Khẳng định mục tiêu lý tưởng, phản bác luận điệu tách rời Chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh
Đúng như đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì “vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá.”
Không chỉ vậy mà trong hàng ngũ cách mạng, cụ thể hơn là ngay trong chính nội bộ ta “cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH…”.
Và cho đến tận bây giờ không ít người vẫn còn hoài nghi về điều ấy. Đặc biệt thời điểm trước Đại hội XIII của Đảng, trên một số trang mạng rộ lên luận điệu cho rằng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời” và đưa ra lời khuyên “Đảng Cộng sản Việt Nam nên từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chỉ cần duy nhất tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta” là đủ. Luận điệu này nhằm “đánh” vào tư tưởng của cán bộ, đảng viên để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Từ những luận giải của đồng chí Tổng Bí thư, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn chúng ta sẽ thấy rõ sự phi lý của luận điệu trên. Cần khẳng định mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể tách rời. Trở lại lịch sử, chúng ta thấy rõ sau nhiều năm bôn ba ở hải ngoại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với Cách mạng Tháng Mười Nga, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường giải phóng dân tộc rồi truyền bá vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu sự vận dụng lý luận về xây dựng đảng kiểu mới của V.I Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Đó cũng là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Thực tiễn lịch sử đã cho chúng ta thấy rõ tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách cơ bản, hệ thống và sáng tạo.
Chính nhờ ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin mà cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân ở Việt Nam chấm dứt, đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta luôn nhất quán đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Thực tiễn đã chứng minh, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã giành những thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại.
Mới 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã đề ra đường lối lãnh đạo nhân dân đoàn kết vừa diệt thù trong, vừa chống giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trước dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng lý luận về cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, đề ra đường lối tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính”. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến ấy là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), đế quốc Mỹ lợi dụng thất bại của thực dân Pháp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Đất nước ta tạm chia thành hai miền Nam-Bắc. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược là cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Phân tích kỹ bối cảnh của đất nước và tình hình quốc tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là quan điểm về bạo lực cách mạng đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam; vừa xác định đúng đắn con đường giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Bằng đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà cũng chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa Việt Nam vào một thời kỳ mới, thời kỳ thống nhất đi lên xây dựng CNXH. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, đúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam…”
Thực tiễn đó khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp sáng tạo giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một bộ phận phát triển mới trong một giai đoạn mới của chủ nghĩa Mác – Lênin. Do đó sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn sinh động cũng khẳng định, không chỉ trong kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà mà trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, học thuyết Mác – Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực sự trở thành nền tảng tư tưởng lý luận, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng ta. Trong bài viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải và khẳng định rõ: “Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội…”
Nếu ai đó cho rằng sụp đổ của Liên Xô cũng như các nước Đông Âu và những khó khăn, bất cập mà các quốc gia đi lên xây dựng CNXH gặp phải thuộc lỗi của chủ nghĩa Mác – Lênin là hoàn toàn sai lầm. Cũng chính từ đổ lỗi cho chủ nghĩa Mác – Lênin mà một số người cho rằng Đảng ta không nên coi chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng mà chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Có thể thấy ngay rằng đó là sự suy luận chủ quan thuần túy, không có cơ sở cả lý luận và hiện thực khách quan. Chúng ta cần thống nhất nhận thức đó hoàn toàn do lỗi chủ quan của mỗi Đảng Cộng sản trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn cụ thể. Chúng ta nên nhớ chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là thứ khoa học trừu tượng, tư biện mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn và vì thực tiễn. Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là khuôn mẫu để các nước áp đặt một cách máy móc, mà đó là những nguyên lý, đường hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người và một xã hội tốt đẹp cho nhân loại. Điều đó được nhận thức là sự vận động của xã hội theo quy luật tất yếu mà con người chỉ có thể tác động, thúc đẩy cho nó đến nhanh hay chậm mà thôi.
Mặt khác, cần khẳng định rõ rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN, việc xảy ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập là khó tránh khỏi, nhưng nếu có thì đó không phải là lỗi của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà đó là lỗi chủ quan của con người, do chưa nhận thức đầy đủ những vấn đề lý luận, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách máy móc, giáo điều, cứng nhắc, thiếu tính sáng tạo trong đề ra các chủ trương, quyết sách để giải quyết các nhiệm vụ của cách mạng.
Sự nghiệp xây dựng CNXH vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tính khoa học cao, sự kiên trì, bền bỉ, nguồn lực to lớn và nhiều điều kiện khác. Trong khi đó Việt Nam đi lên xây dựng CNXH từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu thốn nhiều điều kiện, nguồn lực, lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai, thảm họa. Thêm vào đó, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta. Trong bối cảnh ấy, chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa của những thành tựu mà đất nước đã giành được sau 35 năm đổi mới. Thực tế khẳng định, yếu tố quyết định những thành công ấy là do Đảng ta luôn kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới để đưa đất nước phát triển. Bên cạnh các yếu tố khách quan, những tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước đa phần là do lỗi chủ quan của chính chúng ta. Mọi tư tưởng, quan điểm đổ lỗi cho học thuyết Mác – Lênin là hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.
Những cơ sở đã nêu đủ để khẳng định: Quan điểm tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ cần “duy nhất tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta…” là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn. Thực chất của quan điểm ấy không gì khác là phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, cố tình xuyên tạc cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời và cần phải loại ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Sâu xa hơn, đó chính là phủ nhận nền tảng tư tưởng, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng.
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã cảnh báo, nhắc nhở chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên nhiều điều, nhưng một điều hết sức quan trọng đó là phải không ngừng học tập nâng cao nhận thức, nắm chắc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để hiểu rõ mối quan hệ biện chứng không thể tách rời; tránh máy móc, chủ quan, giáo điều khi vận dụng vào xác định chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng ta.
Đại tá Nhà báo PHÙNG KIM LÂN
Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam