, hạnh phúc (phú cường, giàu mạnh) đều được nhắc đến.
– Về bản chất của Nhà nước, sáng tạo của Hồ Chí Minh tập trung trong bản chất nhân dân của nhà nước. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước cách mạng ra đời, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.. . chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Bản chất nhân dân của Nhà nước không mâu thuẫn với bản chất giai cấp và tính dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tính chất nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Nhà nước của ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Giải thích về bản chất giai cấp công nhân và sự thống nhất, hài hoà giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước, Người viết: (1). Giai cấp công nhân không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc và chỉ có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp công nhân một cách triệt để. (2). Nhà nước dân chủ mới của ta ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ với sự hy sinh gương mẫu của bao thế hệ cách mạng trong toàn dân tộc. (3). Nhà nước ta bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của dân tộc làm nền tảng. Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu luôn luôn là Chính phủ đại đoàn kết dân tộc. (4). Nhà nước ta vừa ra đời đã phải đảm nhiệm nhiệm vụ lịch sử là tổ chức cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc để bảo vệ thành quả của cách mạng…
– Tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ của Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ, ngay từ năm 1919, trong Yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Véc-xai (bản yêu sách này sau đó được Người dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát, chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca” trong đó có có hai câu thơ:“Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Sau cách mạng Tháng Tám, người chủ trương xây dựng một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết phải là một nhà nước hợp hiến, Người chủ trương bầu cử Quốc hội theo hình thức phổ thông đầu phiếu “càng sớm càng tốt”.
Trong quản lý xã hội, Nhà nước phải tiến hành quyền lực quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Dân chủ và pháp luật phải luôn luôn đi đôi với nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, có hiệu lực, phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có trình độ văn hoá, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư “phụng công, thủ pháp”. Phải tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức; kiên quyết chống ba thứ “giặc nội xâm” là tham ô, lãng phí, quan liêu.