Vai trò của phương tiện công tác tư tưởng trong đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch
Trong đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch, các phương tiện công tác tư tưởng giữ một số vai trò chủ đạo sau đây:
Thứ nhất, nhận diện, phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch.
Các PTCTTT là lực lượng vật chất trực tiếp tác động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội, cung cấp những nội dung tư tưởng sâu sắc mang tính định hướng và tính chiến đấu cao. Những nội dung này sẽ được cấp ủy các cấp cụ thể hóa trong bối cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị để đưa ra những cảnh báo đến mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ đó thúc đẩy nhận thức, thái độ và hành động kiên quyết trong đấu tranh với các QĐSTTĐ.
Ở chiều ngược lại, các PTCTTT giống như một hệ thống “cảm biến thông minh”, sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin dù là nhỏ nhất về những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân và đưa về trung tâm xử lý, mà trực tiếp là cấp ủy, Ban Tuyên giáo, Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, bất mãn luôn sẵn sàng có mặt ở mọi nơi, rình rập, bám sát và bằng mọi phương thức, thủ đoạn hòng vẽ ra con đường và dồn dập tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu không có “thế trận lòng dân”, không có các PTCTTT thường xuyên, liên tục tiếp nhận và phản ánh những biến động trong đời sống xã hội thì chắc chắn chúng ta khó tránh khỏi bị động, bất ngờ. Vì thế các PTCTTT còn có vai trò quan trọng trong việc nhanh chóng phát hiện mầm mống những QĐSTTĐ từ khi chúng mới manh nha hình thành.
Thứ hai, phân tích, dự báo xu hướng hình thành và phát triển của các quan điểm sai trái, thù địch.
Về mặt lý thuyết, PTCTTT được bố trí ở khắp mọi nơi, đó có thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với hoạt động tuyên truyền miệng; đó cũng có thể là các báo điện tử, tạp chí điện tử, fanpage, các tài khoản mạng xã hội… Ngoài việc truyền tải những nội dung tư tưởng của chủ thể công tác tư tưởng đến với đối tượng, các PTCTTT còn có thể tiếp nhận những thông tin phản hồi từ đối tượng truyền về chủ thể. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, các phương tiện cũng có những bước chuyển lớn trong ứng dụng công nghệ mới, tính năng tương tác hai chiều ngày càng phát triển.
Cũng như trong phát hiện và nhận diện, vai trò của các PTCTTT trong phân tích và dự báo xu hướng hình thành và phát triển của các QĐSTTĐ bao gồm hai giai đoạn có quan hệ mật thiết với nhau: Thứ nhất, giai đoạn các QĐSTTĐ cụ thể chưa nảy sinh. Thứ hai, giai đoạn các QĐSTTĐ hình thành và phát triển.
Trong giai đoạn thứ nhất, các PTCTTT vừa cung cấp thông tin về đời sống xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, khách quan, toàn diện và sâu sắc; vừa có nhiệm vụ phân tích làm rõ những khía cạnh mà các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc, thổi phồng hòng lôi kéo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về phía đối lập với Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, với từng bối cảnh cụ thể, các PTCTTT phải đưa ra được những dự báo, dự đoán về sự việc, hiện tượng dễ nảy sinh các QĐSTTĐ. Chúng ta có thể coi đây chính là giai đoạn tiêm “vắc xin tư tưởng” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để hình thành ý thức trong đấu tranh ngăn chặn QĐSTTĐ.
Trong giai đoạn thứ hai, khi QĐSTTĐ của các thế lực thù địch, phản động đã hình thành và tìm cách thâm nhập vào đời sống xã hội, các PTCTTT phải nhanh chóng thu thập và xử lý những thông tin liên quan. Việc phân tích và dự báo về xu thế phát triển của các QĐSTTĐ lúc này vừa phục vụ cho chủ thể công tác tư tưởng ra các quyết định trong công tác ngăn chặn, vừa phục vụ cho quá trình tác chiến tư tưởng.
Hiện nay, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, mau chóng, một số PTCTTT có khả năng tự động thu thập và xử lý thông tin, cung cấp thông tin tự động theo chủ đề, theo sở thích và nhu cầu đến từng đối tượng một cách chính xác. Đặc biệt, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội có khả năng điều chỉnh, tăng hoặc giảm từng loại thông tin đến với từng loại đối tượng khác nhau. Ở Việt nam hiện có trên 70% dân số sử dụng interent, đây là một lượng rất lớn đối tượng của công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng internet, mạng xã hội của công tác tư tưởng hiện nay có xu hướng chia nhỏ thời gian cho nhiều nội dung thông tin. Do đó, vai trò phân tích và dự báo thông tin, đặc biệt là dự báo xu hướng hình thành và sự phát triển của các QĐSTTĐ ở nước ta hiện nay, của các PTCTTT ngày càng chiếm vị trí quan trọng.
Thứ ba, tổ chức lực lượng, phương tiện để cô lập quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản động không để chúng lây lan và không để quan điểm sai trái, thù địch hình thành trong xã hội.
