Kinh nghiệm cho khởi nghiệp

Những người mới khởi nghiệp thường rất cần các góc nhìn đa chiều, các bài học kinh nghiệm từ những người đi trước để con đường khởi nghiệp bớt phần gian nan.

Một buổi tối cuối tháng 8, gần 20 người trẻ quây quần tại không gian làm việc chung SURF Space (đường Thái Phiên, quận Hải Châu). Trong số họ, có người là chủ hệ thống café sách đầu tiên của Đà Nẵng, có người đang điều hành một quỹ đầu tư khởi nghiệp trẻ… Họ có mặt ở đây để giúp một dự án khởi nghiệp giai đoạn đầu “mổ xẻ”, giải quyết những khó khăn của mình.

Anh Nguyễn Long Giang trình bày về dự án Mami Mami.
Anh Nguyễn Long Giang trình bày về dự án Mami Mami.

Được đưa lên “bàn mổ” là Mami Mami, dự án từng giành giải nhất chương trình Huấn luyện khởi nghiệp cuối tuần (Startup Weekend) năm 2017, chuyên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và em bé. Người sáng lập dự án, anh Nguyễn Long Giang, là cử nhân y tế đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Dự án gặp khó, một phần là vì không ai trong đội ngũ điều hành có kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp.

Sau khi nghe anh Giang giới thiệu về dự án, mọi người cùng “chụm đầu” vào phân tích. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho những người sáng lập Mami Mami, từ mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh cho đến những điều cơ bản nhất như: ai sẽ là người soạn các bài thuyết trình, ai đảm nhận vai trò thuyết trình dự án…

Càng hỏi, càng ra vấn đề. May mắn cho anh Giang, một số người có mặt tối hôm ấy từng có nhiều năm khởi nghiệp với mô hình platform (nền tảng kết nối) tương tự. Chính vì vậy, anh nhận được những bài học “xương máu” trong lĩnh vực mà nếu không có sớm, Mami Mami rất dễ đi vào “vết xe đổ”.

Sau hơn 1 giờ vừa “mổ xẻ”, vừa trò chuyện thân tình, nhiều kinh nghiệm quý đã được đúc kết lại. Một trong các bài học được nhiều nhà khởi nghiệp tâm đắc là trong giai đoạn đầu, nên tập trung làm tốt một số ít dịch vụ, hướng đến một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể có khả năng tạo ra nhiều giao dịch nhất.

Chính họ là những người sẽ quay lại sử dụng dịch vụ và giới thiệu cho các khách hàng khác. Bên cạnh đó, việc xác định đúng lợi thế cạnh tranh của dự án là điều cực kỳ quan trọng. Có những điểm dễ bị lầm tưởng là lợi thế cạnh tranh, nhưng thực ra không phải.

Ban đầu, Mami Mami cho rằng, trong đội ngũ điều hành có nhiều người đang công tác ở các bệnh viện là một lợi thế, bởi họ có chuyên môn, có mối quan hệ. Song, anh Thống Lê Anh Tuấn, người sáng lập Công ty TNHH Zody chỉ ra: “Tiệm nào mở ra cũng phải có chuyên môn, có quan hệ. Đó chỉ là lợi thế, chứ không phải lợi thế để cạnh tranh. Nếu bạn làm được những điều như: sẵn sàng cung cấp mạng lưới bác sĩ, điều dưỡng 24/7 thì mới gọi là lợi thế cạnh tranh được”.

Kết thúc buổi chuyện trò, anh Giang chia sẻ dự án đã “vỡ” ra được khá nhiều. Có lẽ, những trao đổi thẳng thắn, chân tình giữa các lớp sáng lập viên khởi nghiệp Đà Nẵng cũng bổ ích không kém những bài học trong sách vở, những câu chuyện lập thân khởi nghiệp trên báo chí…

Anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Cá Chuồn (FFI) – một trong những người tổ chức buổi chia sẻ hôm ấy, nói: “Con đường khởi nghiệp có quá nhiều thách thức, ai đi trên đó cũng rất cần sự đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước. Chính vì vậy, chúng tôi muốn kết nối những người khởi nghiệp tại Đà Nẵng lại với nhau, tạo ra tinh thần “founders help founders” (tạm dịch: “sáng lập viên giúp đỡ sáng lập viên”) để cùng nhau phát triển”.

Trong thời gian tới, các buổi trò chuyện giữa những nhà khởi nghiệp trẻ sẽ tiếp tục được duy trì như một nỗ lực trong việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng.

 

  Bài và ảnh: PHONG LAN

Bài viết liên quan