THỂ THAO ĐÀ NẴNG VÀ THÁCH THỨC TẠI SEA GAMES 32
Sau thời gian nỗ lực tập luyện cùng vận động viên (VĐV) cả nước, các VĐV thể thao thành tích cao thành phố sẵn sàng bước vào hành trình chinh phục mục tiêu tại SEA Games 32, diễn ra đầu tháng 5-2023 tại Campuchia. So với SEA Games 31 tại Việt Nam, kỳ đại hội tới được dự báo nhiều khó khăn, thách thức với thể thao Việt Nam nói chung và thể thao thành phố nói riêng khi nước chủ nhà có nhiều thay đổi trong tổ chức các nội dung thi đấu.
Nguyễn Thị Thanh Phúc và em trai Nguyễn Thành Ngưng là hai trong số những niềm kỳ vọng của thể thao thành phố tại SEA Games 32.
Môn thể thao thế mạnh bị loại
Tại SEA Games 31, đoàn thể thao thành phố có 7 huấn luyện viên (HLV) và 28 VĐV tham gia, với mục tiêu giành 5 huy chương vàng (HCV). Dù vậy, các VĐV thành phố thi đấu xuất sắc, đoạt tổng cộng 31 huy chương, trong đó có 14 HCV, 9 huy chương bạc (HCB), 8 huy chương đồng (HCĐ); có 2 VĐV đoạt 2 đến 3 HCV và 5 VĐV phá kỷ lục SEA Games. Thành công này là động lực nhưng cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các VĐV trong việc giữ vững thành tích ở SEA Games 32.
Tại kỳ đại hội tới, đoàn thể thao thành phố có 6 HLV và 24 VĐV tham dự ở các môn: điền kinh, bơi, taekwondo, karate, lặn, billiards, triathlon, sailing, cờ ouk chatrang, kun bokator và đua thuyền truyền thống. Một điều đáng tiếc là một số môn thế mạnh của thể thao thành phố không thuộc chương trình thi đấu của SEA Games 32, đặc biệt là môn đua thuyền canoeing và rowing. Tại SEA Games 31, các VĐV: Hiên Năm, Phạm Thị Huệ, Võ Như Sang, Phạm Chung và Võ Duy Thành đã mang về cho thể thao thành phố 5 HCV, 3 HCV và 1 HCĐ ở hai nội dung thi đấu trên.
Theo VĐV Phạm Thị Huệ (giành 3 HCV thuyền đơn hạng nặng, thuyền đôi 1 mái chèo hạng nặng, thuyền bốn 2 mái chèo hạng nặng môn rowing tại SEA Games 31), không được dự SEA Games 32 là điều đáng tiếc khi chị không có cơ hội giành thêm các HCV, góp phần mang vinh quang về cho thể thao thành phố. Dù vậy, chị quyết tâm duy trì tập luyện thường xuyên để bảo đảm thể lực, giữ vững phong độ sẵn sàng tham dự các giải đấu quốc tế trong tương lai.
Trong khi đó, với VĐV Hiên Năm (giành 2 HCV cano C4 nam 1.000m, cano C2 nam 1.000m môn canoeing tại SEA Games 31), dù được tham dự SEA Games 32 nhưng được đăng ký thi đấu môn đua thuyền truyền thống. Đây không phải là môn mạnh nhất của Hiên Năm nên cơ hội cạnh tranh huy chương không cao.
Quyết giành được mục tiêu
Tại SEA Games 32, mục tiêu đoàn thể thao thành phố đặt ra là phấn đấu giành 3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ. Khi đua thuyền bị loại khỏi chương trình thi đấu, những môn thế mạnh khác như: điền kinh, bơi, lặn, taekwondo là niềm kỳ vọng của thể thao thành phố. Trong đó, ở môn điền kinh, VĐV Võ Xuân Vĩnh, Nguyễn Thanh Phúc được kỳ vọng bảo vệ thành công HCV ở nội dung đi bộ 20km dành cho nam và nữ. Cũng ở nội dung này, người em của Thanh Phúc là Nguyễn Thành Ngưng hướng đến cải thiện thành tích giành HCĐ tại SEA Games 31.
VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc cho biết: “Sau khi giành được HCV tại SEA Games 31, tôi quay lại tập luyện hướng tới Đại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc lần thứ 9 vào cuối năm 2022 cùng đoàn thể thao thành phố. Đây là bước đệm để tôi hướng tới bảo vệ thành tích ở SEA Games 32. Tôi cùng các thành viên đội tuyển đi bộ Việt Nam nỗ lực tập luyện hằng ngày tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Trước thềm SEA Games 32, tôi cùng các thành viên đội tuyển đi bộ Việt Nam tham dự giải vô địch đi bộ châu Á 2023 tại Nhật Bản. Tại giải này, tôi đạt được những chỉ số tốt và sẽ nỗ lực duy trì đến ngày tranh tài tại SEA Games 32”.
Ở môn bơi, Hoàng Quý Phước quyết định tham dự SEA Games 32 trước khi tính đến chuyện giải nghệ. Không có nhiều cơ hội cạnh tranh nội dung bơi cá nhân nhưng Quý Phước có thể giành thêm các HCV ở nội dung bơi tiếp sức đồng đội. Tại SEA Games 31, chàng “rái cá” sông Hàn xuất sắc mang về 2 HCV (tiếp sức bơi tự do 4x100m, tiếp sức bơi tự do 4x200m) cho đoàn thể thao Việt Nam. Trước khi sang Campuchia tranh tài, Quý Phước cùng các thành viên đội tuyển bơi Việt Nam có chuyến tập huấn kéo dài 2 tháng tại Hungary.
Ngoài ra, VĐV Trần Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thị Hằng cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ HCV ở lần lượt hai môn taekwondo và lặn. Cả hai đang ở giai đoạn sung nhất của sự nghiệp nên khả năng tiếp tục giành HCV tại SEA Gaems 32 là hoàn toàn có thể. VĐV Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Tại SEA Games 31, bên cạnh giành HCV, tôi và các đồng đội phá kỷ lục SEA Games ở nội dung thi đấu 4x100m nữ vòi hơi chân vịt. Đó là thành quả đáng tự hào và là động lực để tôi cùng các thành viên đội tuyển lặn tiếp tục nỗ lực tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. Hiện tôi đã sẵn sàng bước vào chinh phục các thử thách tại SEA Gaems 32”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao, SEA Games 32 là giải đấu quan trọng của VĐV cả nước nói chung và thành phố nói riêng trong năm 2023. Việc nước chủ nhà Campuchia loại nhiều môn thi đấu, trong đó có môn thế mạnh của thể thao thành phố nên mục tiêu của đoàn thể thao thành phố cũng được điều chỉnh phù hợp. Điều này sẽ giảm áp lực cho các VĐV trong quá trình tập luyện, thi đấu. Hy vọng, các VĐV ưu tú của thể thao thành phố sẽ thi đấu với tinh thần quyết tâm, nỗ lực hết mình để đạt kết quả tốt nhất, góp phần làm nên thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Nguồn: Báo Đà Nẵng