Cô gái khởi nghiệp từ xơ mướp
Chị Võ Thị Ngọc Thư cùng các sản phẩm từ dự án. |
Đó là Dự án: “Xơ mướp thủ công mộc xơ-Sản phẩm từ thiên nhiên” của chị Võ Thị Ngọc Thư, trú tại 49 Phú Lộc 19, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê,Thành phố Đà Nẵng. Dự án đã đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Liên hiệp Hội phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức.
Sản phẩm của Dự án xuất phát từ ý tưởng tận dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên mà cụ thể là xơ mướp để sản xuất các sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống, thân thiện với môi trường như: Dép massage chân, đồ chơi cho thú cưng, miếng rửa chén, rửa ly, đai tắm,…từ đó góp phần giảm lượng rác thải nhựa và ô nhiêm môi trường. Theo tác giả, chị chọn xơ mướp để khởi nghiệp là bởi mướp là loại cây dễ trồng, phát triển nhanh, thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau. Nguồnnguyên liệu dồi dào và ổn định. Việc sản xuất các các sản phẩm từ xơ mướp bằng các phương pháp và công nghệ thân thiện với môi trường, không gây phát thải chất độc hại, lại tiêu thụ ít nước trong quá trình sản xuất…
Vùng nguyên liệu mà chị Thư xây dựng để trồng và chế biến xơ mướp nằm ở vùng ven sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Để chủ động nguồn nguyên liệu, cơ sở sản xuất của chị đã hợp đồng với nông dân địa phương, bao tiêu đầu ra cho cây mướp. Quá trình chế biến xơ mướp bao gồm việc lấy xơ mướp già đã thu hoạch, bóc vỏ, làm sạch, phơi khô, cán ép thành những tấm dẹt và cắt may theo yêu cầu sản phẩm. Xơ mướp có khả năng tái chế tốt nên sản phẩm có tuổi thọ cao và giảm lãng phí tài nguyên. Ngoài ra sản phẩm từ xơ mướp có tính đa dạng trong ứng dụng trong đời thường, sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình như miếng rửa chén, túi đựng xà phòng, bông tắm…
Dự án khởi nghiệp từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư, ở góc độ vĩ mô đã thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản phẩm nhựa sang sản phẩm từ vật liệu tự nhiên, là một bước quan trọng trong việc giảm bất lợi mà nhựa đem lại cho môi trường; tăng cường kết nối, gần gũi, yêu thiên nhiên hơn cũng như thông qua đó tạo ra cơ hội cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên.
Bằng việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ, sẽ có ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và giữ gìn thiên nhiên. Dự án cũng đóng góp vào việc giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các chiến lược quảng bá và giao tiếp. Việc tăng cường nhận thức về tác động của hành vi tiêu dùng đến môi trường và khí hậu có thể khuyến khích hành động tích cực từ phái người tiêu dùng và doanh nghiệp.
D.HÙNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng