Sinh viên sáng tạo phục vụ cộng đồng

Với đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH), thời gian qua sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, hướng đến cộng đồng.

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng hướng dẫn trẻ 5-6 tuổi của Trường Mầm non Họa Mi sử dụng đồ chơi do nhóm thiết kế. (Ảnh do nhóm cung cấp)
Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng hướng dẫn trẻ 5-6 tuổi của Trường Mầm non Họa Mi sử dụng đồ chơi do nhóm thiết kế. (Ảnh do nhóm cung cấp)

Làm áo phao an toàn cho ngư dân

Xuất phát từ thực tiễn ngư dân vươn khơi đối mặt với nhiều mối lo như thời tiết lạnh, tai nạn bất ngờ… nên nhóm sinh viên Lê Thị Nhã, Trần Lê Vỹ Nhân Tâm, Tăng Thị Anh Thư, Lê Văn Huy, Lê Bá Thăng (Trường ĐH Bách khoa) nghiên cứu và sáng chế ra sản phẩm áo phao cứu hộ đa năng (sCoat). Lúc đầu, nhóm thiết kế chiếc áo đáp ứng nhu cầu giữ ấm cho ngư dân khi đi biển, trong trường hợp gặp tai nạn bất ngờ thì áo khoác ấm đó sẽ trở thành áo phao nhờ hệ thống khí nén và phao được gắn trên áo. Sau khi sản phẩm hoàn thành, lấy ý kiến của ngư dân, nhóm tích hợp thêm công nghệ định vị GPS để chiếc áo không chỉ là áo ấm, áo phao bảo vệ ngư dân, mà còn hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn cho ngư dân trong những tình huống cấp bách.

“Với hệ thống định vị GPS, khi ngư dân gặp sự cố, chỉ cần nhấn nút từ thiết bị trên áo, thiết bị sẽ xác định tọa độ của người bị nạn, gửi tin nhắn về địa chỉ liên lạc đã cài đặt trước đó. Trông bên ngoài, chiếc áo giống những chiếc áo phao bình thường nhưng bên trong có thiết kế phao nổi ở vùng cổ và hai cánh tay, cùng với hệ thống khí nén CO2 cho phép khi xảy ra sự cố có thể làm phồng áo phao, giúp người sử dụng tự nổi trên mặt nước. Phía sau áo còn được gắn tấm phản quang, thiết bị còi, đèn, dao nhỏ giúp ngư dân khi gặp nạn có thể sử dụng để gây chú ý với các phương tiện cứu hộ và hỗ trợ sinh tồn trong trường hợp bị lạc trong tai nạn”, Lê Thị Nhã giới thiệu về các tiện ích của sản phẩm.

Với những tính năng hỗ trợ, hình thức phù hợp, sản phẩm “Áo phao đa năng sCoat” của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa đã đem đến trải nghiệm mới cho ngư dân, hứa hẹn trở thành bạn đồng hành, bảo đảm an toàn cho ngư dân cũng như người đi biển. Sản phẩm của nhóm Nhã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS-2020) và giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp (MEP-2020) tại Thành phố Hồ Chí Minh do Dự án BUILD-IT và chương trình STEM thuộc Công ty Dow Việt Nam tổ chức.

Thiết kế đồ chơi toán học cho trẻ mầm non

Hiểu được tầm quan trọng của đồ dùng, đồ chơi trong hoạt động vui chơi, học tập của trẻ mầm non, trong quá trình học và thực tập tại các trường mầm non, nhóm sinh viên Khoa Giáo dục mầm non (Trường ĐH Sư phạm) gồm Trần Thị Thu Hường, Trần Thị Vũ Linh và Lê Thị Hồng Viên đã thiết kế ra 7 bộ đồ dùng, đồ chơi toán học phát triển kỹ năng quan sát cho trẻ 5-6 tuổi. Trần Thị Thu Hường (Trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết, nhu cầu về đồ dùng, đồ chơi của trẻ mầm non rất lớn. Những đồ dùng, đồ chơi toán học được bày bán trên thị trường tuy nhiều nhưng không bảo đảm tính sư phạm, an toàn, giá thành lại cao. Vì vậy, nhóm Hường muốn tận dụng chuyên ngành học của mình để thiết kế, sáng tạo các sản phẩm vừa bảo đảm tính đa năng, linh hoạt, đồng thời là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.

7 bộ đồ dùng, đồ chơi của nhóm của Trần Thị Thu Hường được thực nghiệm trên 50 trẻ 5-6 tuổi tại 3 trường mầm non: Họa Mi, 1 Tháng 6 và Cô Tiên Xanh (quận Liên Chiểu). Hường chia sẻ: “Tại các trường mầm non, nhóm trực tiếp hướng dẫn cách chơi, kiểm tra mức độ phát triển kỹ năng quan sát của trẻ, đồng thời trao đổi với giáo viên đứng lớp về việc ứng dụng các bộ đồ chơi này vào từng tiết dạy cụ thể. Được xây dựng theo hướng đa năng, linh hoạt trong cách chơi theo 3 mức độ từ dễ đến khó nên trẻ mầm non dễ tiếp cận và thỏa sức sáng tạo. Khi nghiên cứu, cả nhóm hướng đến việc bộ đồ dùng, đồ chơi sử dụng được cho tất cả các độ tuổi, các lĩnh vực học của trẻ. Nên khi đưa vào trường mầm non, các học sinh cũng như giáo viên rất thích thú và cho biết các bộ đồ dùng đã đáp ứng tốt yêu cầu dạy học cho trẻ”.

Bằng bộ đồ dùng, đồ chơi mà nhóm của Trần Thị Thu Hường thiết kế, các trẻ mầm non 5-6 tuổi có thể làm quen với môn toán một cách sinh động, hình thành cho trẻ các kỹ năng đếm, đo lường độ dài các vật, khảo sát hình dạng và thực hiện các phép tính đơn giản. Sau khi hoàn thành, các đồ dùng, đồ chơi mà nhóm Hường nghiên cứu đã tham gia các cuộc thi về NCKH và đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên NCKH cấp khoa, giải Nhì cuộc thi sinh viên NCKH cấp trường, tham gia chung kết cuộc thi sinh viên NCKH ĐH Đà Nẵng năm học 2019-2020.

THANH TÌNH

Bài viết liên quan