XOÁ BỎ “TIN LÀNH ĐẤNG CHRIST TÂY NGUYÊN” Ở SÔNG HINH (KỲ 1)
Đại tá Nguyễn Khoẻ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua lực lượng Công an thường xuyên tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh xoá bỏ “Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”; kết hợp giữa kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình vi phạm.
Nằm cách TP Tuy Hoà hơn 60km, Sông Hinh là một trong ba huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk trên các huyết mạch giao thông QL29C kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, QL19C từ Bình Định đến Đắk Lắk và đường Trường Sơn Đông từ Quảng Nam đến Lâm Đồng. Toàn huyện có 15.617 hộ gia đình gồm 59.146 người dân cư trú ở xã và 1 thị trấn; trong đó có gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều nhất là các dân tộc Êđê, Chăm, Bana, Tày, Nùng…
Hơn 20 năm về trước, các phần tử phản động FULRO lén lút đến một số buôn làng đồng bào DTTS ở huyện Sông Hinh tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước; dụ dỗ, lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ, cả tin đi theo “Tin Lành Đêga”, tụ tập gây rối trật tự công cộng, mưu toan biểu tình, bạo loạn để đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga”, từ bỏ quê hương trốn ra nước ngoài để tìm cuộc sống “ảo vọng thiên đường”…
Khi đời sống kinh tế – xã hội ở huyện miền núi Sông Hinh từng bước đổi mới và phát triển, mạng lưới thông tin viễn thông phủ sóng trên diện rộng, những phần tử FULRO và các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội diễn trò lừa bịp, mị dân để phá hoại chính sách tôn giáo, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kêu gọi một số người đi theo “Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC).
Thế nhưng chính quyền, đoàn thể và các ban, ngành cùng với lực lượng Công an từ tỉnh đến huyện và xã đã nỗ lực phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hoá những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, đẩy lùi, xoá bỏ “Tin Lành Đêga” và CHPC ra khỏi đời sống xã hội ở các buôn làng.
Theo Công an huyện Sông Hinh, các đối tượng CHPC ở Tây Nguyên lén lút đến 4 xã Ea Lâm, Sông Hinh, Ea Bia, Ea Trol từ năm 2020, lần lượt lôi kéo 30 người dân tộc Êđê lập 3 điểm nhóm tụ tập tại nhà riêng 3 ngày mỗi tuần. Trong số đó có 4 đối tượng cốt cán, 10 đối tượng tích cực và 16 người liên quan tụ tập nhóm họp, cầu nguyện trái pháp luật, lợi dụng không gian mạng để tập huấn, trao đổi, bàn luận trực tuyến với các đối tượng CHPC trong và ngoài nước về những thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc tự do tôn giáo, dân tộc, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam; hướng dẫn thu thập tài liệu những mặt trái trong đời sống xã hội, thiếu sót của chính quyền và các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành, thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật để cung cấp cho tổ chức phản động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thậm chí có đối tượng còn vu cáo chính quyền cản trở, đàn áp tôn giáo… khi lén lút trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do.
Trao đổi PV Báo CAND, Đại tá Nguyễn Khoẻ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua lực lượng Công an thường xuyên tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh xoá bỏ CHCP; kết hợp giữa kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình vi phạm.
Tỉnh uỷ Phú Yên thành lập tổ công tác gồm 14 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động đấu tranh xoá bỏ CHPC; Huyện uỷ, UBND huyện Sông Hinh ban hành và triển khai kế hoạch “Đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các đối tượng FULRO, “Tin Lành Đêga”, CHPC”, đồng thời thành lập các tổ công tác bám địa bàn cơ sở giám sát, đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng CHPC tụ tập nhóm họp, cầu nguyện trái pháp luật; tập trung quản lý, cảm hoá giáo dục những người lầm đường lạc lối…
Thực hiện phương châm “An ninh chủ động”, 4 năm qua, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Phú Yên, Công an huyện Sông Hinh và Công an 4 xã có hoạt động của CHPC, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình ANTT để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” gắn với xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả nhiều mô hình ANTT.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tổ chức 15 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước, thu hút hơn 1.300 người tham gia; xây dựng 5 phóng sự truyền hình để tuyên truyền, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động FULRO, “Tin Lành Đêga”, CHPC; đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng hơn 150 bài viết cùng hình ảnh, video đấu tranh phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động núp bóng tôn giáo. Đặc biệt thường xuyên tranh thủ uy tín của 118 già làng, người có chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở huyện Sông Hinh vận động người lầm lỗi từ bỏ CHPC, chuyển sang sinh hoạt tôn giáo thuần tuý được Nhà nước công nhận.
Cùng với việc đấu tranh, tấn công chính trị, cảm hoá giáo dục hơn 300 lượt đối tượng, chính quyền các xã đã tổ chức kiểm điểm trước dân hơn 20 trường hợp liên quan hoạt động CHPC. Riêng đối tượng cốt cán Nay Y Blang (SN 1976, trú ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm) không chỉ nhiều lần bị xử phạt hành chính, mà còn trả giá 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên ngày 26/1/2024. Đây không phải là lần đầu mà trước đó vào tháng 4/2005, Nay Y Blang đã bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, đến đầu năm 2012 bị đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc A1 thời hạn 24 tháng.
“Đến nay, các hoạt động liên quan CHPC tại 6 buôn làng ở 4 xã và 3 điểm nhóm sinh hoạt trái phép trên địa bàn huyện Sông Hinh đều được xoá bỏ, 100% đối tượng có liên quan đã được cảm hoá giáo dục, cam kết từ bỏ hoạt động CHPC, trong đó có nhiều đối tượng đã chuyển sang sinh hoạt các tôn giáo thuần tuý được Nhà nước công nhận. Hai huyện miền núi còn lại là Đồng Xuân và Sơn Hoà chưa có dấu hiệu ảnh hưởng bởi hoạt động của CHPC nhưng chính quyền, đoàn thể cùng lực lượng Công an từ huyện đến xã vẫn chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa, giữ vững ổn định ANTT và bình yên cuộc sống, góp phần đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội miền núi và vùng đồng bào DTTS, ” – Đại tá Nguyễn Khoẻ thông tin thêm.
Hữu Toàn
Theo: CAND