Nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú xứ Quảng Nguyễn Long Bửu
Nhìn lại làng nghề điêu khắc đá Quán Khái hàng trăm năm qua và truyền thống gia đình anh, trong đầu tôi hiện về câu nói của Tuân Tử và tiếc rằng không mang theo mực Tàu giấy bản. Nếu có, tôi sẽ viết tặng anh mấy chữ: Thanh xuất ư lam, vì ông cha ta cũng từng nói: “Con hơn cha là nhà có phúc!”. Bốn chữ Thanh xuất ư lam rất phù hợp với nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu.
Bao năm rồi, anh vẫn thế, vẫn khổ người roi roi, tóc dài quá gáy và hàng râu mép nghênh nghênh, nói cười xởi lởi… Vừa gặp mặt, anh báo tin vui, ngày 13-10-2013, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Nhà điêu khắc – nghệ nhân ưu tú. Tôi chúc mừng anh và đúng như tôi từng nói: có đi có tới, hãy cố gắng hết sức mình để… xem con tạo xoay vần đến đâu! Nói thế thôi, chứ anh bằng lòng với hiện tại thì coi như đã… đứt phim rồi. Cái đáng quý ở người đàn ông qua rồi cái tuổi “tri thiên mệnh”, và cũng ngấp nghé một vòng hoa giáp là lao động sáng tạo miệt mài. Đó là nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu!
Nguyễn Long Bửu bên tượng nhạc sĩ Văn Cao. |
Nhà điêu khắc có nhiều giải thưởng
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời chạm khắc đá ở Non Nước, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Theo ông cụ thân sinh của anh kể lại trước đây, thì ông cố anh đã từng được mời qua Campuchia chạm khắc đá, nhưng không rõ chạm khắc gì, những tác phẩm ấy đặt ở đâu. Lớp con cháu nghe vậy, kể lại vậy và từ nhỏ Nguyễn Long Bửu đã biết chơi cùng đá, vấp đá, trầy chân trầy tay vì đá, u đầu tét trán vì đá… Bao đời người dân Quán Khái (phường Hòa Hải bây giờ) sống nhờ đá. Bao lớp người, trong đó có anh được ôm vở tới trường cũng nhờ đá; nhờ những bàn tay khéo léo của ông cha thổi hồn vào đá, biến đá thành gạo thành cơm, thành nhà thành cửa… Và những thành tựu của anh ngày nay cũng nhờ đá; không có đá không ai biết đến tên Nguyễn Long Bửu. Nhờ đá, nhờ vào truyền thống của làng chạm khắc đá và sức sáng tạo của bản thân, Nguyễn Long Bửu đã đoạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, như: Giải Bạc Cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế bằng chất liệu sáp ong ở Thái Lan (2002), Giải thưởng Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần IV, Giải thưởng của Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng cho tác phẩm “Mẹ Thứ” (2004), Giải thưởng Ngôi sao Việt Nam – những ngày văn hóa Việt Nam tại Hà Nội (2005)…Đặc biệt, năm 2006, nhà điêu khắc xứ Quảng Nguyễn Long Bửu được Thủ tướng Chính phủ chọn và cho phép tổ chức triển lãm 30 bức tượng nghệ thuật trong khuôn khổ Hội nghị APEC lần thứ 14, tổ chức tại Hà Nội…
Anh cho biết vui nhất và căng thẳng nhất là Cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế bằng chất liệu sáp ong ở Thái Lan năm 2002. Việt Nam chỉ mỗi mình anh tham gia dự thi. Vào cuộc thi giống như thời đi học vào phòng thi tốt nghiệp. Ban Tổ chức giao cho mình vật liệu, chủ đề tư tưởng cuộc thi, và thế là mạnh ai nấy làm trong một thời gian nhất định. Khi Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế công bố kết quả, anh thấy người lâng lâng sung sướng. Với anh, Giải Bạc của cuộc thi ấy còn quý hơn người nghèo nhặt được cả cục vàng Hời, bởi từ giải thưởng ấy, anh tự tin vào tay nghề, vào sức sáng tạo của mình.
Ngũ Hành Sơn từ xa xưa đã là vùng đất tâm linh, nên phần lớn cư dân ở đây đều thờ Trời kính Phật, nhưng nhìn những tượng Phật, tượng Bồ tát do anh chạm khắc có nét rất riêng. Anh cho biết điêu khắc tượng thờ dễ mà rất khó. Dễ là vì các ngài ấy đã trở thành biểu tượng trong tâm thức mỗi người, tạc thế nào cũng nhìn ra Phật, ra Bồ tát; nhưng cái rất khó là làm sao toát nên dáng từ bi, hỉ xả của các ngài từ vóc dáng đến nếp áo, ánh nhìn… Không phải vô tình mà tượng Bồ tát Quán Thế Âm của anh được Thái Lan chọn đặt tại khu xảy ra song thần ở Thái Lan. Anh đưa tấm hình chụp lại bức tượng này, tôi thấy ngài như đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn của con người…
Chắc nhìn thấy sự tập trung của tôi, anh từ tốn tâm sự nhưng như không muốn cắt đứt dòng suy tưởng đang đến trong tôi:
– Thái Lan chọn tượng Bồ tát Quán Thế Âm của tôi đặt tại nơi ấy, tôi mừng vì tay nghề, vì tấm lòng của mình khi phác thảo và đưa từng mũi đục vào thớ đá. Khi tượng được an vị, tôi chỉ mong cư dân nơi ấy nói riêng, người người nói chung được ngài phù hộ có cuộc sống bình yên như lời phát nguyện của ngài: “Khi nào chúng sinh hết đau khổ, ta mới thành Phật”.
Ờ, nào ai có thể lột da sống đời. Trăn năm cũng là cách nói ước lệ chứ mấy người sống được trăm năm. Khi trở về với cát bụi, hạt nút cũng bị cắt bỏ lại, thì tại sao phải bon chen, trục lợi, hại người, hại bạn để giành lấy phần hơn về mình? Đau khổ ở đời do đời hay do ta? Bến mê ở đâu? Bờ giác ở đâu?… Tôi ngước lên nhìn anh, trong lòng thầm nhủ: Thôi kệ, mọi việc rồi cũng qua!
Tượng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Nguyễn Long Bửu. |
“Thanh xuất ư lam”
Ngày 12-3-2008, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Điều này cho thấy Nhà nước trân trọng tài năng và sự lao động miệt mài của anh. Ngày ấy, tôi không về được để chia vui với anh. Qua điện thoại, tôi nói mấy lời chúc mừng, động viên nhau làm việc. Với tôi, đây là liều doping tinh thần cần phải trân trọng, xem đó là nấc thang để bước lên cao. Anh cũng cho biết đó là động lực để anh tự tin hơn mà đi tiếp chặng đường nghệ thuật của mình. Và đến nay, anh đã, đang vững bước trên con đường ấy. Hiện nay, nhà điêu khắc xứ Quảng Nguyễn Long Bửu ngoài việc tạc tượng ổn định cuộc sống gia đình, còn chuẩn bị cho Công viên tượng nằm trong Khu Du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn.
Anh dẫn tôi đến góc đường Trần Hưng Đạo – Lê Văn Hiến, cũng là góc núi ở hòn Thủy Sơn. Anh nói:
– Khu vực này rộng khoảng 2,5 ha, Đảng bộ, chính quyền TP. Đà Nẵng cũng như quận Ngũ Hành Sơn đã và đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tôi sớm hoàn thành Công viên tượng nơi đây. Ở công viên tượng này, tôi thiết kế 5 mảng đề tài: Tâm linh, Danh nhân văn hóa, Tác phẩm nghệ thuật cổ điển và hiện đại, Tác phẩm nghệ thuật dân gian. Các tượng trưng bày nơi này khá lớn thấp nhất 5 m, cao nhất 10 m.
Về các tượng Phật, Bồ tát như tôi đã thấy, đã nói, còn tượng danh nhân thì nhìn tượng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tượng cố nhạc sĩ Văn Cao,…tôi thấy người như nổi gai, bởi nó sống động quá. Công viên tượng chưa đi vào hoạt động, song tôi tin khi Công viên tượng của anh mở cửa đón khách tham quan, thì những người thưởng lãm đứng trước những bức tượng này chắc cũng giống như tôi.
Ngoài tạc tượng, anh còn vẽ tranh. Tôi tin, anh là người đầu tiên trong giới họa sĩ trong và ngoài nước vẽ tranh sơn dầu pha bột đá. Không phải vì quen thân với anh và viết về anh mà tôi viết vống lên. Những thành tích của anh đạt được trong hơn 30 năm lăn lộn nghề của mình đủ cho chữ nghĩa bay bổng, song tôi không vị tình riêng mà viết quá về tay nghề của anh. Tôi cũng có bạn bè làm nghề vẽ, nghề điêu khắc. Nhiều người đã ký họa chân dung của tôi, làm tượng tôi mà tôi viết không kịp để đưa những ký họa ấy, tượng ấy vào trang bìa những cuốn sách, dẫu tôi đã xuất bản tròm trèm 30 đầu sách. Tôi đã tham dự nhiều cuộc triển lãm, nhìn nhiều bức tranh được giải thưởng, song có nhiều bức tranh, tôi có cảm giác ấy là những bức ảnh phóng lớn rồi tô màu chứ không phải tranh nghệ thuật, không phải sáng tác. Trong lúc đó, những bức tranh sơn dầu pha bột đá của Nguyễn Long Bửu tuy chưa thật xuất sắc nhưng lại là tranh sáng tác. Tranh của Nguyễn Long Bửu cũng như tượng của Nguyễn Long Bửu đều như có linh hồn riêng, có cảm giác riêng. Ngay cả những bức tranh chân dung Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa Bồ Đề Đạt Ma, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng có nét riêng của Nguyễn Long Bửu, chứ không phải của người chép tranh…
Nguyễn Long Bửu cười nói:
– Đã mấy lần đặt cọ vẽ bức tranh chân dung của anh để làm kỷ niệm, song trong đầu chưa lóe lên được nét đặc trưng của Vu Gia, nên chưa biết lúc nào xong.
Tôi rất hiểu điều đó, vì tôi cũng là người sáng tác, nên cười vui nói với anh:
– Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không. Duyên đến, duyên đi chẳng biết đâu mà lường. Khi hội đủ cơ duyên, thì bức chân dung của Vu Gia sẽ đến thôi, nhưng đừng cầu toàn quá…
Anh ngắt lời tôi:
– Biết như rứa, nhưng mình không thể làm ẩu, dẫu vẽ kiếm cơm cũng phải vẽ bằng cả tấm lòng của mình, huống hồ gì vẽ cho bạn bè. Cái tên Nguyễn Long Bửu treo trong nhà, mà những người quen biết của anh có lời chê, thì chắc anh không vui.
Với tôi, đây là trách nhiệm cần có ở người nghệ sĩ. Và tôi hoàn toàn cảm thông với anh. Nếu anh làm ẩu, làm lấy được, thì tượng của anh đâu có được chọn đặt tại Công viên Quốc gia Singapore, Nhật Bản, Thái Lan…Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Ông cha ta đã dạy như thế; nhiều người biết như thế song trước sự cám dỗ của đồng tiền, không thiếu người đã chịu… bán danh rẻ rề. Tiếc thay! Tôi hy vọng nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu tiếp tục giữ và phát huy hơn nữa cái danh đã tạo được của mình. Nhìn lại làng nghề điêu khắc đá Quán Khái hàng trăm năm qua và truyền thống gia đình anh, trong đầu tôi hiện về câu nói của Tuân Tử và tiếc rằng không mang theo mực Tàu giấy bản. Nếu có, tôi sẽ viết tặng anh mấy chữ: Thanh xuất ư lam, vì ông cha ta cũng từng nói: “Con hơn cha là nhà có phúc!”. Bốn chữ Thanh xuất ư lam rất phù hợp với nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu.
Nhà văn Vu Gia