Bài giảng điện tử cho học sinh, sinh việc được dùng miễn phí

THÊM HƠN 2.000 BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ HÒA MẠNG ĐỂ GIÁO VIÊN, HỌC SINH DÙNG MIỄN PHÍ

2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) được đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước.

Nhân Ngày chuyển đổi số Việt Nam 10-10 và hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 8-10, Bộ GD-ĐT trao giải cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tiền thân là Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng elearning do Bộ GD-ĐT chủ trì từ năm 2010, đây là lần thứ 5 cuộc thi được tổ chức.

Cuộc thi nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành GD-ĐT, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Bộ GD-ĐT cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cuộc thi có ý nghĩa thiết thực triển khai lộ trình chuyển đổi số ngành GD-ĐT. Cuộc thi ngay từ lần đầu tổ chức đã tạo ra phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước.

Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp huyện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên tham gia, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học tới từng nhà trường, từng giáo viên.

Nhiều diễn đàn, nhiều kênh giao tiếp được lập ra trên môi trường mạng để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bài giảng điện tử, trao đổi nghiệp vụ rất sôi nổi. Sau mỗi lần cuộc thi đươc tổ chức, phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử lại được lan tỏa sâu rộng hơn, chất lượng hơn, tích cực hơn.

Năm 2021 là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoàn toàn và các bài giảng lớp 1, lớp 2, lớp 6 được soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù vậy số lượng sản phẩm dự thi cao gấp nhiều lần các cuộc thi trước với 42.983 bài giảng (cuộc thi lần thứ 4 chỉ có khoảng 9.000 sản phẩm dự thi); số lượng sản phẩm soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chiếm 25%.

Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng. Trong đó, có 12 giải nhất, 25 giải nhì, 29 giải ba, 40 giải khuyến khích, 6 giải ý tưởng sáng tạo và 100 giải phong trào.

Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước.

Từ nhiều năm trước, kho học liệu này đã được giới thiệu đến tất cả các địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn quốc để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-10 bùng phát, học sinh không được đến trường.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cuộc thi không những giúp thầy cô làm quen và làm chủ công nghệ, công cụ mà còn tích cực đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học, trau dồi kỹ năng, công nghệ. Qua cuộc thi, Bộ GD-ĐT đánh giá cao tinh thần học hỏi lẫn nhau và học hỏi chính mình của các thầy cô giáo. Mỗi thầy cô tự học, tự phát triển sẽ giúp xây dựng một xã hội học tập.

“2.130 bài giảng được đưa lên kho học liệu số dùng chung sẽ là những học liệu ý nghĩa cho thầy cô, học sinh cả nước. Với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, từng slide, từng video, từng hình ảnh của thầy cô trong bài giảng điện tử đều chất chứa niềm tin, niềm hy vọng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

 

Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu kho học liệu này, đáp ứng nhu cầu học tập không chỉ trong ngành GD-ĐT mà cho toàn xã hội cùng khai thác, sử dụng.

Bài viết liên quan