Địa chỉ đỏ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

ĐNO – Ngày 28-3-2018, Nhà Trưng bày Hoàng Sa khánh thành, đi vào hoạt động trước sự mong đợi của người dân, đánh dấu bước tiến trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa. 

NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (hang đầu cùng) cùng Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Chí Thanh tham quan tại buổi triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (hàng đầu) và Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Chí Thanh tham quan tại buổi triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới – Châu bản triều Nguyễn”, ngày 24-3. Ảnh: TRỌNG HUY

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế. Từ năm 1974 đến nay, quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm nhưng ý thức chủ quyền của người Việt thì không bao giờ mất đi.

Ngày 11-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa. Đến năm 1997, quần đảo Hoàng Sa thuộc quản lý của thành phố Đà Nẵng.

Học sinh trường THCS Hoàng Sa tham quan khu trưng bày tại buổi triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới – Châu bản triều Nguyễn” ngày 24-3. Ảnh: TRỌNG HUY
Học sinh trường THCS Hoàng Sa tham quan khu trưng bày tại buổi triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới – Châu bản triều Nguyễn”, ngày 24-3. Ảnh: TRỌNG HUY

Tích góp những viên đá đầu tiên

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động với trách nhiệm lịch sử quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã huy động lực lượng, phối hợp để xây dựng chương trình về tuyên truyền chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, biển đảo Việt Nam.

Hằng năm, UBND huyện Hoàng Sa phát động hiến tặng tư liệu, chứng cứ lịch sử về quần đảo Hoàng Sa ở trong, ngoài nước và đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý. Chẳng hạn như, sách viết về Hoàng Sa, bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, những tư liệu lịch sử – địa lý về quần đảo Hoàng Sa trong và ngoài nước hay bút tích còn để lại từ những nhân chứng lịch sử.

Ngoài ra, UBND huyện Hoàng Sa tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo, triển lãm và những cuộc thi về biển, đảo. Những bức thư của học sinh hay bài thơ đẫm nước mắt từ nghệ sĩ hướng về biển đảo thiêng liêng được lưu trữ, bảo quản cẩn thận sau phát động cuộc thi sáng tác về Hoàng Sa.

Hội thi biển đảo quê hương ra đời nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh trong và ngoài thành phố. Sau chương trình hội thảo, giải pháp về vấn đề đấu tranh, quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa được đúc rút và công chúng được hiểu thêm về lịch sử biển, đảo Hoàng Sa qua hoạt động tổ chức triển lãm.

Để sưu tầm, tích góp tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đã tìm kiếm, liên lạc với nhân chứng lịch sử trên khắp đất nước, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn. Thậm chí những nhân chứng sống còn tìm đến kể về quá trình sinh sống và hoạt động trên đảo như thế nào, kể về máu thịt đang đau đáu hướng về.

Người dân Việt tiếp tục góp sức vào sự nghiệp tìm lại hình hài cho Tổ quốc. Vì tình yêu thiên nhiên biển đảo, ông Phan Văn Toại, Đà Nẵng đã dành nửa đời người để sưu tầm những vỏ ốc biển quý, đẹp, mang trên mình vẻ đẹp tự nhiên vốn có, và trao lại UBND huyện Hoàng Sa để công chúng được chiêm ngưỡng, đồng thời lan tỏa tình yêu biển đảo thiêng liêng.

Để những tư liệu ngày càng đủ đầy, những minh chứng càng thuyết phục, ông Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa – Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) đã đi khắp nơi ở xứ lạ để sưu tầm, thu thập. Người dân cũng đến UBND huyện Hoàng Sa để bàn giao những tư liệu quý…

Những tư liệu, bằng chứng chủ quyền góp phần làm sáng tỏ sự thật về lãnh thổ Hoàng Sa được UBND huyện Hoàng Sa trưng bày tại Phòng trưng bày huyện đảo Hoàng Sa ở trụ sở cũ là 132 Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Với nỗ lực tìm kiếm và đóng góp từ nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử hay người dân trong và ngoài nước, UBND huyện Hoàng Sa có nguồn tư liệu lớn về bản đồ, hình ảnh, hiện vật về chủ quyền Hoàng Sa. Từ đó, dấy lên ước mong xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa để trưng bày, giới thiệu cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ được biết.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết: “Nhà Trưng bày Hoàng Sa mang một ý nghĩa lớn, gửi gắm tình cảm nhân dân Việt Nam đối với một phần máu thịt của Tổ quốc, góp phần kéo Hoàng Sa về hơn với đất liền.”.

