Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 90% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng. Song, khối DN này rất khó bứt phá bởi gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, năng lực sản xuất, đặc biệt là vốn vay. Vì vậy, việc khơi thông dòng vốn cho DNNVV là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy lực lượng kinh tế tư nhân phát triển.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng bày tỏ, thời điểm khởi nghiệp cách đây 13 năm, ông gom hết tài sản của anh em trong gia đình để vay tiền ngân hàng. Số tiền vài trăm triệu đồng ban đầu đã giúp ông khởi nghiệp thành công, tạo tiền đề để xây dựng công ty như hiện nay với doanh thu năm 2017 đạt trên 380 tỷ đồng.

“Việc tiếp cận được nguồn vốn vay trong những thời điểm khó khăn, nhất là khi khởi nghiệp, là may mắn lớn đối với tôi. Nguồn vốn vay đã giúp tôi theo đuổi thành công con đường kinh doanh”, ông Sơn nói.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line Đà Nẵng chia sẻ, nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố đã giúp đơn vị hoàn thành nhiều hạng mục, dự án quan trọng trong việc xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất hạ tầng trường lớp.

Theo tìm hiểu, Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố đã và đang tích cực giải ngân vốn cho DN. Chỉ gần 3 tháng đầu năm đã giải ngân được gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Hương Quế, thực trạng chung hiện nay là nhiều DNNVV dù làm ăn tốt nhưng không thể mở rộng quy mô hoạt động sản xuất – kinh doanh vì thiếu trầm trọng vốn và mặt bằng. Đây là bài toán cũ, được đề cập nhiều nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Điều này có thể lý giải vì sao DN dù làm ăn tốt nhưng khó vươn lên thành DN lớn, tầm cỡ.

Làm rõ thêm về những khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận vốn, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, thực tế hiện nay nguồn vốn cho vay không thiếu, vừa cả hai kênh: vốn do Nhà nước hỗ trợ, cho vay và từ các ngân hàng cùng một số tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, phần lớn DNNVV không thể đáp ứng yêu cầu để được vay vì những nguyên nhân như: hạn chế về tài sản, báo cáo tài chính chưa chuẩn, thiếu những kế hoạch sản xuất hiệu quả…

Ngoài những nguyên nhân trên, thiếu thông tin cũng là hạn chế lớn khiến DNNVV khó tiếp cận vốn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. “Chính phủ đã có những chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy DNNVV phát triển, góp phần đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, việc khơi thông được nguồn vốn cho khối DN này là hết sức bức thiết”, ông Quang nói thêm.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhằm ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các gói vay với lãi suất ưu đãi như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Đà Nẵng từ ngày 10-1 đồng loạt giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay của khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, đó là: phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; trợ giúp DNNVV; phát triển công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhóm khách hàng này chỉ còn tối đa 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu từ 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với năm 2017). Bên cạnh đó, đơn vị cũng đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay; đưa ngân hàng lưu động xuống phục vụ tại xã cho bà con nhân dân…

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng, đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay của DNNVV đạt 35.000 tỷ đồng (chiếm 29,41%/tổng dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên). Riêng 2 tháng đầu năm 2018, cho vay DN (trong đó có DNNVV) ở lĩnh vực ưu tiên là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 4,48 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị tiếp tục triển khai tích cực chương trình kết nối ngân hàng – DN.

Trước đó, trong năm 2017, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp DN tiếp cận nhanh nguồn vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm lãi suất cho vay, miễn giảm lãi vốn vay, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động ngân hàng của từng DN. Đây là những “nút mở” tạo thuận lợi cho các DN trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục vụ hiệu quả việc phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

  Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan