Giúp người giữa đêm khuya

 

Hơn 3 tháng nay, nhiều người dân Đà Nẵng, nhất là những người thường xuyên đi làm về khuya dần quen với hình ảnh một nhóm bạn trẻ thường xuyên hỗ trợ những trường hợp hỏng xe, thủng lốp hoàn toàn miễn phí. Bất cứ đêm khuya hay rạng sáng, chỉ cần có người gọi là các bạn nhanh chóng có mặt. Họ là thành viên của nhóm Báo đêm SOS Đà Nẵng (gọi tắt là nhóm Báo đêm).

Dưới ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin điện thoại, hai thành viên của nhóm Báo đêm thực hiện các thao tác vá xe.

“Alo, nhóm Báo đêm phải không ạ? Anh ơi, xe em bị thủng lốp ở ngay ngã tư Tôn Đức Thắng và Thích Quảng Đức. Anh đến giúp em với!”. “Ok em, đợi chút xíu, bọn anh đến ngay!”. Vậy là hai thành viên của nhóm Báo đêm lập tức xách bộ đồ nghề lên đường.

Theo Trưởng nhóm Lê Ngọc Tuấn Anh (SN 1995, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), nhóm Báo đêm đi vào hoạt động từ đầu tháng 5-2019 với 6 thành viên. “Các thành viên của nhóm đều có chung niềm đam mê du lịch bụi, thích khám phá những cung đường. Trên những chuyến đi, nhiều lần chúng tôi chứng kiến những trường hợp bị xe bị thủng lốp giữa đèo, giữa đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này”, Tuấn Anh nói.

Ban đầu, nhóm chỉ hoạt động ở khu vực đèo Hải Vân vì ở đây có ít các cửa tiệm sửa xe. Dần dà, nhóm di chuyển xuống trung tâm thành phố để hỗ trợ thêm nhiều người.

“Nhóm mình hay đi về khuya; nhiều lần thấy các cô chú lao động đi làm về khuya, xe bị thủng lốp phải dắt bộ. Trong khi đó, những người vá xe lưu động thì lấy tiền rất cao cho mỗi lần vá, trung bình từ 50.000-100.000 đồng/lần. Mà đối với những người lao động, 50.000 đồng rất lớn nên nhóm mình quyết định hoạt động ở cả trung tâm thành phố để giúp đỡ mọi người”, Tuấn Anh giãi bày.

Thời gian đầu hoạt động, đồ nghề của cả nhóm chỉ vỏn vẹn là cái bơm tay và hai cây báy (dụng cụ để tách lốp xe). Dần dần, được mọi người biết đến và ủng hộ kinh phí, nhóm mua sắm thêm dụng cụ chuyên dụng, ruột xe để thuận lợi trong công việc.

Hằng ngày, nhóm hoạt động từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Nhóm chia ra khu vực, mỗi khu vực có người phụ trách riêng. Địa bàn hoạt động của nhóm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) đến đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu), khu vực trung tâm thành phố và ven đường biển nam Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Hằng đêm, các thành viên tập trung tại các địa điểm hẹn trước với đầy đủ đồ nghề, chỉ cần có người gọi là lập tức lên đường. Đêm nào nhiều thì nhóm hỗ trợ 15-20 ca; đêm ít thì 5-7 ca. Đêm nào ít người gọi, các thành viên chạy xe đi quanh các tuyến đường để kịp thời hỗ trợ những người gặp sự cố.

Không chỉ vá xe, nhóm còn thay ruột, giúp đẩy xe đi sửa nếu xe hư hỏng nặng và tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Mặt khác, trong túi đồ nghề của nhóm luôn có sẵn bông băng y tế, thuốc sát trùng để kịp thời sơ cứu khi gặp những trường hợp tai nạn.

Cuối tháng 8-2019, nhóm nhận được yêu cầu hỗ trợ một trường hợp bị tai nạn giao thông trên đèo Hải Vân. Hôm đó, khoảng 18 giờ, một nữ sinh tên Trang (quê Nghệ An) chạy từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng; do trời mưa lớn, đường trơn, khi vượt đèo, không may Trang bị trượt xe ngã. Trang gãy chân, bất tỉnh, được người đi đường đưa vào quán nước bên đường. Khi nhận được thông tin từ người dân, các thành viên của nhóm tức tốc lên đường giúp Trang và hỗ trợ đưa Trang đến bệnh viện.

“Chúng tôi đi cùng xe cấp cứu đưa Trang đến bệnh viện, túc trực ở bệnh viện đến 12 giờ đêm cho đến khi người nhà tới”, Đặng Ngọc Tiến,nhóm phó kể lại.

Một buổi tối đầu tháng 9-2019, trên đường đi học về trễ, xe máy của em Trần Đức Anh (sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) không may bị thủng lốp. Trong lúc đang dắt bộ, loay hoay tìm chỗ vá thì Đức Anh được một người đi đường cho số điện thoại của nhóm Báo đêm. Chỉ sau 10 phút, hai thành viên của nhóm có mặt.

Rất nhanh chóng và thuần thục, Tôn Thất Vũ (thành viên của nhóm) lấy đồ nghề, cạy lốp xe, lôi ruột xe xẹp lép ra ngoài. Cạnh đó, Tiến dùng bơm tay bơm căng lốp rồi lần mò tìm chỗ thủng. Chừng 10 phút sau, chiếc ruột thủng được vá xong, bơm căng trở lại và bàn giao cho khổ chủ.

Nhận xe, Đức Anh cảm ơn rối rít. “Nếu không có các anh trong nhóm cứu hộ, chắc em phải dắt bộ mười mấy cây số về nhà vì giờ này làm gì còn tiệm sửa xe nào mở cửa”, Đức Anh nói.

Khi hỏi về những khó khăn khi làm công việc “không công” này, các bạn trẻ trong nhóm đều cười trừ. Khó khăn lớn nhất có lẽ là từ phía gia đình. Các thành viên trong nhóm có hoàn cảnh không mấy khá giả, lại đều là con trai một trong nhà nên cha mẹ rất ái ngại khi nhìn con đêm nào cũng vắng nhà. Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhờ hỗ trợ, nhóm phải đi rất xa giữa đêm khuya, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

“Như bố mẹ mình, cứ thấy con đêm nào cũng vắng nhà nên la mắng dữ lắm. Cha mẹ nào mà không xót khi thấy con cứ đi cả đêm. Đợt nào cha mẹ mà làm căng quá thì mình ở nhà vài hôm. Đợi tình hình dịu lại thì đi tiếp”, Tuấn Anh cười, nói.

Mặt khác, vì cứu hộ miễn phí nên nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của nhóm không bảo đảm. Toàn bộ quỹ hoạt động đều từ mọi người quyên góp, ủng hộ. Số tiền ấy, một nửa nhóm dùng để mua dụng cụ, đồ đạc phục vụ công việc cứu hộ; nửa còn lại để tổ chức các chương trình thiện nguyện.

Dịp Tết Trung thu vừa qua, nhóm trích một phần kinh phí hỗ trợ từ các mạnh thường quân để tổ chức chương trình Trung thu cho các em nhỏ mồ côi đang sống tại chùa Quang Châu. Trong chương trình, nhóm đã trao 120 phần quà là bánh, kẹo, lồng đèn cho các em nhỏ. Nhóm còn thuê đội lân, tổ chức múa lân vui Trung thu cho các em nhỏ.

“Tất cả tiền hỗ trợ từ mạnh thường quân được nhóm công khai và sử dụng đúng mục đích. Tất cả thành viên của nhóm chưa từng lấy một đồng quỹ để dùng cho bản thân. Đó là điều chắc chắn!”, Tuấn Anh cam kết.

“Nhóm mình làm công việc này cũng gặp nhiều điều tiếng lắm. Có người thì nói chúng mình làm để lấy danh “xin” tiền tiêu xài. Có người thì dè dỉu, mỉa mai. Nhưng cả nhóm mặc kệ, miễn mình làm đúng với lương tâm, giúp được mọi người. Để hoạt động lâu dài thì mình không dám chắc vì thiếu nhân lực và kinh phí hạn hẹp nhưng hễ ngày nào còn hoạt động thì cả nhóm sẽ nỗ lực hết mình”, Tiến tiếp lời.

Vừa dứt câu chuyện cũng là lúc các bạn trẻ nhận được cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ. Nhìn các bạn tuổi mới mười tám, đôi mươi không quản ngại đêm khuya, mưa gió, lao vào đêm đi hỗ trợ, giúp đỡ mọi người mới thấy việc làm của các bạn thật ý nghĩa. Các thành viên của nhóm, người làm bảo vệ, người là công nhân, người thì đang thất nghiệp, bạn là sinh viên. Dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ở họ đều có chung tinh thần tương trợ, yêu thương, giúp đỡ mọi người.

Theo Trưởng Công an phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) Bùi Ngọc Anh, qua nắm thông tin từ cơ sở, Công an phường Hòa Hiệp Nam biết đến hoạt động của nhóm Báo đêm SOS Đà Nẵng, đặc biệt là những thành viên của nhóm đang sinh sống trên địa bàn phường.

“Mục đích của nhóm ban đầu như vậy là rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các hoạt động của nhóm và hỗ trợ về mặt an ninh khi nhóm cần. Về lâu dài, nếu nhóm hoạt động hiệu quả, chúng tôi sẽ vận động hỗ trợ kinh phí để nhóm mua xăm, lốp phục vụ việc cứu hộ”, ông Ngọc Anh nói.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG  (Theo Báo Đà Nẵng)

Bài viết liên quan