Cặp đôi 8X Đà Nẵng – Quảng Nam khiến nhiều người ‘ngã ngửa’ khi quyết định bỏ phố về quê trồng rau thủy canh
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng cùng với niềm đam mê trồng vườn mãnh liệt, đôi bạn trẻ 8X ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã quyết định rời bỏ phố thị với mức lương hấp dẫn để cùng nhau về quê khởi nghiệp lại từ đầu với mô hình trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đôi bạn trẻ 8X đang khiến nhiều người phải “ngỡ ngàng” với quyết định bỏ công việc ổn định nơi thành thị để về quê khởi nghiệp thành nông dân đó không ai khác chính là anh chàng Huỳnh Tiến Sĩ (sinh năm 1982, quê ở Đà Nẵng) và anh Hồ Công Thái (sinh năm 1981, quê ở Quảng Nam).
Có thể nói, đối với nhiều người, để có một công việc ổn định mà thu nhập hấp dẫn không phải là điều dễ dàng gì, nếu không muốn nói đó là niềm khát khao hay mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, trong suy nghĩ của Sĩ và Thái lại khao khát xây dựng được cho mình một sản phẩm riêng, một thương hiệu riêng nên hai đã quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp.
Khoảng 1 năm về trước, sau khi nhận thấy nhu cầu rau sạch được người dân trong vùng đặc biệt quan tâm, cả Sĩ và Thái đều đã quyết định bỏ phố về địa phương mình để trồng rau thủy canh.
Mô hình rau thủy canh hồi lưu của hai Huỳnh Tiến Sĩ (bên trái) và anh Hồ Công Thái (bên phải) đã bước đầu mang lại hiệu quả và được thị trường đón nhận.
Liên hệ với anh Huỳnh Tiến Sĩ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị dưới đây:
PV: Xin chào anh Huỳnh Tiến Sĩ! Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân cũng như người bạn “cộng tác” cùng anh trong mô hình trồng rau thủy canh này được không?
Tôi tên đầy đủ là Huỳnh Tiến Sĩ, sinh năm 1982, quê ở Đà Nẵng. Còn anh bạn “cộng sự” với tôi trong mô hình này là anh Hồ Công Thái, sinh năm 1981, quê ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trước khi đến với mô hình trồng rau thủy canh này, hai anh đã làm nghề gì?
Năm 2008, tôi tham gia vào công việc cho ngành hàng tiêu dùng P&G. Vào đây làm việc, tôi đã quen với anh Hồ Công Thái, kể từ đó chúng tôi gắn bó thân thiết với nhau như an hem, bằng hữu.
Từ năm 2008 – 2010, tôi làm ở vị trí Trưởng phòng cung ứng phục vụ khách hàng 6 tỉnh Miền trung. Từ 2010 – 2015, tôi chuyển qua vị trí giám sát kinh doanh, quản lý một số tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn.
Đến năm 2015, tôi chuyển qua Nhà máy nước yến Thiên Việt với vai trò Trưởng phòng Kế hoạch và Hậu cần, làm được khoảng 2 năm thì tôi nghỉ hẳn để về quê mở trang trại thủy canh.
Còn anh Hồ Công Thái – Người bạn đồng hành cùng tôi trong trang trại thủy canh này cũng đã từng có 9 năm kinh nghiệm làm việc cho nhãn hàng P&G với vai trò bán hàng và giám sát kinh doanh.
Đến năm 2014, anh Thái chuyển qua giám sát Nhà phân phối của Pepsi trên địa bàn thị trấn Hà Lam và Vĩnh Điện. Đến năm 2017, anh ấy cũng quyết định xin nghỉ việc về làm thủy canh chung với tôi.
Với dòng sản phẩm trồng theo phương pháp sạch, an toàn đã chinh phục được những khách hàng khó tính tại thị trường Đà Nẵng, Hội An để có đầu ra ổn định.
Tại sao anh lại bỏ nghề cũ để về thực hiện mô hình trồng rau thủy canh?
Công việc nào cũng là công việc, nhưng trên phương diện kinh doanh, tôi mong muốn tạo dựng cho mình một sản phẩm riêng, một thương hiệu riêng và có thể tự mình thực hiện, tự mình kinh doanh.
Thực sự ai cũng mong muốn mình có công ty riêng, được tự mình kinh doanh, tự mình vận hành mà không phải đi làm thuê, làm mướn. Nhưng để dám từ bỏ mức lương cao, dám từ bỏ công việc ổn định ra làm riêng thì không phải ai cũng làm được, đa phần con người thích lẩn quẩn trong vòng an toàn của cuộc sống mà ít muốn đánh đổi.