Mỗi PTCTTT đều có những ưu thế và hạn chế nhất định, đều có những đối tượng, nhóm đối tượng riêng, có những không gian thông tin riêng. Bên cạnh đó, mỗi đối tượng, nhóm đối tượng lại cùng lúc có thể tham gia nhiều không gian thông tin khác nhau. Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động cũng không từ một thủ đoạn nào, sử dụng rất đa dạng các phương tiện phản cách mạng để tấn công nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ta. Vì thế, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn các QĐSTTĐ, các PTCTTT cần phải tích cực, chủ động phối kết hợp với nhau để xây dựng lực lượng với đa dạng các phương tiện cùng tham gia. Có như vậy, chúng ta mới làm chủ không gian thông tin, ngăn chặn một cách có hiệu quả các QĐSTTĐ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao giải Nhất cho PGS, TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. |
Khi được phối hợp chặt chẽ, các PTCTTT sẽ hình thành những chuỗi thông tin cùng hoạt động để tạo nên những “dòng chảy” thông tin chính thống, tích cực trong đời sống xã hội. Từ đó tạo nên những lớp lá chắn bảo vệ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân khỏi các QĐSTTĐ. Đồng thời, qua đó các PTCTTT có thể khoanh vùng, cô lập để hạn chế tối đa việc các QĐSTTĐ lây lan trong đời sống xã hội. Hoặc kể cả khi chúng có thể tiếp cận thì cũng vấp phải thái độ cự tuyệt của quần chúng nhân dân bởi đã được trang bị “vắc xin tư tưởng”.
Trong đấu tranh tư tưởng, việc các PTCTTT tích cực, chủ động phối hợp với nhau để tổ chức lực lượng và phương tiện giữ vai trò quan trọng và trực tiếp góp phần ngăn chặn các QĐSTTĐ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều đó được thể hiện rất rõ trên thực tế. Bởi sự phối hợp các PTCTTT sẽ làm gia tăng khả năng tác động đến nhận thức của đối tượng khi thông tin xuất hiện trên nhiều loại hình PTCTTT khác nhau. Đồng thời, sự phối hợp đó sẽ làm tăng khả năng tác động rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Một điều quan trọng là việc các PTCTTT phối hợp, cùng tổ chức lực lượng và phương tiện sẽ tạo ra một hệ sinh thái thông tin, qua đó hình thành điểm tựa tin cậy về thông tin, là địa chỉ kiểm chứng các thông tin trong đời sống xã hội.
Thứ tư, phối hợp kiểm tra, đánh giá hiệu quả ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch.
Việc các PTCTTT kiểm tra, đánh giá lẫn nhau là một hoạt động thường xuyên được quy định bởi những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Dựa trên Cương lĩnh, Điều lệ, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó mỗi PTCTTT tự rút ra những kinh nghiệm, chia sẻ những đổi mới, sáng tạo; phát huy điểm mạnh, khắc phục, sửa chữa những yếu kém, bất cập và khiếm khuyết để ngày càng nâng cao hiệu quả trong quá trình ngăn chặn các QĐSTTĐ.
Hiện nay, các PTCTTT hầu hết đều có khả năng tương tác cao và có thể kết hợp với nhiều công cụ, phương tiện khác để đo đạc các chỉ số về nhận thức, thái độ, niềm tin và tâm thế sẵn sàng hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tư tưởng thường khó đo đếm ngay lập tức mà phải trải qua một quá trình, có thể dài hoặc ngắn tùy vào sự việc, hiện tượng, vấn đề mà chủ thể nêu ra. Do đó, để đánh giá hiệu quả ngăn chặn QĐSTTĐ, chúng ta cần thu thập thông tin, thu thập số liệu từ nhiều PTCTTT khác nhau. Yêu cầu khách quan đó đòi hỏi các PTCTTT phải phối hợp trong kiểm tra, đánh giá hiệu qua ngăn chặn các QĐSTTĐ.
Thứ năm, duy trì hoạt động phối hợp trong tương lai, chủ động, tích cực ngăn chặn có hiệu quả từ sớm, từ xa các quan điểm sai trái, thù địch.
Một mặt, việc duy trì hoạt động phối hợp của các PTCTTT cũng chính là duy trì những dòng chảy thông tin chính thống, duy trì bảo vệ không gian thông tin và duy trì, củng cố mối quan hệ gắn bó của chủ thể công tác tư tưởng với đối tượng. Điều đó giúp cho chủ thể công tác tư tưởng không bị động, bất ngờ và không bị mất trận địa thông tin trước những QĐSTTĐ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Để giữ vững vai trò này đòi hỏi các PTCTTT không những phải phối hợp chặt chẽ mà còn phải thường xuyên chủ động và tích cực cung cấp những nội dung tư tưởng quan trọng, những thông tin đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó góp phần củng cố và tăng cường lá chắn bảo vệ đời sống tinh thần và nhận thức của mỗi người dân, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.
Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi phương thức, thủ đoạn không ngừng chĩa mũi nhọn vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi cấp bách, thường xuyên, liên tục. Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Điều kiện khách quan đó đặt ra cho công tác tư tưởng nói chung và các PTCTTT nói riêng yêu cầu rất cao về tính sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trước những QĐSTTĐ của các thế lực thù địch, phản động. Do đó, việc duy trì hoạt động phối hợp của các PTCTTT một cách thường xuyên, liên tục là hết sức cần thiết và là yêu cầu bắt buộc trong đấu tranh ngăn chặn các QĐSTTĐ./.
ThS. NGUYỄN HỮU DŨNG
Học viện Báo chí và Tuyên Truyền