Hồi ức về mùa thu lịch sử

HỒI ỨC ĐẶC BIỆT VỀ MÙA THU LỊCH SỬ

“Đó là những giây phút rạo rực nhất cuộc đời. Cảm giác được làm chủ trên chính mảnh đất mình sống đến bây giờ vẫn vô cùng xúc động. Đối với tôi, Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt vĩ đại” – cụ Hà Văn Tải chia sẻ với giọng đầy tự hào.

Ký ức không quên

Chiều một ngày cuối tháng 8, cụ Hà Văn Tải (93 tuổi) đón chúng tôi tại căn nhà – nơi gia đình sinh sống ở xã Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những ký ức về năm tháng hoạt động cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như đang sống lại…

Trong câu chuyện với phóng viên, cụ Tải kể về những ngày đầu tham gia cách mạng. Năm 14 tuổi, từ xã Giai Lạc (nay là xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), cậu bé Hà Văn Tải thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Những ngày trọ học, cậu bé tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than cơ cực của người dân lao động nghèo ở thị xã miền Trung này.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bầu trời TP.Vinh đỏ lừ vì pháo sáng. Sáng hôm sau, Hà Văn Tải cùng bạn bè đi học thì nghe tin trường đã bị Nhật chiếm đóng. Cậu học trò đành ôm cặp sách về quê ở xã Phúc Thành.

Và, cậu bé Hà Văn Tải đã bén duyên với cách mạng, khi mới tròn 15 tuổi. “Cán bộ Việt Minh xã gọi mấy anh em học sinh lên nói chuyện. Nhiệm vụ của anh em học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là viết khẩu hiệu “Ủng hộ người bị đói” dán khắp làng từ đình làng, gốc đa hay bờ tường của các gia đình địa chủ. Tôi được giao làm liên lạc cho Việt Minh xã” – Cụ Tải kể tiếp.

Tháng 7/1945, tổ chức Việt Minh xã Giai Lạc họp, Hà Văn Tải được giao nhiệm vụ tập hợp các bạn thiếu niên trong xã để “làm nhiệm vụ mật”. Sau một thời gian ngắn luyện tập đội hình, đội ngũ, Hà Văn Tải mới được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8/1945. Đến ngày 25/8, nhân dân các xã dưới sự chỉ huy của Việt Minh từ 3 hướng ùn ùn kéo về dinh quan huyện Lưu Văn Xân. Hà Văn Tải dẫn đầu đội thiếu niên, hòa cùng dòng người hừng hực khí thế bước đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”.

Ông Tải nhớ lại, khi đoàn người tới nơi thì thấy quan huyện Lưu Văn Xân đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4-5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện đứng lên tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó, Lưu Văn Xân đứng lên, cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng.

Đáng nhớ nhất, ngày 3/9/1945 tin tức truyền về, ở ngoài Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thể giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, cậu bé Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.

“Không có Đảng, tôi không thể có ngày hôm nay”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và “Tuần lễ Vàng”, Hà Văn Tải say sưa hòa mình vào dòng chảy của cách mạng. Với kiến thức đã học được ở Trường Quốc học Vinh, Hà Văn Tải tham gia dạy bình dân học vụ cho người dân trong vùng.

Năm đó, chưa đầy 18 tuổi, Hà Văn Tải được kết nạp vào hàng ngũ Đảng, sau 2 tháng thì được điều lên làm Chánh văn phòng Huyện ủy và trở thành Huyện ủy viên khi tròn 19 tuổi. Ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau rồi giữ vị trí Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Khối cơ quan Dân Chính Đảng cho đến khi nghỉ hưu.

Trong quá trình công tác, cụ Tải vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, cuối năm 2017, cụ Hà Văn Tải vinh dự được đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Và bây giờ đã bước sang tuổi 93 nhưng cụ vẫn miệt mài viết sách báo…

“Không có Đảng, không có Cách mạng, không có Bác Hồ thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Đó là bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi” – ông Tải rưng rưng xúc động.

Cho tới nay, mỗi lần lật giở từng trang giấy đã ngả màu theo thời gian, Cụ Tải cười móm mém bảo: “Ở tuổi này rồi, tôi không nghĩ sẽ làm gì cho riêng mình mà chỉ muốn viết để con cháu biết về lịch sử dòng họ, quê hương và vùng đất của mình. Đây có lẽ cũng là kho báu quý giá nhất tôi muốn gửi tới mai sau…”.

Sự xác tín đó cũng là niềm tin sắt son của người con xứ Nghệ, người cán bộ cách mạng lão thành và cũng là của những người quý giá, yêu chuộng hòa bình trên đất Việt.

HT

Bài viết liên quan