Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi
Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi
Với tinh thần vì một cộng đồng an toàn, “chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng với quyết tâm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động nhân đạo trên địa bàn.
Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức khánh thành, bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trong năm 2020. (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ thành phố cung cấp, chụp thời điểm không có Covid-19) |
Theo đó, Hội CTĐ tiếp tục tham mưu, tổ chức hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Đồng thời, nâng cao khả năng thích ứng và năng lực vận động nhân đạo; xác định hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo, hiến máu, mô, tạng; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; phòng ngừa, ứng phó thảm họa là hoạt động nền tảng, thường xuyên.
Hơn 243 tỷ đồng hỗ trợ nhân đạo
243,125 tỷ đồng là tổng giá trị mà Hội CTĐ thành phố đã vận động (bao gồm các hoạt động CTĐ trong trường học) trong nhiệm kỳ 2016-2021, hỗ trợ trực tiếp trên 557.664 lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và những cộng đồng yếu thế trong và ngoài thành phố.
Trong đó, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được Ban Thường vụ Thành ủy, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đánh giá cao, thông qua việc kêu gọi 5.962 lượt tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng trị giá hơn 43 tỷ đồng, trợ giúp 15.979 địa chỉ nhân đạo. Hơn 10 năm thực hiện, đến nay, 7/7 quận ủy, huyện ủy và 9/9 đảng ủy trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cơ sở Đảng cùng tham gia, tạo sự lan tỏa, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của thành phố.
Cùng với đó, Hội CTĐ thành phố duy trì thường xuyên chương trình “Tết vì người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam”, giúp đỡ trung bình 20.000 lượt người/năm. Để chương trình hiệu quả, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc rà soát đối tượng hỗ trợ, kết nối đối tác, huy động mọi nguồn lực trao tặng quà Tết.
Sau 4 năm thực hiện Tháng Nhân đạo (tháng 5 hằng năm) do Trung ương Hội phát động, Hội CTĐ thành phố hỗ trợ 18.251 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị gần 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội duy trì thường xuyên hoạt động cứu trợ đột xuất, lan tỏa thông điệp “CTĐ vì mọi người, ở mọi nơi”.
Các chương trình trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe ban đầu, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu, khám chữa bệnh nhân đạo, hiến máu, hiến mô, tạng nhân đạo được thực hiện song song với công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng tình nguyện viên về chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được Hội CTĐ phối hợp Sở Y tế triển khai thực hiện.
Đặc biệt, các cấp hội thành lập 24 điểm sơ cấp cứu CTĐ do Sở Y tế cấp phép hoạt động, tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ. Đến nay, có 8.670 người trở thành tình nguyện viên sơ cấp cứu CTĐ, trang bị kỹ năng cấp cứu cho 16.540 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, giáo viên, lái xe, công nhân tại các doanh nghiệp, đạt 8,4% dân số Đà Nẵng (vượt 0,4% chỉ tiêu nhiệm kỳ).
Ngoài ra, công tác vận động hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng được các cấp hội quan tâm, thực hiện. Kết quả, vận động 416 người đăng ký hiến mô, tạng, 172.958 đơn vị máu, với tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện đạt 3% (chỉ tiêu cả nước là 1,5%), trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện nhiều năm liền.
Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chuyên nghiệp
Mục tiêu tổng quát được Hội CTĐ thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra là xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chuyên nghiệp; thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối công tác nhân đạo của thành phố; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và giáo dục lòng nhân ái, lan tỏa tinh thần nhân đạo.
Đồng thời, nâng cao vai trò tham mưu, tổ chức hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cũng như nâng cao khả năng thích ứng và năng lực vận động nhân đạo.
Nhiệm kỳ mới, Hội CTĐ bám sát tiêu chí 100% khu dân cư có chi hội CTĐ; hơn 70% trường học tổ chức hiệu quả hoạt động CTĐ; phát triển 40 tổ chức hội CTĐ tương đương cấp huyện và cấp xã trong các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan và các tổ chức tôn giáo.
Ngoài ra, củng cố mạng lưới 15.000 hội viên, 2.000 tình nguyện viên CTĐ, 100% cán bộ hội và tình nguyện viên được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng có liên quan đến hoạt động hội và phong trào CTĐ. Tổ chức hỗ trợ 15.000 địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ đột xuất 150.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; thực hiện 10 công trình nhân đạo cấp thành phố, 40 công trình nhân đạo cấp huyện trong “Tháng nhân đạo”.
Phấn đấu từ 10% dân số được trang bị kiến thức về phòng tránh tai nạn, thương tích và sơ cấp cứu, 100% các cấp hội xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế. Vận động 3% dân số hiến máu, 100% tổ chức hội xây dựng đội hình/lực lượng hiến máu dự bị; hướng dẫn, trang bị kiến thức kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trên 70% số hộ thuộc diện di dời, sơ tán; 100% các cấp hội xây dựng Quỹ hoạt động CTĐ hoặc các quỹ trợ giúp nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp. Phấn đấu nhiệm kỳ 2021-2026, vận động các nguồn lực nhân đạo đạt 200 tỷ đồng.
Để công tác nhân đạo hiệu quả, Hội CTĐ tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND thành phố xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, liên quan công tác tổ chức hội và công tác vận động hiến máu, mô, tạng nhân đạo; cơ chế vận động nguồn lực cho Quỹ hoạt động CTĐ, ban hành đề án huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ cho đội ngũ giáo viên tiểu học, THPT và đề án xây dựng trường học an toàn.
Đồng thời, tăng cường phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đưa cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, vận động ủng hộ người dân bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… đi vào thực chất, phát huy tốt vai trò cầu nối, điều phối của hội trong công tác nhân đạo.
Song song với nhiệm vụ kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, phát triển mạng lưới cộng tác viên, Hội CTĐ thành phố tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo… chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ hội cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, cũng như đưa các “địa chỉ nhân đạo” vào quản lý, điều phối tại ngân hàng “địa chỉ nhân đạo” và trên hệ thống thông tin nhân đạo điện tử – iNHANDAO, góp phần chủ động nguồn lực để không người yếu thế nào bị bỏ lại phía sau.
Hội CTĐ thành phố hiện có 9 đơn vị cấp quận, huyện và tương đương; 87 đơn vị cấp xã và tương đương. Ngoài ra, các cấp hội thành lập, quản lý 1.289 chi hội trực thuộc, bảo đảm 100% khu dân cư có tổ chức hội; 66 CLB, đội/nhóm và các loại hình hoạt động nhân đạo khác. Các Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện và Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.
|
LÊ THỊ NHƯ HỒNG, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố