Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số

TP. Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đặc biệt trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), TP. Đà Nẵng được xếp hạng nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, công tác triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc nhất định. Bài viết này phân tích thực tế xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số Đà Nẵng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định công nghiệp công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, tầm nhìn đến năm 2045, “Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Như vậy, công cuộc triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà còn là một trong những giải pháp chính để xây dựng, phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng.

Cơ sở lý thuyết

Theo Tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thành phố thông minh bền vững (Smart Sustainable City) là thành phố sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa của các thế hệ hiện tại và tương lai[1].

Đồng thời, ITU đã khuyến nghị triển khai Thành phố thông minh trên 6 trụ cột, bao gồm: Quản trị thông minh (Smart Governance), Kinh tế thông minh (Smart Economy), Môi trường thông minh (Smart Environment), Giao thông thông minh (Smart Mobility), Đời sống thông minh (Smart Living), Công dân thông minh (Smart Citizen).

Theo tổ chức IDC (Tổ chức Dữ liệu quốc tế), chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Khác với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nghĩa là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới, tạo ra giá trị mới.

Xét về mức độ ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số có thể chia thành 3 cấp độ[2]: Digitization (Số hóa nội dung), Digitalization (Số hóa quy trình) và Digital Transformation (Chuyển đổi số). Xét về mô hình triển khai, chuyển đổi số bao gồm: Chuyển đổi số trong Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp (hình thành Chính phủ số/Chính quyền số), chuyển đổi số nền kinh tế (hình thành Kinh tế số) và chuyển đổi số trong xã hội (hình thành xã hội số, công dân số, văn hóa số). Xét về bản chất, thành phố thông minh và chuyển đổi số là 2 khái niệm khác nhau. Thành phố thông minh là mô hình, là hình thái phát triển của thành phố/đô thị tương lai.

Trong khi đó, chuyển đổi số là quá trình, là cách làm, phương pháp làm. Mặc dù về bản chất khác nhau nhưng hai yếu tố này lại quan hệ mật thiết với nhau. Thành phố thông minh là kết quả của quá trình chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng của thành phố thông minh là người dân, lấy người dân làm trung tâm; mọi giải pháp, cách làm đều dựa trên lợi ích của người dân, do đó chỉ tiêu quan trọng nhất của thành phố thông minh là chất lượng cuộc sống người dân bên cạnh các chỉ tiêu khác như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, môi trường bền vững,…

Trong khi đó, chuyển đổi số là hoạt động sáng tạo phá hủy, mang tính tiến hóa. Mục tiêu của chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, tạo ra mô hình kinh doanh mới, cung cấp dịch vụ mới. Như vậy, thành phố thông minh và chuyển đổi số có một số điểm tương đồng: thành phố thông minh và chuyển đổi số đều dựa trên công nghệ số để làm đòn bẩy và động lực thúc đẩy. Dữ liệu số là yếu tố then chốt trong thành phố thông minh và chuyển đổi số.

Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kinh tế số được xác định bao gồm ngành công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), ngành công nghiệp viễn thông, ngành bán hàng hóa dựa trên các nền tảng ICT mà ta vẫn gọi là thương mại điện tử, ngành bán dịch vụ dựa trên các nền tảng ICT mà vẫn gọi là kinh doanh số như dịch vụ đặt phương tiện giao thông, dịch vụ đặt nhà hàng, khách sạn.

TP. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử từ năm 2010, chính thức triển khai thành phố thông minh từ năm 2019. Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đặt trọng tâm triển khai trên 3 trụ cột: Hạ tầng – Dữ liệu – Thông minh, đưa ra 53 chương trình, dự án ưu tiên triển khai để tạo sự lan tỏa. Đến nay, sau thời gian triển khai, bước đầu, Thành phố đã hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu, hệ thống, nền tảng, để làm cơ sở triển khai cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thông minh cho người dân trong giai đoạn đến năm 2025.

Thực tiễn thực hiện kinh tế số Đà Nẵng

TP. Đà Nẵng lấy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh làm nền tảng để phát triển công nghiệp ICT. Đánh giá hoạt động của ICT Đà Nẵng cho thấy, ngành công nghiệp ICT có tốc độ tăng trưởng cao, từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp ICT thành phố vẫn đạt tăng trưởng 5,24%; đóng góp vào 7,5% GRDP thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của ngành ICT là 8,03%/năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP toàn thành phố là 3,96%/năm). Tính đến cuối năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động chính trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 doanh nghiệp (nếu tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố); số lượng doanh nghiệp tăng trung bình 35%/năm.