Nói thật, bỏ nghề cũ tôi cũng tiếc lắm, nhưng biết làm sao được! Vì mục tiêu dài hạn nên tôi đã quyết định nghỉ việc để về thực hiện ước mơ của tôi. Bởi bản thân tôi nghĩ rằng nếu thực hiện trong lúc mình còn sung sức, khỏe mạnh thì sẽ dễ tạo nền tảng, tạo tiền đề vững chắc cho sau này.
Từ đâu anh lại có ý định trồng rau bằng mô hình thủy canh mà không phải là một mô hình khác?
Với mong muốn có sản phẩm đầu tay nên tôi cũng đã nghiên cứu nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, suy đi xét lại thì tôi lại thích sự gần gũi với thiên nhiên và đã quyết định chọn cho mình ngành nông nghiệp sạch để bắt đầu “khởi nghiệp” ở độ tuổi 35.
Ban đầu, tôi cũng ấp ủ nhiều tham vọng, nhiều dự định với mô hình VAC, nhưng vì ở Đà Nẵng không có đất để đầu tư nên những dự án đó cũng phải tạm dừng dang dở. Sau đó, tôi đã nảy sinh ra ý định vào Quảng Nam thuê đất.
Tưởng rằng mọi thứ có thể “đầu xuôi đuôi lọt”, nhưng nào ngờ tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc này. Khó khăn lớn nhất đó chính là do không phải là người dân ở đây nên khi gửi dự án thuê đất nhiều lần nhưng vẫn phải chờ chính quyền địa phương xét duyệt.
Và trong lúc chờ đợi được cấp đất, tôi đã nghĩ rằng: “Sao mình không xây dựng mô hình nào mà tốn ít đất hơn nhỉ, bởi vì nếu quyết định xây dựng mô hình VAC thì phải cần diện tích đất rộng”.
Qua nghiên cứu sách, báo và mạng Internet, tôi đã biết đến mô hình trồng rau thủy canh. Tự mày mò xem xét và tìm hiểu qua các clip, video đăng tải trên Youtube, tôi thấy thích mô hình này rất nhiều.
Sở dĩ vậy là bởi trồng rau bằng mô hình thủy canh thì không cần phải diện tích đất rộng như mô hình VAC và có thể trồng trên đất nào cũng được. Chưa kể, mô hình này đều sử dụng máy móc, trang thiết bị tự động nên ít sử dụng nhân công, lại không phải cày cuốc, chân lấm tay bùn.
Nhận thấy mô hình này khá phù hợp và có thể giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc mà mình đang gặp phải nên tôi đã quyết định lựa chọn phương pháp trồng rau thủy canh này.
Hiện thị trường rất yêu chuộng sản phẩm sạch, an toàn nên trồng đến đâu bán hết đến đó.
Mô hình này của anh được thành lập từ khi nào, với tổng diện tích là khoảng bao nhiêu?
Được thành lập vào ngày 30/4/2017 với tổng diện tích lên đến 2.000m2, mô hình trồng rau thủy canh này của tôi hiện đang xếp vào hàng lớn nhất nhì tại địa phương.
Để thành lập được vườn rau đó, anh phải đầu tư mất bao nhiêu tiền và số tiền đó được lấy từ đâu?
Để có được một mô hình trồng rau thủy canh hiện đại như ngày hôm nay, ban đầu chúng tôi cũng phải bỏ ra một số tiền rất lớn, lên đến gần 1 tỷ đồng. Nhưng may mắn thay là không phải đi mượn, mà chủ yếu là tiền hai anh em tích góp được sau nhiều năm đi làm.
Đồng thời, để tiết kiệm chi phí đầu tư, chúng tôi đã phải tự đi mua sắt, màn PE, lưới mát và toàn bộ vật dụng về tự tay thiết kế toàn bộ khu vườn 2.000m2. Do vậy chúng tôi cũng tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với thuê người làm.
Trước đó, anh đã có hiểu biết gì về mô hình này hay chưa?
Tôi tình cờ xem được mô hình trồng rau thủy canh trên Youtube và sau gần 3 tháng tự mày mò, nghiên cứu thì cuối cùng mô hình này của tôi cũng được ra đời. Tuy nhiên, khi lên bản vẽ thì thay đổi hoàn toàn so với cách làm mà trên clip, hình ảnh họ dạy.
Bởi do điều kiện thời tiết khu vực miền Trung không giống như các nơi khác, bão nhiều và nắng nóng nhiều nên cần phải thiết kế mô hình sao cho phù hợp, chịu được bão và giải tỏa được nắng nóng để tránh cây chết héo.
