KHÔNG ĐỂ TỔ CHỨC ĐẢNG THÀNH CÔNG CỤ CỦA SAI PHẠM – BÀI 1: KHI TỔ CHỨC ĐẢNG RƠI VÀO “4 MẤT”
Thời gian qua, không ít tổ chức đảng bị kỷ luật do vi phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm pháp luật, trong đó nhiều cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, bị xử lý hình sự.
Vậy tại sao tổ chức đảng lẽ ra phải đưa ra những quyết nghị sáng suốt để từ đó lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị; phải là nơi hội tụ ý chí và niềm tin; phải là nơi gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước lại trở thành đối tượng bị kỷ luật? Phải chăng sức đề kháng, tính đấu tranh trong một bộ phận tổ chức đảng đang có vấn đề, ảnh hưởng tới khả năng tự phát hiện, tự loại trừ những biểu hiện sai phạm trong nội bộ. Tác hại của thực trạng trên như thế nào? Nguyên nhân là gì? Và giải pháp nào để ngăn ngừa?
Điều đáng lo ngại là trong nhiều vụ việc bị xử lý thời gian qua, tổ chức đảng đã bị người đứng đầu hay một nhóm cán bộ chủ chốt thao túng, dẫn dắt tới chỗ sai phạm. Và hệ lụy là tổ chức đảng bị rơi vào “4 mất”: Mất sức chiến đấu, mất sức đề kháng, mất vai trò lãnh đạo và cuối cùng mất danh dự, uy tín.
Tổ chức đảng ở đâu khi người đứng đầu “ngã ngựa”?
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2023, về công tác thi hành kỷ luật đảng, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 182 tổ chức đảng, 7.056 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 1 người, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức đảng và 17 đảng viên (cảnh cáo 1, cách chức 1, khai trừ 15). UBKT các cấp thi hành kỷ luật 92 tổ chức đảng và 2.894 đảng viên. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 30.
Trong không ít vụ việc, các tổ chức đảng và cá nhân bị kỷ luật đảng, bị xử lý hình sự là hậu quả tất yếu do có những việc làm sai trái gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra trong nhiều năm liền. Một ví dụ điển hình là, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; khiển trách ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Cùng với đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận.
Nguyên nhân bị kỷ luật nặng như vậy là vì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý sử dụng đất, thực hiện dự án, gây thất thu, thất thoát và nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, nhiều hậu quả khó khắc phục; một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy địa phương.
Những vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, sai phạm pháp luật nêu trên tại Bình Thuận diễn ra trong 10 năm. Trong hai nhiệm kỳ đó, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập thể Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận gần như không có sức đề kháng để tự phát hiện, ngăn chặn những vi phạm của mình. Vai trò kiểm tra đảng cũng không được thể hiện.
Trong vụ việc trên, không phải là không có người phát hiện và tố giác các dấu hiệu vi phạm, bởi đã có những đơn tố cáo, phản ánh được gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những tiếng nói tỉnh táo và dũng cảm ấy chưa được quan tâm, giải quyết sớm và triệt để.
Từ thực tế đó, dư luận hết sức băn khoăn rằng tổ chức đảng đã và đang ở đâu; có trách nhiệm thế nào khi những người đứng đầu bị “ngã ngựa”?
Những “ông vua con” khiến tổ chức đảng tê liệt
Ngày 19-6-2023, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một “ông vua con” ở đấy”.
Thực tế, thời gian qua, có những “ông vua con” thể hiện quyền uy tuyệt đối, thao túng đối với các đơn vị, địa phương mà họ phụ trách, biến các tổ chức đảng tại những nơi này thành công cụ trong tay họ.
Vụ việc “hot girl Quỳnh Anh” (Trần Vũ Quỳnh Anh) tại Thanh Hóa là điển hình của việc người đứng đầu lạm dụng quyền lực để khuynh đảo, vô hiệu hóa tổ chức đảng, lũng đoạn công tác cán bộ. Thật khó tin, một người xuất phát điểm là làm tạp vụ, có bằng cử nhân tin học hệ tại chức, không có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng mà chỉ trong khoảng 4 năm từ vị trí là lao động hợp đồng đã được tuyển dụng, bổ nhiệm là phó trưởng phòng, rồi chỉ 6 tháng sau đã bổ nhiệm là trưởng phòng tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Thậm chí Quỳnh Anh còn được quy hoạch nguồn Phó giám đốc Sở Xây dựng. Bên cạnh đó, Quỳnh Anh còn sở hữu khối tài sản gồm nhiều biệt thự, xe sang lên tới hàng chục tỷ đồng.
Không khó để thấy việc tiếp nhận, điều động, quy hoạch, cử đi học cao cấp lý luận chính trị, bổ nhiệm Trần Vũ Quỳnh Anh có đầy rẫy sai phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, khối tài sản khủng của Quỳnh Anh là bất thường.
Thế nhưng, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên trong Đảng ủy, Đảng bộ Sở Xây dựng trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh là rất yếu kém, thậm chí là bị tê liệt. Quy trình, tiêu chuẩn trong công tác cán bộ đều được quy định rất chặt chẽ, từ quy hoạch, cử đi học, rồi bổ nhiệm. Thế nhưng tập thể Đảng ủy Sở Xây dựng không thực hiện đúng theo các quy định, tiêu chuẩn nói trên. Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND, UBKT Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc để Sở Xây dựng quy hoạch, cử đi học, rồi bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn.
Một sự việc tày trời như vậy mà các cơ quan có trách nhiệm đều lúng túng, giải thích là “không biết”, do “tin tưởng Sở Xây dựng”. “Không biết” ở đây cũng chính là một biểu hiện của sự tê liệt!
Sau đó, UBKT Trung ương xác định ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với Trần Vũ Quỳnh Anh trong công tác cán bộ, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Ông Ngô Văn Tuấn đã bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Tuy nhiên, vẫn xuất hiện thông tin bà Trần Vũ Quỳnh Anh có mối quan hệ thân thiết với ông Trịnh Văn Chiến, lúc đó đang là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã phủ nhận thông tin nói trên. Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng có công văn bác bỏ thông tin được cho là bịa đặt, vu khống này.
Trần Vũ Quỳnh Anh xin thôi việc và biến mất nhanh chóng một cách khó hiểu, hồ sơ gốc cũng không còn được lưu giữ. Khối tài sản lớn của bà Trần Vũ Quỳnh Anh cũng chưa được kết luận rõ ràng. Với những dấu hiệu đó, rất khó để đánh tan được những nghi ngờ của dư luận xã hội. Hơn nữa, nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 tại Thanh Hóa không chỉ có việc của Trần Vũ Quỳnh Anh mà còn rất nhiều những bê bối trong công tác cán bộ và các dự án đầu tư.
Ngày 28-7-2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và một số đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất; trong công tác cán bộ; trong lãnh đạo công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập… Trong đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến được xác định là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
Những “chiếc bình phong” và hệ lụy khôn lường
Đáng lo ngại là hiện tượng các tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị bị thao túng, trở thành bình phong của người đứng đầu không phải là chuyện hiếm trong thời gian qua. Thường thì các khuyết điểm, sai phạm do ý đồ cá nhân đều được ẩn nấp trong vỏ bọc quyết định của tập thể, đúng quy trình.
Để “con voi chui lọt lỗ kim” trong nhiều vụ việc là vì tổ chức đảng đã bị “ông vua con” thao túng. Người đứng đầu thường mượn danh tổ chức đảng để hợp thức hóa các ý đồ cá nhân, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành hình thức, bị bóp méo, bị hiểu sai, thậm chí bị biến tướng trở thành công cụ để người đứng đầu chuyên quyền, độc đoán. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình bị vô hiệu hóa. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát ở các tổ chức đảng “có vấn đề” cũng “không phát hiện” ra các sai phạm.
Khi tổ chức đảng bị thao túng bởi các thế lực đen tối thì sẽ dẫn tới những rủi ro khó lường. Vì các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước sẽ dễ bị bóp méo, bị biến tướng phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vụ đại án “chuyến bay giải cứu” là một điển hình cho nguy cơ này. Từ một chủ trương đầy nhân đạo, tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta, muốn dang tay đùm bọc người Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch Covid-19 thì lại bị các cá nhân thoái hóa, biến chất là người đứng đầu, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị biến thành cơ hội để kiếm tiền trên nỗi đau của đồng bào.
Chúng ta hiểu rằng, nếu để những tổ chức đảng mất sức chiến đấu, bị lợi dụng thành công cụ cho các sai phạm thì hậu quả là không chỉ mất cán bộ, hỏng tổ chức mà nguy hại hơn là làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa… Và những hệ lụy, hậu quả đã thấy rõ như thực tiễn trong thời gian qua.
Hơn thế, bài học đắt giá từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và các nước Đông Âu vẫn còn đó vẹn nguyên tính cảnh báo. Theo đó, một trong những nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ chính là sự buông lỏng, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thủ tiêu sức chiến đấu trong hệ thống tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Chính vì vậy, cùng với xử lý nghiêm các vụ việc cụ thể, vấn đề nguy hiểm nêu trên cần được nhận diện, phân tích nhằm tìm ra cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn. Vấn đề này sẽ được chúng tôi luận giải trong các bài tiếp theo của vệt bài.
Giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong LLVT. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong LLVT. (Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022) |
(còn nữa)
Theo: QĐND