Theo số liệu khảo sát trong Quý III/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp ICT/1.000 dân tại Đà Nẵng là khoảng 02 doanh nghiệp/1.000 dân, (đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh); chiếm gần 5% tổng doanh nghiệp ICT toàn quốc; vượt kế hoạch, chỉ tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 01 doanh nghiệp/1.000 dân theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp ICT thành phố hoạt động trong các lĩnh vực chính như: sản xuất, gia công phần mềm; thiết kế vi mạch (IC Design); phần mềm nhúng (Embedded System); tích hợp, tự động hóa; kiểm thử phần mềm (Testing); thiết kế game (Game Design); gia công quy trình doanh nghiệp (BPO); Chính phủ điện tử (Egov); thương mại và dịch vụ CNTT. Trong lĩnh vực phần cứng, điện tử, trên địa bàn thành phố hiện nay có một số doanh nghiệp tiêu biểu (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) như: Công ty Foster (Nhật Bản), Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản), Công ty Việt Hoa, Công ty T.T.T.I Đà Nẵng,… sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao như: động cơ điện siêu nhỏ, tai nghe, linh kiện điện thoại di động,… Một số doanh nghiệp phần mềm như eSilicon, Global CyberSoft, Acronics, Uniquify,… cũng dần hình thành các nhóm nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm điện tử, vi mạch.

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử dựa trên công nghệ nguồn mở, góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm nguồn mở; tạo thị trường cho doanh nghiệp địa phương phát triển. Tính đến nay, đã xây dựng và phát triển 500 sản phẩm phần mềm nguồn mở, nội dung số trong các cơ quan thành phố.

Về phát triển thương mại điện tử (TMĐT), trong thời gian qua, lĩnh vực TMĐT Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Kinh tế nền tảng, nhất là kinh tế chia sẻ cũng hình thành. Sự xuất hiện Uber, Grab, Go-Jek, InDrive, Ahamove,… đã thay đổi cách thức vận hành của thị trường và hành vi người tiêu dùng; Taxi truyền thống cũng đã phát triển các nền tảng và ứng dụng di động để cạnh tranh; các dịch vụ OTT như Zalo, Skype và Viber đang thay thế các dịch vụ gọi điện và gửi tin nhắn SMS truyền thống; mạng xã hội vượt qua các công cụ tìm kiếm khác để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nhất.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 ước đạt hơn 15 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 30%/năm. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động thương mại điện tử. Mạng lưới chuyển phát rộng khắp, mở rộng chuyển phát nhanh đến cấp xã. Các doanh nghiệp đều hỗ trợ người dùng tra cứu vận đơn trực tuyến.

Thành phố đã triển khai Sàn thương mại điện tử TP. Đà Nẵng tại địa chỉ www.danangtrade.com.vn và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến; đến nay đã có hơn 900 doanh nghiệp tham gia; có 17% doanh nghiệp có website phát triển các ứng dụng trên nền thiết bị di động; 75% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua email, 23% đặt hàng trên nền tảng di động, ngoài ra có 7,46% doanh nghiệp có nhận đặt hàng thông qua các sàn giao dịch TMĐT; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 92% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) ở Việt Nam đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu, được Chính phủ hết sức quan tâm và khuyến khích. TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, qua 05 năm triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đã từng bước phát triển và đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp quốc gia và quốc tế. Năm 2015, UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp để huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và kết nối, hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST một cách hiệu quả.

Đến nay, hệ sinh thái của thành phố đã có 06 vườn ươm, trong đó có 02 vườn ươm của nhà nước; 02 không gian sáng tạo; 10 không gian làm việc chung; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 02 quỹ đầu tư khởi nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã có những bước phát triển và ngày càng lớn mạnh.

Đặc biệt, sau khi TP. Đà Nẵng đăng cai tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp quốc gia năm 2018, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của các Bộ, ngành trung ương, hệ sinh thái KNĐMST Đà Nẵng đã có bước phát triển và ngày càng chuyên nghiệp.

Các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp của thành phố tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước đều đạt được các thành tích cao, tiêu biểu năm 2019 đạt Quán quân và 2020 đạt Á quân tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia và nhiều giải thưởng khác. Có doanh nghiệp đã có các sản phẩm được thương mại hóa, gọi vốn được từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. TP. Đà Nẵng được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao Giải thưởng Hạng mục thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hằng năm, trên cơ sở lế hoạch của UBND thành phố triển khai Đề án 844, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, tập trung cho các nhiệm vụ hỗ trợ dự án/doanh nghiệp KNĐMST; tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực; tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp; tổ chức các sự kiện lớn như Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo TP. Đà Nẵng. Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đến với Đà Nẵng như một điểm đến về khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp như chương trình “Google IO”, chương trình Tăng tốc khởi nghiệp du lịch – dịch vụ VTS, Ngày hội “Kết nối ý tưởng sáng tạo – khởi nghiệp”, Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp; “Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên”, “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, cuộc thi “Start-up – Inter”, Cuộc thi “Sáng tạo công nghệ”,… Thông qua tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, cuộc thi,… hằng năm đã kết nối các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Từ những kết quả trên, có thể đánh giá như sau: Về những mặt đạt được, ngành Công nghiệp ICT có tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số có tỷ lệ cao trong các loại hình doanh nghiệp; các doanh nghiệp Đà Nẵng đã từng bước làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm “Make in Da Nang” và đã triển khai thành công trên cả nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp cao, đặc biệt là mật độ, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng, điện thoại thông minh.

Hệ sinh thái KNĐMST TP. Đà Nẵng từng bước hình thành và phát triển; cơ chế, chính sách đã và đang được xây dựng, hoàn thiện; cơ sở hạ tầng và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng cả về số lượng, chất lượng; tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát huy và hoạt động sôi nổi trong các trường đại học, cao đẳng; ươm tạo và tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới khởi nghiệp, kết nối được các thành tố của hệ sinh thái; một số dự án đã được ươm tạo và gọi vốn thành công.

Bên cạnh nhưng thành tựu bước đầu, thực tiễn phát triển lĩnh vực kinh tế số của Đà Nẵng vẫn còn những khó khăn nhất định. Trước hết về thể chế, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; trong đó quy định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT tập trung được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tùy theo hình thức lựa chọn giao đất hoặc thuê đất.

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu CNTT tập trung vẫn chưa được áp dụng thực hiện, các nhà đầu tư xây dựng khu CNTT và doanh nghiệp làm việc trong khu CNTT hiện nay chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 (ban hành sau thời điểm của Nghị định số 154/2013/NĐ-CP) đã không đồng bộ, thiếu các quy định về khu CNTT tập trung. Các doanh nghiệp công nghiệp điện tử chủ yếu là gia công, lắp ráp sản phẩm, hàm lượng công nghệ chưa cao, trình độ cơ khí hóa – tự động hóa thấp, do chủ yếu sử dụng lao động phổ thông để thực hiện các công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản.

Tỷ lệ gần 65% doanh thu của các doanh nghiệp phần mềm chủ yếu vẫn là gia công sản phẩn cho thị trường nước ngoài; một số các dịch vụ CNTT như phát triển các nền tảng lớn (Core Banking, sàn thương mại điện tử,…), phân tích dữ liệu, dịch vụ lưu trữ chưa được đầu tư để cung cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. TMĐT chưa thật sự mang tính đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn để tự phát theo tình hình chung toàn quốc; địa phương chưa thể thống kê và quản lý; người dân vẫn còn thói quen thanh toán tiền mặt; Thành phố chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như chưa có nhóm doanh nghiệp chủ lực về chuyển đổi số hỗ trợ, dẫn dắt.

Giải pháp phát triển kinh tế số Đà Nẵng trong thời gian tới

Để phát triển kinh tế số Đà Nẵng cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là tái cấu trúc hoặc đổi mới mô hình, quy trình hoạt động kết hợp với áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế – xã hội. Triển khai các ứng dụng, tiện ích thiết thực phục vụ mọi hoạt động của người dân để phổ cập rộng rãi trong xã hội.

Hai là, tập trung phát triển công nghiệp ICT và doanh nghiệp công nghệ số. Triển khai Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố ban hành tại Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 01/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố, trong đó chú trọng hình thành doanh nghiệp công nghệ số chủ lực, làm chủ công nghệ lõi, phát triển các nền tảng số và sản phẩm Make in Da Nang, dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành nghề khác để phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế. Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhóm doanh nghiệp chủ lực về chuyển đổi số, từ đó tạo lan tỏa, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ chủ yếu hiện nay.

Ba là, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số và các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; Phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số, hình thành ngành công nghiệp sáng tạo; Thành lập, triển khai hoạt động mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số, kinh doanh số trên địa bàn Thành phố.

Bốn là, cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực về chuyển đổi số chất lượng cao. Hiện nay, nguồn nhân lực về chuyển đổi số, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trên địa bàn khá khan hiếm. Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Đà Nẵng phải có chiến lược cụ thể đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Đồng thời, có cơ chế hấp dẫn để thu hút, giữ chân những nhân lực này ở lại Thành phố làm việc.

Tóm lại, với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Đà Nẵng trở thành nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, về thương mại điện tử của cả nước, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng cần xác định đánh giá hiện trạng của công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn, xác định nội dung trọng tâm cần ưu tiên cho chiến lược phát triển; từ đó, xác định lộ trình thực hiện, cũng như các giải pháp ưu tiên cho vấn đề này.

Tài liệu trích dẫn:

  1. Smart sustainable cities: An analysis of definitions, ITU-T Focus Group on Smart Sustainable Cities, October 2014.
  2. Bokolo Anthony, Managing digital transformation of smart cities throug enterprise architecture, Enterprise Information Systems, August 2020.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, (2020). Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020.
  2. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia, Bộ Khoa học và Công nghệ, (2021). Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam – Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”.
  3. Bokolo Anthony, (2020). Managing digital transformation of smart cities through enterprise architecture, Enterprise Information Systems.
  4. Thủ tướng Chính phủ, (2013). Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo tapchicongthuong.vn

Bài viết liên quan