Nhân chi sơ, tính bản thiện

Tại lớp nghiên cứu chính trị khóa II, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 8/12/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu chuyện rất đơn giản, câu chuyện Tam tự kinh, câu đầu tiên của Tam tự kinh là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Người giải thích:

– “Nhân” nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

– “Thiện” nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Trong xã hội cũng có thiện và ác.

Sau đó, Người cho rằng trong một nước, một người, trong thế giới đều có thiện với ác. Chính phủ nào, người nào lo phục vụ lợi ích của nhân dân là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc là ác. Người nhấn mạnh: Chí công, vô tư, cần kiệm, liêm chính là thiện; quan liêu, mệnh lệnh, tham ô là ác.

Bác mong rằng dù chúng ta có chịu ảnh hưởng của xã hội cũ, kẻ nhiều, người ít không tránh khỏi cái ác, nhưng cố gắng học tập thì cái ác ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng.

Trở lại câu đầu tiên của sách (Tam tự kinh):

Là “người mới sinh, tính vốn thiện” (nhân chi sơ, tính bản thiện). Sở dĩ trở nên ác là do tự mình không chịu học tập, rèn luyện, do bị ảnh hưởng xấu xa của xã hội, tiêm nhiễm của môi trường độc hại mà mình không “đề kháng” được…

Bản thân Bác đã nêu một tấm gương ngời sáng về thiện và Bác hằng mong mỏi mọi người, tất cả con người trên quả đất này hãy cố gắng phát huy, giữ gìn cái thiện vốn có của mình:

“Quan san muôn dặm một nhà

Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Và đức thiện nở rộ mãi mãi “như hoa mùa xuân”.

Giữ được thiện, phát huy điều thiện, dù từ việc nhỏ nhất phải là sự dạy dỗ của bố mẹ, cô thầy, của ông bà… đối với con, cháu, học trò…, là sự chăm nom của toàn xã hội.

Thiện quả là khó, nhưng chắc không phải là điều không làm được.

Người người làm điều thiện.

Ngày ngày có điều thiện.

Ngành ngành giữ điều thiện.

(Trích trong Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một huyền thoại kỳ vĩ – Ban Tuyên giáo TW)

Qua câu chuyện chúng ta rút ra được bài học: mỗi con người chúng ta đều tồn tại 2 mặt thiện với ác. Mọi người sinh ra đều có bản chất lương thiện, sở dĩ đôi khi cái lương thiện, cái tốt bị mất đi là do không tích cực học tập, rèn luyện, do bị ảnh hưởng xấu xa môi trường xung quanh, do bị tiêm nhiễm cái xấu của môi trường độc hại mà mình không tránh được, không kiềm chế được, không cương quyết khống chế nó. Vì thế, ta cần phải tạo điều kiện cho phần tốt, phần thiện trong mỗi con người phát triển và phần xấu bị mất dần đi. Đối với những người có thói hư tật xấu, hoặc mắc phải lỗi lầm, ta cần phải tạo điều kiện để giúp họ nhìn nhận ra những sai lầm, thiếu sót, từ đó tìm cách sửa chữa để hướng tới những điều thiện, điều tốt, giúp họ tiến bộ bằng mọi cách, phải làm thay đổi họ giúp cho phần thiện, phần tốt trong con người họ phát triển hơn và đẩy lùi phần ác, phần không tốt chứ không phải từ chối họ, xa lánh họ để cái ác có cơ hội lấn sâu làm hao mòn cái thiện.

Làm bất cứ nghề gì cũng cần đến lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề, nhưng với đặc thù của ngành y thì người hành nghề cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp hay còn gọi là y đức. Đặc thù của ngành y tế liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người là ngành nhân đạo vì vậy đòi hỏi người cán bộ y tế phải tinh thông nghề nghiệp, phải có lương tâm nghề nghiệp, phải được đào tạo nghiêm túc và thường xuyên trau dồi cả kiến thức lẫn đạo đức, phải có trách nhiệm cao trước sức khoẻ của con người và tính mạng của người bệnh, hết sức khẩn trương giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu tính mạng người bệnh. Vì vậy đối với ngành y tế của chúng ta, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn và quan tâm sâu sắc hơn. Công việc của chúng ta là giúp đỡ, cứu chữa cho người bệnh vì thế chúng ta cần phải suy nghĩ và quyết định một cách thận trọng trước sinh mạng, cuộc sống của một con người và của xã hội. Do đó, hãy thương yêu người bệnh như chính người thân của mình để tận tình cứu chữa, đồng cảm, chia sẻ với người bệnh, đồng thời khi có thiếu sót cũng nên mạnh dạn nhận ra sai sót và tích cực sửa chữa để ngày càng hoàn thiện hơn nữa. Có như vậy chúng ta mới thấm nhuần câu nói của Hải Thượng Lãn Ông “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức” và thấm nhuần lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”

Qua bài học này cũng nhắc nhở cho NVYT chúng ta cần phải tích cực thực hiện tốt 12 điều y đức do BYT ban hành. Tuy nhiên, làm việc dưới áp lực cao của ngành y, đôi khi chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm. Để bản thân mình không khuyết điểm không phải là dễ nhưng không có nghĩa là không làm được. Chúng ta cần phải biết phân biệt đâu là tốt, là đúng, và đâu là không tốt, không đúng, thì chúng ta mới phát huy được điều tốt, khi nhận định đúng thì sẽ giúp chúng ta thực hiện đúng, ngoại trừ những người cố tình không thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần phải tích cực học tập, trao dồi, phát huy mặt tốt, mặt mạnh của mỗi cá nhân và loại bỏ dần những mặt còn hạn chế của bản thân mình,….Và để phát triển,  hoàn thiện nhân cách của con người, trong mỗi chúng ta đều cần phải có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hãy đánh thức, khơi dậy bản chất lương thiện trong mỗi người chúng ta, hãy nhắc nhở nhau, cùng nhau thực hiện theo lẽ phải để phát huy mặt tốt, hạn chế mặt xấu, để mỗi người trong chúng ta đều tốt, và mọi người trong xã hội đều tốt …

 

Bài viết liên quan