Thăm đường sách TP. Hồ Chí Minh, nghĩ về một đường sách Đà Nẵng

Đi công tác Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trên máy bay đọc báo thấy giới thiệu cuốn tùy bút Dáng hồn đô thị của kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư và bà Trương Thanh Thủy dân Hội An, tôi bèn tranh thủ thời gian đến đường sách Nguyễn Văn Bình gần Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Trung tâm để tìm mua.

Đứng trong gian hàng của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đọc vội mục lục và dừng lại ở bài Người Hội An, Lưu Trọng Hải viết về đất Quảng. Trả xong tiền mua sách, tôi liền đến ngồi ở gian cà-phê sách bên kia đường, vừa uống nước vừa đọc Người Hội An và cảm nhận Lưu Trọng Hải rất, rất yêu quê ngoại của mình.

Đúng lúc đó, ngước mắt lên bỗng gặp một người Quảng xa quê cũng đã lâu – anh Lê Hoàng, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cựu Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ. Ngồi trò chuyện với anh, mới hay anh chính là “kiến trúc sư trưởng” của đường sách sôi động mà tĩnh lặng, tĩnh lặng mà sôi động này.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. 				           Ảnh: Internet
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Nói đến đường sách trước hết phải nói đến địa điểm và đoạn đường. “Kiến trúc sư trưởng” Lê Hoàng đoan chắc rằng, đường sách phải nằm ở những khu vực trung tâm đông người qua lại thì mới có thể “trường thọ”, không bị “chết yểu”.

Trước khi đề xuất chọn địa điểm hiện nay, anh đã ghé mắt nhiều nơi nhưng cuối cùng nhận thấy không nơi đâu đắc địa bằng địa điểm này. Đắc địa không chỉ vì gần Nhà thờ Đức Bà, gần Bưu điện Trung tâm, và nữa và nữa, mà còn vì nơi đây có một đoạn đường quá lý tưởng cho không gian văn hóa đọc:

Có nhiều cây xanh xòe ô che nắng, có hai vỉa hè đủ rộng cho chiều sâu của các gian hàng sách và dọc cả con đường hầu như không có mặt tiền nhà. Do vậy chính quyền thành phố đã quyết định không cho xe cộ lưu thông vào đoạn đường dài gần trăm rưỡi mét mang tên Cố Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để giao cho Lê Hoàng làm đường sách, với câu slogan/câu nói định vị thương hiệu: Đường tri thức, đường tương lai!

Đường sách này quy tụ khoảng hai chục gian hàng sách của những đơn vị xuất bản nổi tiếng như Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hóa Văn nghệ, Trẻ, Kim Đồng, Giáo dục, các công ty cổ phần sách – phát hành, công ty truyền thông tư nhân như Nhã Nam, Phương Nam, Thái Hà, First News, Đông A, Đại học Hoa Sen, Trường Phát, Alphabooks…

Hầu hết các gian hàng sách đều nằm về một phía, chỉ có một gian nằm phía bên kia. Đường sách không chỉ là nơi để mua sách mà còn là nơi để đọc sách, để nghe giới thiệu sách mới, để sưu tầm sách cũ, để giao lưu với người viết sách, để xem triển lãm bản thảo sách…

Phía bên kia đường được kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy thiết kế theo ý tưởng ấy của Lê Hoàng. Đương nhiên mặt bằng ở giữa đường cũng không thể không tận dụng, chẳng hạn như đặt mấy dãy ghế ngồi đọc sách thậm chí để nghỉ chân… Nghỉ chân và ngẫm nghĩ hoài về hàng chữ trên tấm pano đặt ở đầu đường: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa, chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Xa quê lâu nhưng Lê Hoàng vẫn giữ nguyên giọng Quảng. Có điều anh ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ chứ không sôi nổi thậm chí có phần gay gắt như nhiều đồng hương ở quê nhà. Có lẽ nhờ thế mà anh nhanh chóng thuyết phục được các cấp có thẩm quyền về việc phải sớm hình thành một đường sách như là biểu tượng của đẳng cấp văn hóa cao ngang tầm với thành phố mang tên Bác.

Không thuyết phục sao được khi anh cho rằng đường sách không chỉ và chủ yếu cũng không phải nơi bán sách – đó là việc của các hiệu sách, mà đây chính là “thánh địa” của văn hóa đọc. Văn hóa đọc có hai loại “thánh địa” cơ bản: thư viện và đường sách.

Có điều thư viện chỉ đòi hỏi sự tĩnh lặng, trong khi đường sách đòi hỏi cả hai: tĩnh lặng và sôi động, vừa sôi động lại vừa tĩnh lặng. Đến với thư viện người ta ngồi yên đọc sách; đến với đường sách có người ngồi yên đọc sách, có người lang thang tìm sách ở các gian hàng…

Đường sách này được hình thành chủ yếu theo phương thức xã hội hóa. Các đơn vị xuất bản, các công ty cổ phần sách – phát hành, công ty truyền thông tư nhân tham gia đường sách đã cùng góp gần một chục tỷ đồng để xây dựng các gian hàng sách tiền chế theo mẫu thiết kế chung.

Khi đường sách đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay, hằng tháng mỗi đơn vị tham gia còn phải đóng một khoản phí ở hai mức mười triệu đồng và bảy triệu rưỡi đồng tùy theo diện tích gian hàng nhỏ hay lớn – do nằm dưới cây xanh hay không.

Riêng hai gian cà-phê sách thì đóng mức hai mươi triệu đồng. Khoản phí này nhằm chi cho việc vận hành đường sách như bảo vệ, vệ sinh, duy tu bảo dưỡng các hạng mục và quan trọng hơn là phục vụ hậu cần cho việc tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hóa đọc… Và toàn bộ việc vận hành rất chuyên nghiệp này được phó thác cho Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh của “kiến trúc sư trưởng” Lê Hoàng.

Với tư cách Giám đốc Công ty Đường sách, hơn hai năm qua, Lê Hoàng liên tục trụ bám ở đường sách Nguyễn Văn Bình, hằng ngày chứng kiến ý tưởng gầy dựng một không gian chỉ có sách và sách của mình không những đã thành hình mà còn đã thành công trong thực tế.

Anh nói rằng hơn hai năm qua, đường sách này thực sự là một không gian sinh hoạt cộng đồng thấm đẫm văn hóa của người Sài Gòn, của các gia đình Sài Gòn yêu sách; đồng thời thực sự là một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn đối với khách thập phương.

Rồi giọng nói của người Quảng xa quê này bỗng pha chút trầm tư khi kể chuyện cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh từng trao đổi với anh rằng Đà Nẵng đang thiếu không gian văn hóa đọc. Rồi cũng bằng giọng Quảng nhỏ nhẹ từ tốn, anh hào hứng hình dung đường sách Đà Nẵng sắp soi bóng xuống đáy nước sông Hàn một ngày không xa…

Trong hình dung của Lê Hoàng, đường sách Đà Nẵng nên là một quần thể với cái lõi là Thư viện Khoa học tổng hợp tọa lạc giữa hai con đường cổ xưa nhất thành phố là Bạch Đằng và Trần Phú. Như vậy đây là sự kết hợp cả hai loại “thánh địa” cơ bản của văn hóa đọc: thư viện và đường sách.

Theo Lê Hoàng, các gian hàng sách tiền chế theo thiết kế chung sẽ nằm trên lề đường Bạch Đằng trước mặt Thư viện và nằm dọc theo đường nội bộ trong khuôn viên Thư viện. Và cũng chỉ cần xây dựng các gian hàng sách, bởi chỗ để nghe giới thiệu sách mới, để sưu tầm sách cũ, để giao lưu với người viết sách, để xem triển lãm bản thảo sách, cả chỗ để đặt mấy dãy ghế ngồi đọc sách thậm chí để nghỉ chân và ngẫm nghĩ… hoàn toàn có thể dựa vào cơ sở sẵn có của Thư viện.

Và Thư viện cũng sẽ đủ sức đảm đương việc điều hành đường sách Đà Nẵng một cách chuyên nghiệp như Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh…

Cũng theo hình dung của Lê Hoàng, khi Bảo tàng Đà Nẵng chính thức dời về địa điểm 42 Bạch Đằng, khu vực này chắc chắn sẽ trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng thấm đẫm văn hóa của người Đà Nẵng, của các gia đình Đà Nẵng yêu sách và yêu sử; đồng thời cũng sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch đầy hấp dẫn của thành phố bên sông Hàn.

Anh nói thêm rằng hầu hết những thương hiệu xuất bản tham gia đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đều đã đóng chân trên đất Đà Nẵng: Chính trị Quốc gia-Sự thật, Kim Đồng, Giáo dục, Phương Nam, Nhã Nam… và mới đây nhất là Trẻ – đó là chưa kể những Tổng hợp Đà Nẵng, Thông tin và Truyền thông, Công an nhân dân… chắc cũng sẵn sàng vào cuộc.

Rồi anh nhấn mạnh: cái chính là phải có những người lãnh đạo có quyết tâm chính trị và nội lực văn hóa để nhận ra đường sách phải thực sự là không gian văn hóa sách, nếu không thì dẫu có hình thành được đường sách, thậm chí đại lộ sách, thì đó cũng chỉ là chợ sách hay siêu thị sách. Và anh nói thêm: nhất định Đà Nẵng sẽ có một đường sách đích thực là đường sách. Trên đường Bạch Đằng! Vào một ngày rất gần!

 

  Bùi Văn Tiếng

 

Bài viết liên quan