Ông Đặng Công Ngữ chính là một trong những người lên ý tưởng và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Sau 5 năm khánh thành và đi vào hoạt động, Nhà Trưng bày đón 89.237 lượt khách với 1.433 đoàn khách. Trong đó, năm 2022, Nhà Trưng bày đón 23.133 lượt với 279 đoàn. Trong 5 năm vừa qua, đối tượng khách chủ yếu đến với Nhà Trưng bày là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, chiếm gần 50% tổng số lượt khách. Bên cạnh đó, có nhiều đoàn khách nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cũng đến nghiên cứu, tìm hiểu và đưa tin như: Hãng tuyền hình France 24, Pháp, Đài truyền hình Mỹ CNN, Đoàn làm phim tư liệu của ông Jean Mussy và Giáo sư Pierre Michel Viriot của Thụy Sĩ.

Đặc biệt, với nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục đa dạng, Nhà Trưng bày thu hút đông đảo các đối tượng khách đến tham quan, tìm hiểu. Nhiều cơ quan, đơn vị lựa chọn Nhà Trưng bày Hoàng Sa là địa chỉ để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cụ thể tính đến nay có 67 chi bộ với hơn 1.500 đảng viên tham gia.

Trong 5 năm qua, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã có những kết quả bước đầu trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa cho mọi tầng lớp nhân dân. Tháng 12-2019, Nhà Trưng bày Hoàng Sa chính thức trở thành điểm tham quan du lịch của thành phố Đà Nẵng, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa được chú trọng tại Nhà Trưng bày với hình thức tuyên truyền tại điểm và tổ chức các hoạt động như triển lãm lưu động, các cuộc thi về biển đảo quê hương cho công chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Ngày 18-1-2021, UBND huyện Hoàng Sa, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, Nhà Trưng bày chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học với việc tổ chức các hội thảo khoa học trong năm 2019 và 2020.

Mới đây, ngày 24-3-2023, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp Trung tâm lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới – Châu bản triều Nguyễn” tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Triển lãm thu hút công chúng đến nghiên cứu, tìm hiểu về bức tranh chân thực, sống động về truyền thống vươn khơi bám biển của các bậc tiền nhân, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng trong công tác đấu tranh, gìn giữ, bảo vệ những vùng biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa được ra đời bởi sự mong đợi của toàn thể người dân Việt Nam, đánh dấu bước tiến trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ huyện đảo Hoàng Sa mới nhất được trưng bày tại buổi triển làm gồm bản Tiếng Việt và Tiếng Anh. Ảnh: TRỌNG HUY
Bản đồ huyện đảo Hoàng Sa được trưng bày tại buổi triển làm gồm bản Tiếng Việt và Tiếng Anh. Ảnh: TRỌNG HUY
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân và cán bộ đoàn Sở Xây dựng tham quan buổi triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân và cán bộ đoàn Sở Xây dựng tham quan buổi triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
Chiến sĩ trẻ tham quan bảo tàng. Ảnh: TRỌNG HUY
Chiến sĩ trẻ tham quan bảo tàng. Ảnh: TRỌNG HUY
Một khách tham quan triển lãm chụp ảnh hình ảnh trưng bày về hoạt động trên biển của ngư dân Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Khách tham quan triển lãm chụp lại hình ảnh trưng bày về hoạt động trên biển của ngư dân Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Một bức tranh về chiến thuyền gắn đại bác thời Tự Đức trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
Bức tranh về chiến thuyền thời Tự Đức trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
Khách tham quan gian trưng bày buổi triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY
Khách tham quan gian trưng bày buổi triển lãm. Ảnh: TRỌNG HUY

 

Tác giả: LÊ NA

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan