Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiệu quả trong thực tiễn

Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn thành phố được triển khai tích cực. Trong đó các đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tuy mới nghiệm thu trong năm 2017, nhưng đa số đã được ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả.

Đội ngũ kỹ thuật viên của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng với thiết bị Firewall đã được nghiên cứu chế tạo thành công.
Đội ngũ kỹ thuật viên của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng với thiết bị Firewall đã được nghiên cứu chế tạo thành công.

Một trong những thành tựu nổi bật trong năm qua, đó là các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng các giải pháp về kỹ thuật, quản lý, quy hoạch và phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giao thông vận tải và bảo vệ môi trường.

Tiêu biểu như đề tài “Phát triển thiết bị phần cứng Firewall tốc độ cao” do Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng thực hiện là đề tài đầu tiên trong nước nghiên cứu về thiết bị firewall phần cứng. Với ưu điểm là đáp ứng được tốc độ cao và năng lực xử lý lớn, do các tác vụ được thực hiện bằng phần cứng thay vì phần mềm, đây là sản phẩm có khả năng ứng dụng cao và có thể thương mại hóa để thay thế các sản phẩm ngoại nhập, bảo đảm về an toàn, an ninh thông tin.

Ông Nguyễn Hoài Đức, chủ nhiệm đề tài này cho biết: Thiết bị firewall hiện nay được sử dụng phổ biến là thiết bị tường lửa của các hãng Cisco, Juniper, F5, do các công ty nước ngoài thiết kế và sản xuất, có chi phí cao và tiềm ẩn rủi ro nhà sản xuất cài các đoạn mã để truy xuất trái phép và đánh cắp thông tin một cách bí mật.

Do đó, việc nghiên cứu thiết bị firewall phần cứng bằng nguồn lực, công nghệ trong nước không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tự chủ việc bảo vệ an ninh thông tin quốc gia. Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị nghiên cứu bắt đầu triển khai đưa sản phẩm ra ứng dụng tại các trường đại học, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nước, nhằm tiến tới thương mại hóa sản phẩm trong thời gian đến.

Đề tài Nghiên cứu thiết kế bê-tông nhựa kháng hằn lún vệt bánh xe ứng dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện đem lại hiệu quả ứng dụng cao. Đề tài đã nghiên cứu thử nghiệm thành công 3 loại bê-tông nhựa, đó là sử dụng nhựa đường polyme PMB-III, phụ gia bột cao su hoạt hóa Rubind, SBS dạng hạt và cốt sợi thủy tinh, đều đạt các yêu cầu kỹ thuật rất cao so với quy định của ngành giao thông vận tải và tiêu chuẩn Việt Nam và bảo đảm khả năng chống hằn lún vệt bánh xe.

Qua quá trình nghiên cứu, thiết kế và thi công thử nghiệm các giải pháp chống hằn lún vệt bánh xe trên các tuyến quốc lộ 14B, có lý trình Km19 + 780 ÷ Km19 + 940, bề rộng 4,5m, vệt trái tuyến (đoạn Dốc Võng), huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, đã cho ra các kết quả ban đầu khả quan, với giá thành hợp lý.

Chất lượng mặt đường cơ bản tốt, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không đáng kể, cụ thể sau 1 năm đưa vào khai thác thực tế, độ lún mặt đường tối đa chỉ từ 2-3mm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi lưu thông. Trong đó, qua theo dõi, nhóm nghiên cứu đã khẳng định bê-tông nhựa sử dụng phụ gia sợi thủy tinh có độ lún ít nhất, mức độ và bề rộng vết nứt là không đáng kể, bảo đảm các yêu cầu về khai thác và có giá thành hợp lý có thể ứng dụng tốt vào thực tiễn.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thời gian qua đã đáp ứng mục tiêu của Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm của thành phố Đà Nẵng; bước đầu giải quyết được bài toán về nhu cầu cấp thiết cần phải làm chủ về công nghệ trong thời đại ngày nay của đất nước ta, để đề ra những giải pháp kỹ thuật, những quy trình công nghệ tiên tiến, góp phần mang lại hiệu quả phát triển cho xã hội.

Theo đánh giá của Sở KH&CN, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nói chung và các nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ nói riêng trong thời gian qua dần được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, các đề tài được phê duyệt thực hiện gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng và có cam kết của các đơn vị ứng dụng.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan