Người “gieo chữ” cho những mảnh đời bất hạnh

(Dangbodanang.vn) – Dồn nhiều tâm huyết để mở lớp học xóa mù chữ, tận tụy với công tác của Chi hội Phụ nữ ở tổ dân phố – nhắc đến chị, mọi người ở địa phương ai cũng biết. Việc làm của chị tuy thầm lặng nhưng đã giúp được bao số phận kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Khó khăn là gọi…tổ trưởng

Gặp chị cựu tổ trưởng ấy trong căn hộ chung cư chật hẹp khi đang bón cho người chồng bị tai biến ăn từng muỗng cháo, chúng tôi ấn tượng bởi người phụ nữ nhỏ bé với tiếng nói trầm ấm và ánh mắt đầy nghị lực. Nhắc đến chị Nguyễn Thị Bích, người dân ở tổ dân phố (TDP) 57, khu chung cư (KCC) S, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà ai cũng trân trọng và quý mến. Bởi với họ, chị như người thân trong nhà, hết lo chuyện công ăn việc làm đến lo cái đói, cái no cho từng hộ trong TDP.

TDP 57 trước kia được ví như “khu phố nghèo” vì nơi đây là khu vực của người dân tứ xứ đổ về mảnh đất Đà Nẵng mưu sinh với những phận đời kém may mắn, cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, từ khi có chị Bích làm tổ trưởng, xóm nghèo này đã có nhiều thay đổi từ đời sống vật chất đến tinh thần. Trăm công nghìn việc, hễ việc gì khó khăn không nhờ cậy được ai, người dân lại gọi “Chị tổ trưởng ơi!”. Cứ như thể, nhờ đến chị Bích tổ trưởng là “cái khó ló ra cái khôn” nên người dân nơi đây luôn tin tưởng và sẻ chia mọi tâm tư, tình cảm với chị. “Khi chị mới về đây, nhiều nhà gạch men bị bể, nhiều nhà không có ti vi, nhiều phụ nữ đơn thân không có điều kiện cho con đi học. Nhưng từ 3 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong tổ đã có nhiều thay đổi. Nhà nào cũng lo làm kinh tế, nhà này sắm cái ti-vi, nhà kia cố lót lại nền gạch. Ý thức người dân cũng được nâng cao đáng kể như đi họp tổ đông đủ, cùng nhau dọn vệ sinh chung cư ngày cuối tuần…Làm được nhiều việc cho tổ, chị lấy đó là nguồn vui an ủi tuổi già”, chị Bích chia sẻ. Không chỉ lo chuyện chung của tổ, chị Bích còn vận động người dân trong tổ đùm bọc lẫn nhau, hễ có người ốm đau thì cả tổ cùng chung tay góp sức để giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu.

Ngoài “chức” Tổ trưởng, chị Bích còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở TDP, là “bà đỡ” giúp hàng chục chị em nghèo ở địa phương vươn lên trong cuộc sống. Hằng năm, Chi hội tổ chức thu gom phế liệu, góp vốn quay vòng, xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ những mô hình tiết kiệm, mỗi năm, Chi hội hỗ trợ, tặng quà, giúp đỡ nhiều hội viên nghèo và những phận đời rủi ro, bất hạnh. Để có nguồn vốn hỗ trợ bền vững, chị Bích phải đến gõ cửa từng nhà vận động chị em đóng góp, rủ rỉ rù rì để họ thấy được vai trò của Chi hội ở tổ dân phố. Ngoài lo vật chất, chị Bích còn quan tâm đến đời sống tinh thần của chị em phụ nữ nghèo nơi đây. “Quanh năm, chị em đầu tắt mặt tối lo buôn bán, con cái học hành mà quên mất việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho bản thân mình. Vì vậy, những ngày lễ dành cho phụ nữ, Chi hội luôn tổ chức những cuộc thi cho chị em tham gia như thi nấu ăn, thi mặc áo dài đẹp…Mọi người ai cũng hào hứng và tham gia nhiệt tình”, chị Bích cười tươi. Thông qua những cuộc thi này, nhiều người ở TDP rất ngạc nhiên khi thấy một chị bán cá ở chợ hằng ngày quần áo lùi xùi nhưng khi mặc áo dài lại lên dáng rất đẹp hay có chị chỉ là lao động phổ thông nhưng lại nấu ăn ngon và thuyết trình giỏi…

Năm ngoái, chị Bích bất ngờ bị bệnh tai biến, nhưng do xử lý kịp nên ít để lại di chứng. Thế nhưng, do sức khỏe không đảm bảo nên chị phải trao “chức” tổ trưởng cho người khác phụ trách. Dù bệnh tật, dù còn phải chăm chồng bị bại liệt, nhưng người phụ nữ ấy vẫn đau đáu những chuyện chưa làm được ở TDP mình. Nào là tìm nguồn vốn vay cho phụ nữ nghèo, nào là tìm học bổng cho các em hiếu học… những dự định chị Bích vẫn đang còn ấp ủ.

Mở lớp học tình thương

Nói về ý tưởng mở lớp xóa mù chữ tại KCC S, chị Bích không giấu được niềm xúc động. Chị nhớ lại những ngày vừa mới dọn về ở KCC, thấy những em nhỏ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện đến trường, những người phụ nữ vì lo toan cuộc mưu sinh mà không biết chữ, lòng chị không khỏi ngậm ngùi. “Thời gian đầu mở lớp, chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị phải mượn căn phòng của Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng để làm lớp học. Sau đó, chị đã phối hợp với Hội Khuyến học cùng Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thọ Quang liên hệ với các trường học trên địa bàn phường xin lại những bộ bàn ghế cũ, hư hỏng về cho con trai chị sửa chữa”, chị Bích tâm sự. Tuy nhiên, khi hoạt động được một thời gian, Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng đòi phòng lại không cho mở lớp dạy học. Chị Bích lại phải vất vả làm đơn nhờ chính quyền địa phương gởi công văn đến Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng để mượn lại phòng. Sau 3 tháng, lớp học của chị mới hoạt động trở lại.

Nhưng khó khăn lớn nhất theo chị Bích là việc phải làm sao vận động được mọi người đến lớp học. Chị chia sẻ: “Đa số người dân ở đây trình độ dân trí còn thấp nên nhiều người không tha thiết đến việc học. Với họ kiếm tiền quan trọng hơn kiếm chữ. Vì vậy, chị phải đến từng nhà vận động, thuyết phục, thậm chí phải năn nỉ họ”. Chị Bích nhớ nhất là trường hợp của em T., 13 tuổi, mặc dù rất ham học nhưng vì em là nguồn thu nhập chính trong gia đình nên mẹ em không thể cho đi học. Gia đình T. chỉ có hai mẹ con nhưng mẹ ốm đau liên miên nên hằng ngày em phải đi bán hàng rong kiếm tiền nuôi mẹ. Để giúp em đến lớp, chị Bích cùng với chính quyền địa phương đã lo hỗ trợ cho em một phần kinh phí để em an tâm việc học. Hay như trường hợp của chị S., 40 tuổi, chị Bích cũng phải vận động và làm công tác tư tưởng mãi mới chịu đi học. Để chị S. không tự ti, mặc cảm vì mình lớn tuổi, chị Bích đã cử chị làm lớp trưởng quản lý lớp học.

Vận động được mọi người đến lớp, chị Bích còn phải nghĩ cách phải làm sao để họ thường xuyên đi học, không bỏ buổi. Những ai bận việc bỏ buổi học nào chị lại đến tận nhà phụ đạo lại buổi học đó. Chị luôn tâm niệm: “Bất cứ giá nào cũng phải động viên mọi người đi học để họ có cái chữ, làm người có ích cho xã hội”. Đêm nào, chị cũng bật đèn ở lớp học thật sớm để mọi người biết mà đi học. Có những hôm trời mưa, ai cũng ngại đến lớp, chị phải đến gõ cửa từng nhà để gọi. “Những lúc ấy thấy chị thật cao quý. Tôi nghĩ rằng ít ai trong cuộc sống này làm được việc như chị vì chị làm có nghĩ tới lợi ích cho bản thân mình đâu”, một người dân địa phương bộc bạch.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng mỗi lần thấy học viên cặm cụi tập viết từng nét chữ, ê a tập đánh vần, chị cảm thấy như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc. Mỗi học viên trong lớp học xóa mù chữ tuy xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều là những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Chị Bích chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả, biết chữ để dễ dàng kiếm việc làm hơn. Sau thời gian cô trò kiên trì bám lớp, lớp học xóa mù chữ đầu tiên của chị Bích đã hoàn thành cuối năm 2015 với 11 người “tốt nghiệp”, cơ bản đã biết đọc, biết viết. Chị Th., học sinh lớn tuổi nhất của lớp mù chữ chia sẻ: “Ngày xưa không biết chữ khổ lắm, làm giấy tờ chi, chị cũng không biết. Chừ biết được mặt chữ, đi ra với người ta, chị không thấy thua kém chi cả. Nhờ chị Bích mà nhiều người ở đây biết đọc, biết viết, đời sống vật chất ở KCC ni cũng đi lên hơn trước”. Việc làm ý nghĩa của chị Bích đã được chính quyền phường Thọ Quang và Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng ghi nhận. Chị nhận nhiều bằng khen cho sự nghiệp xóa mù chữ, nâng cao tri thức cho phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn.

Theo tâm nguyện của chị Bích, trong năm 2016, chị sẽ mở lại lớp học tình thương để tiếp tục dạy những người còn mù chữ ở KCC S. Thế nhưng ước nguyện đó vẫn còn dang dở bởi sức khỏe của chị giờ không cho phép. Tiếng đánh vần ê a của cậu thiếu niên nhà bên cạnh làm dở cuộc nói chuyện của chị và chúng tôi. Mắt chị nhìn đăm đắm về khung cửa nhà ấy, chúng tôi biết, trong tâm nguyện của người phụ nữ này, ước mơ mở lại lớp học xóa mù chữ ở TDP vẫn dai dẳng như ngọn lửa cháy mãi không thôi.

Hoàng Hân

7

Bài viết liên quan