BỨC THƯ CỦA THẦY GIÁO NGUYỄN TẤT THÀNH GỬI HỌC TRÒ TRƯỜNG DỤC THANH

“Các trò thân yêu! Thầy biết là các trò rất yêu mến Thầy. Nhưng Thầy không thể ở lại trường Dục Thanh dài hơn nữa, dạy thêm cho các trò những bài học, kể thêm những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa cho các trò nghe. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập tự do kêu gọi Thầy dấn bước ra đi. Cho nên Thầy để lại lời từ giã mà không tiện gặp đầy đủ các em trước lúc lên đường. Thầy ra đi nhưng lòng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người.

Các trò thương mến, Thầy đi xa, lòng vẫn nhớ, vẫn gần các trò. Thầy đã không kịp mua sách, Thầy để lại hai đồng bạc góp vào Quỹ thư viện trường Dục Thanh của chúng ta.

Chúc các trò tấn tới!
Hồn nước gọi chúng ta lên phía trước!
Ngày… tháng 10 năm 1910
Nguyễn Tất Thành”

Quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành đến người cộng sản Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, khổ luyện trong mọi khó khăn, gian khổ để rèn luyện đạo đức, ý chí cách mạng của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Vì vậy, nhà nghiên cứu Đào Phan đã dành tình cảm đặc biệt khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò người Thầy, : “Nếu không có sự lựa chọn từ Phan Thiết của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành để hoá thân vào giai cấp công nhân, thì làm sao có sự lựa chọn từ Pari của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc để đi đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin… Nếu không có sự quyết định từ Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thì làm sao có những quyết định từ Quảng Châu, Hương Cảng, Tân Trào, Hà Nội… của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với tiền đồ của Tổ quốc? Trong cách xử trí đối với thời đại qua một sự lựa chọn rất độc đáo từ bấy giờ, thiên tài của thầy giáo trẻ tuổi ở trường Dục Thanh quả đã báo trước sự lỗi lạc của vị Chủ tịch nước Việt Nam”.

Những năm tháng dạy học ở trường Dục Thanh tuy không dài, nhưng thầy Thành đã nhận được những tình cảm yêu thương, quyến luyến của các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân ở nơi đây. Tại mái trường này, thầy đã có thêm nhiều trải nghiệm mới, rèn luyện bản thân, tích lũy thêm nhiều kiến thức, vốn sống để làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước.

Ngành Giáo dục nước nhà tự hào vì có người thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Dù năm tháng có trôi qua, thầy giáo Nguyễn Tất Thành vẫn mãi là tấm gương sáng ngời về nhân cách, đạo đức người Thầy.

Báo Xây dựng Đảng

Bài viết liên quan