Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng công tác
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của công việc”1 và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2, bởi vậy trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức một cách toàn diện; trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng trở nên cấp bách, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cán bộ, đảng viên suốt đời “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”; Người còn là “mực thước” về sự thống nhất giữa nói và làm. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải được tiến hành thường xuyên, suốt đời. Nội dung học tập và làm theo cần tập trung vào những trọng tâm sau:
Tự giác rèn luyện đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và Tổ quốc ngày càng tốt hơn thì mọi người đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bởi, người cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ sự đóng góp của nhân dân. Nhân dân trả công cho cán bộ để phục vụ họ thì cán bộ phải phục vụ nhân dân một cách tận tâm, tận lực. Người cán bộ, công chức làm việc công, tiêu tiền công, lại có ít nhiều quyền hành nếu không có ý thức, tinh thần cao, không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Thực tiễn cho thấy, mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay đã sinh ra nhiều tác động có hại: Đó là khát vọng làm giàu bằng mọi cách, chạy theo lợi nhuận tối đa, coi trọng giá trị đồng tiền một cách mù quáng. Nó kích thích thói ích kỷ, tư lợi, đặt lợi ích cá nhân và gia đình lên trên lợi ích của tập thể và xã hội. Nó sinh ra thói dối trá, gian xảo, lừa lọc, thực dụng, lối sống coi trọng vật chất, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc, v.v. Và, nó tất dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nguyên nhân chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân – kẻ “giặc nội xâm”; do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức; tự phê bình, phê bình chưa nghiêm túc; nói chưa đi đôi với làm. Việc một số cán bộ, đảng viên, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang đã suy thoái đạo đức “bất liêm, bất chính” và bị xử lý kỷ luật, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng vừa qua là một minh chứng rõ nhất về công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” là khó khăn, phức tạp, quyết liệt hơn so với đánh giặc ngoại xâm. Muốn chống “giặc nội xâm” hiệu quả thì việc làm thiết thực đầu tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự giác rèn luyện bản thân, ra sức thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giải pháp hữu hiệu là cùng với việc tự học tập để nâng cao trình độ mọi mặt thì còn phải: giữ nghiêm kỷ luật, chống quan liêu; đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân và thường xuyên tự phê bình và phê bình; lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá. Đó vừa là tiêu chí đạo đức cơ bản, vừa là thước đo bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của cán bộ, công chức.
Xây dựng tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao với công việc. Là “người đày tớ, công bộc” của nhân dân thì phải luôn thấm nhuần, khắc ghi lời dạy của Bác “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”3. Từ đó, khi được cấp trên giao việc, phụ trách việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều cũng phải tận tâm, tận lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuyệt đối không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không; đồng thời, kiên quyết chống thái độ, hành vi, cách làm cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. Thực hiện tốt nội dung trên sẽ giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức tận tụy vì công việc chung, hết lòng, hết sức đem tài đức của mình phục vụ nhân dân.
Chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ. Cùng với nêu cao ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm những quy định của cơ quan, của tổ chức, nhất là pháp luật nhà nước. Khi thi hành công vụ phải “quang minh, chính đại”, luôn gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác, tránh những cám dỗ. Tinh thần sáng tạo trong công việc cũng là một chuẩn mực đạo đức mà người cán bộ phải phát huy. Do vậy, ngoài việc phải tuân thủ theo đường lối chung, thì phải luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần “quang minh, chính đại” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, hết lòng, hết sức vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Và chỉ có giữ được kỷ luật của cơ quan, tổ chức, mới tạo được môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân phát huy tốt tinh thần sáng tạo, trách nhiệm cao trong thi hành công vụ.
Luôn luôn cầu tiến bộ, phấn đấu vươn lên trong công việc. Tinh thần cầu tiến bộ, học tập không ngừng là một yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, công chức. Bởi, xã hội ngày càng phát triển tiến lên, theo đó yêu cầu, nhiệm vụ công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi ngày càng cao; vì vậy, đòi hỏi năng lực, sáng kiến, tiến bộ của họ cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Nếu tự mãn, hoặc tự co mình lại, không có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ thì không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đương nhiên sẽ bị đào thải theo quy luật. Do vậy, trong thực thi công vụ cán bộ, công chức, viên chức phải luôn có thái độ tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân để tự điều chỉnh bản thân cho hoàn thiện, không ngừng phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Giữ vững sự đoàn kết thống nhất, trong thực hiện công việc phải có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, là bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Mọi người cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân thì công việc mới hoàn thành được. Do vậy, trong thực thi nhiệm vụ thì mỗi người phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trên tinh thần đồng chí, đồng đội, tương thân, tương ái, khiêm tốn học tập lẫn nhau. Tuy nhiên, không được xuôi chiều, bao che khuyết điểm cho đồng nghiệp mà phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật trong thi hành công vụ và trong cuộc sống, làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Song tuyệt đối chống việc tranh giành ảnh hưởng của nhau, nhất là việc ghen ghét đố kỵ và khinh người không bằng mình. Bởi, nó dẫn đến các thành viên trong một tập thể có thành kiến với nhau, dè dặt, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau, không tránh khỏi “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, tất yếu làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng. Chỉ khi mỗi người giữ được phẩm chất trong sạch, không tham địa vị, danh vọng, tiền tài, có lòng chính trực, đoàn kết thì chắc chắn sẽ có tình thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong công việc. Đó chính là phẩm chất đạo đức cộng sản của người cán bộ, công chức, viên chức chân chính trong tiến trình đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.
Xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng công tác không phải tự thân nó có. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, lâu dài; đồng thời, phát huy hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của chính quyền và vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, của nhân dân để giúp họ thực sự “vừa hồng vừa chuyên”, là “công bộc” của dân, chăm lo phục vụ nhân dân./.
Đại tá, ThS. Ngô Đình Phiếm
Nguồn: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh