Bị điện giật dẫn đến cụt hai tay, những tưởng sự nghiệt ngã này sẽ khiến chàng trai Lê Văn Tuấn gục ngã. Song, với nghị lực phi thường, từ phục vụ bản thân, nấu ăn đến ăn uống, từ tưới nước cho rau cho đến sửa chữa điện thoại, máy tính…, Lê Văn Tuấn đều tự làm thoăn thoắt bằng hai đầu mẩu cánh tay cụt… Đặc biệt, anh còn rất năng động tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Liên hiệp Thanh niên địa phương tổ chức.
Sau 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, anh Lê Văn Tuấn (SN 1991) trú tại thôn 3, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn tham gia lớp học nghề ở Vinh. Vào cuối năm 2014, trong một lần sửa điện giúp cho gia đình một người trong làng, anh Tuấn bị điện giật. Sau tai nạn, anh Tuấn vĩnh viễn mất đi đôi tay. Người xưa có câu “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, bỗng chốc bị tàn phế, anh Tuấn và gia đình suy sụp và tuyệt vọng rất nhiều. Đớn đau hơn, không chỉ đôi tay không còn, hai chân của Tuấn cũng có nguy cơ phải cắt bỏ.
May mắn rằng, sau một thời gian điều trị, đôi chân của Tuấn cũng giữ lại được. Nhưng, do bị cụt 2 tay, mọi sinh hoạt của anh phải có người chăm sóc, phục vụ. Những tháng ngày nằm viện điều trị rồi trở về nhà, thấy bố mẹ tất tả ngược xuôi, ngày càng gầy gò xanh xao để lo cho mình, anh Lê Văn Tuấn nuốt nước mắt vào trong, tự nhủ sẽ sống lạc quan, cố gắng vượt lên số phận.
Nghĩ là làm, Tuấn tập làm từ những thứ nhỏ nhất, bắt đầu là sinh hoạt cá nhân hàng ngày. “Những ngày đầu, với đôi bàn tay không còn, mọi thứ thật sự quá khó khăn. Có những lúc, tôi muốn bỏ cuộc, song hình ảnh bố mẹ vất vả lo cho mình, tôi lại tiếp tục tập”, Tuấn kể. Tuấn cũng từng dùng thử tay giả nhưng các khớp mỏi nhừ, cử động khó khăn và hầu như không có cảm giác gì nên anh kiên trì tập bằng đôi cánh tay đã cụt của mình. Từ học cách cầm nắm, di chuyển đồ vật rồi đến việc ăn uống, đánh răng, mặc quần áo… Những ngày đầu, cơm, canh, thức ăn vương vãi khắp nhà, 2 đầu phần tay bị cụt sưng tấy, đau nhức nhưng Tuấn vẫn không bỏ cuộc. Sau thời gian kiên trì, chịu biết bao đau đớn, Tuấn cũng đã tự lập trong sinh hoạt cá nhân. Không dừng lại, Tuấn lại nghĩ đến việc tìm cho mình một công việc phù hợp để vừa phụ giúp kinh tế cho gia đình và về lâu dài có thể tự lập nuôi sống bản thân.
Anh tìm hiểu và học về công nghệ thông tin, cài đặt phần mềm, buôn bán linh kiện thiết bị máy vi tính, điện thoại. 3 năm sau, anh đã mở được quán internet và dịch vụ sửa chữa điện thoại, bán sim thẻ… Với sự tận tâm, nhiệt tình, tiếng lành vang xa, quán của anh ngày càng đông khách, trở thành đại lý cung cấp các dịch vụ viễn thông, di động được nhiều người biết đến. Tàn nhưng không phế, đó chính là suy nghĩ, là động lực luôn thôi thúc trong người thanh niên Lê Văn Tuấn. Không chỉ dừng lại ở việc tạo lập công việc để nuôi sống bản thân, anh Tuấn còn đào tạo thêm cho những thanh niên chưa có việc làm, trở thành nhân viên máy tính để hỗ trợ mình trong quá trình làm việc và hỗ trợ việc làm cho họ.
Đặc biệt, mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Lê Văn Tuấn rất nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội do Đoàn xã tổ chức, các buổi sinh hoạt đoàn, hội. Anh nghĩ rằng, dù không làm được gì nhiều nhưng với trách nhiệm của người thanh niên, anh luôn tiên phong đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng phong trào Hội hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Không những vậy, anh còn tham gia các chương trình thiện nguyện, là cầu nối những người khuyết tật với nhau cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.
Lê Văn Tuấn là 1 trong 250 đại biểu tham dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ VI vừa qua. Tham luận tại Đại hội, Tuấn mong muốn các cấp Hội có nhiều hơn những chương trình, hoạt động hỗ trợ những người tàn tật, để họ có thể vươn lên tự nuôi sống bản thân, có đóng góp dù nhỏ cho gia đình, xã hội. Đồng thời, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp sẽ là cầu nối để thanh niên khuyết tật có được cơ hội giao lưu, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật. Từ đó, để bản thân những người khuyết tật cảm thấy hoà đồng, không mặc cảm.
Tin: Đoàn phường Thuận phước