Hiện hai anh đang định mở rộng mô hình, đồng thời phổ biến kiến thức cho người dân để cùng làm theo và sẽ bao tiêu sản phẩm cho ai có nhu cầu.
Trong quá trình làm, anh có gặp nhiều khó khăn hay không?
Toàn bộ mô hình này do chúng tôi tự tự thiết kế, tự lắp đặt nên cũng gặp không ít những khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là do không tham khảo được mô hình mẫu nào, bởi những mô hình trước đó lại không phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu ở miền Trung nên chúng tôi đã phải tự mình phải nghiên cứu, tính toán làm sao cho vừa đem lại hiệu quả cao nhưng vừa lại tiết kiệm chi phí một cách tối đa nhất nên cũng tốn khá nhiều thời gian cho việc lắp đặt hệ thống.
Khó khăn thứ hai là ban đầu chúng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian chăm sóc. Chỉ có những người đã từng làm rồi thì mới hiểu nó tiêu tốn thời gian của mình đến mức nào. Bởi gần như toàn bộ thời gian của chúng tôi đều dành hết cho mô hình này.
Khó khăn thứ ba là do thời tiết khí hậu ở đây không mấy ủng hộ như thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài quá mức cũng khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, đem lại năng suất thấp, hay đến mùa mưa bão, ngập lụt thì toàn bộ vườn rau gần như hư hỏng và bỏ trắng.
Hiện nay, trong vườn của anh trồng những loại rau gì?
Hiện tại trong vườn của tôi đang trồng 5 loại rau chính là xà lách Romaine, xà lách mỡ, xà lách Frise, xà lách lolo tím và rau muống.
Các loại rau này, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch phải mất bao lâu?
Mất khoảng 45 ngày thì các loại cây này sẽ cho thu hoạch.
Hiện nay, đầu ra của các loại rau này có ổn định hay không?
Đầu ra hiện nay của trang trại cũng khá ổn định, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và các khu Resort tại địa bàn Đà Nẵng, Hội An với mức giá từ 55 – 70.000 đồng/kg tùy thuộc vào từng loại rau. Ngoài ra, còn cung cấp thêm cho nhiều thương lái bên ngoài khác.
Hiện nay rau của trang trại hai anh được bán ra ngoại thị trường với mức giá từ 55 – 70.000 đồng/kg tùy thuộc vào từng loại rau.
Là người có kinh nghiệm đi trước trong lĩnh vực này, hiện nay, ngoài việc phát triển mô hình của mình, anh đã làm gì để giúp đỡ những bà con trong vùng đang có ý định trồng rau bằng mô hình này?
Với mô hình này thì đầu tư ban đầu khá cao nên bà con nông dân gần như không thực hiện được. Hiện nay trên địa bàn cũng có một số mô hình thủy canh khác nhưng quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng 150m2 trở xuống. Mặc dù được sự hỗ trợ, góp sức đầu tư từ huyện xã nhưng hầu hết những mô hình này lại không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do vậy, ngoài tự phát triển cho mô hình của mình, chúng tôi cũng thường xuyên liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra để giúp bà con nông dân ổn định hơn với nghề này.
Trong tương lai, anh đã có dự định gì hay chưa?
Trong thời gian tới, tôi rất mong muốn mở rộng mô hình trang trại và trồng thêm nhiều loại cây khác. Nhưng hiện tại, do tình trạng đất thuê đã bao phủ toàn bộ hết diện tích đất và không thể mở rộng thêm được nữa.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, toàn thể ban ngành tổ chức tạo điều kiện cho chúng tôi thuê thêm đất, hỗ trợ vay vốn để có thể mở rộng diện tích trồng trọt, gia tăng sản lượng rau sạch để phục vụ lại cho người dân.
Cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành và thú vị này!
Cùng xem thêm một vài hình ảnh về mô hình trồng rau thủy canh của hai anh Huỳnh Tiến Sĩ và Hồ Công Thái tại đây nhé:
Trồng rau thủy canh phải chú trọng khâu chọn giống.
Để có được vườn rau tươi tốt như vậy, các anh đã đặt mua hạt giống F1 có nguồn gốc Hà Lan với tỉ lệ nảy mầm cao trên 95% chống lại sâu bệnh và thích nghi tốt với môi trường.
Không gian bên trong trang trại trồng rau thủy canh của anh Sĩ và anh Thái.
Xung quanh vườn thủy canh được bao bọc bằng lưới ngăn côn trùng.
Trong trồng rau, các anh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học.
Mỗi mét vuông sản xuất theo phương pháp thủy canh sẽ cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với phương pháp sản xuất rau truyền thống.
Nguồn ảnh: NVCC