Đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiện nay
NHẬN DIỆN NHỮNG BIỂU HIỆN SAI TRÁI, LỆCH LẠC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Trong thời gian gần đây, trước những biến chuyển lớn lao trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà cũng có những thay đổi đáng kể. Về cơ bản, văn học, nghệ thuật đã phản ánh được cuộc sống muôn màu, góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và mang đến cho con người những giá trị sống tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng có những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Những biểu hiện đó thể hiện trên những phương diện cơ bản như sau:
Thứ nhất, do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường nên nhiều văn nghệ sĩ đã tuyên truyền lối sống thực dụng, vị kỷ, thích hưởng thụ, coi trọng giá trị vật chất vào đối tượng thanh niên, sinh viên thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giải trí, làm cho cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng dẫn tới không ít thanh niên, sinh viên khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, chuẩn mực sống và niềm tin của mình vào những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai, một số văn nghệ sĩ dễ dàng “chiều” theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, tìm cách quảng bá những tác phẩm chống chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của một số lãnh tụ cách mạng tiền bối; cố tình tôn vinh những kẻ đã và đang chống lại, đi ngược đường lối cách mạng của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”.
Thứ ba, một số văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ, thậm chí có những người trước đây vốn là những nhà văn cách mạng, đã từng có nhiều đóng góp tích cực cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nhưng bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lôi kéo, kích động nên quay sang bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng của dân tộc.
Thứ tư, có một số văn nghệ sĩ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, hạ bệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc, phủ nhận quan điểm Mác – Lênin về văn hóa – văn nghệ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, miêu tả cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của nhân dân ta như một cuộc nội chiến; chỉ đề cao một chiều các lý thuyết bắt nguồn từ thực tiễn văn học, nghệ thuật phương Tây, gây ra sự lệch chuẩn trong sáng tác cũng như nghiên cứu lý luận, phê bình văn nghệ.
Nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua không chỉ xuất phát từ nhận thức sai lầm và sự cố chấp của một số văn nghệ sĩ bất mãn với chế độ mà còn do sự móc nối, lôi kéo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đối với một số văn nghệ sĩ. Đối tượng văn nghệ sĩ mà các thế lực thù địch thường chú ý lôi kéo gồm: số văn nghệ sĩ do chế độ cũ đào tạo; những văn nghệ sĩ đã từng có vi phạm pháp luật, có quá khứ tham gia nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”; nhóm văn nghệ sĩ tuy đã tham gia kháng chiến cứu nước, nhưng hiện nay bất mãn, cực đoan, có sai phạm, lệch lạc trong sáng tác văn học,nghệ thuật; những văn nghệ sĩ trẻ, lập trường không vững vàng, chạy theo cơ chế thị trường trong cácsáng tác văn học, nghệ thuật…
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nayở nước ngoài có khoảng hơn 50 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hằng năm, có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng được đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau(1).
Một số văn nghệ sĩ, trí thức bị lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa, phản bội Tổ quốc, chạy trốn ra nước ngoài để truyên truyền chống Đảng, Nhà nước ta; hay có những nhà văn, trí thức đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thành những kẻ có quan điểm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Gần đây, một số văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, từng công tác, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật muốn vận động, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Tổ chức này đã mạo danh chấn hưng nền văn học để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối thông qua các hoạt động bất hợp pháp, chống phá Đảng và chế độ ta. Điều này cho thấy rõ biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Trên trang facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta.
Những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân trong thời gian qua, trong đó có giới trẻ. Có không ít người đã hoang mang, hoài nghi về lịch sử của dân tộc cũng như những thành quả cách mạng của nhân dân. Thậm chí có những người có tâm lý bi quan, chán nản, mất niềm tin vào những giá trị chân – thiện – mỹ. Vì vậy, cần phải có những cách thức phù hợp để đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch lạc đó nhằm bảo vệ giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI NHỮNG BIỂU HIỆN SAI TRÁI, LỆCH LẠC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Để chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay, cần chú ý đến những giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với những người làm việc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Có một thực tế là, không phải ai làm trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng có hiểu biết đầy đủ, thấu đáo về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Do đó, dễ có những biểu hiện lệch lạc, đi ngược lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, các cơ quan quản lý truyền thông, báo chí, hội văn học, nghệ thuật các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền cả cho những văn nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý hoạt động sáng tác, xuất bản văn học nghệ thuật. Nội dung và hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng văn nghệ sĩ.
Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là điều kiện tiên quyết đảm bảo hoạt động văn học, nghệ thuật đi đúng hướng.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, để khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực văn hóa nói chung, Đảng ta đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”(2). Đây cũng chính là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những biểu hiện sai trái, lệch lạc về văn học, nghệ thuật ở nước ta thời gian qua.
Cần phát huy vai trò của các đảng bộ, chi bộ ở các hội văn học, nghệ thuật trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các hội viên. Các cơ quan quản lý như Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch hay Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch các tỉnh, các hội, chi hội cần tăng cường quản lý hoạt động sáng tác, biểu diễn, xuất bản một cách chặt chẽ, tránh tình trạng buông lỏng quản lý để các hội viên tự do thái quá, có quy định, chế tài cụ thể để gắn các văn nghệ sĩ với trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện và ban hành bộ Quy tắc ứng xử của văn nghệ sĩ trên không gian mạng để kiểm tra, giám sát hoạt động của các văn nghệ sĩ trên mạng xã hội.
Thứ ba, đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã rà quét, phát hiện và xử lý những thông tin xấu độc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trên mạng xã hội. Sở dĩ những thông tin xấu độc về văn học, nghệ thuật lan tràn trên mạng xã hội trong thời gian qua là do chưa có cách thức để kiểm soát, xử lý. Những hoạt động chống phá trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được thực hiện trên mạng xã hội thời gian qua diễn ra rất tinh vi nên các cơ quan chức năng và các cơ quan quản lý về văn học, nghệ thuật cần áp dụng những giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao để rà quét, phát hiện, bóc gỡ, xử lý những thông tin có nội dung xấu độc nhằm làm trong sạch môi trường văn hóa mạng. Điều này không chỉ góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các văn nghệ sĩ trên không gian mạng mà còn ngăn chặn các hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch trên không gian mạng.
Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trong việc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ là người của công chúng, thường có lượng độc giả, khán giả lớn. Họ là những người có tầm ảnh hưởng với xã hội. Do đó, những biểu hiện lệch lạc của họ dễ gây ảnh hưởng xấu cho xã hội, có khi kéo theo nhiều người làm theo hoặc có khi bản thân họ bị mất uy tín. Vì thế, những người làm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cần hiểu rõ được vai trò, vị thế của mình, song cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc; có chính kiến cá nhân đúng đắn, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc. Ngoài ra, các văn nghệ sĩ cần phải tích cực tuyên truyền, định hướng cho độc giả, khán giả những thông tin có nội dung đúng đắn, tích cực; tránh lợi dung uy tín của bản thân để lôi kéo độc giả, khán giả vào những hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật.
Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, cần nhận diện và đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Đó là cách làm cho văn học, nghệ thuật ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của nhân dân và trở thành sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh