Mô hình giao thông thông minh của học sinh trường THPT Phan châu Trinh Đà Nẵng

Cảm thông với nỗi đau mất người thân do tai nạn giao thông và thiệt thòi của người không may bị mù, hai bạn Trần Đình Duy và Nguyễn Phúc Ánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh sáng chế hệ thống giao thông thông minh giúp người mù qua đường và hạn chế tai nạn ở những đoạn đường khuất tầm nhìn.

Trần Đình Duy (phải) và Nguyễn Phúc Ánh thuyết trình đề tài tại cuộc thi trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent 2018
Trần Đình Duy (phải) và Nguyễn Phúc Ánh thuyết trình đề tài tại cuộc thi trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent 2018

Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình giao thông thông minh của hai bạn đã giành giải nhất cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent 2018 do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), ĐH Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 3-2018.

Chia sẻ về ý tưởng, Trần Đình Duy cho biết, nhiều lần trên đường đi học, em nhìn thấy những người mù di chuyển trên đường rất khó khăn, lượng xe qua lại trên đường đông tiềm ẩn nguy cơ cho người mù nếu họ không xác định được vị trí lề đường để đi, nhất là khi muốn qua đường thì họ không có cách gì nhận biết là tín hiệu đèn giao thông đang xanh hay đỏ. Vậy là em nghĩ ra ý tưởng thiết kế cảm biến trên trụ đèn giao thông để giúp họ qua đường.

“Để giúp người mù dễ dàng hơn trong việc di chuyển tại những nơi đèn giao thông, nhóm em đặt tại mỗi trụ đèn giao thông một nút bấm có kết nối với một cái chuông. Mỗi khi đi đến những nơi đèn giao thông, người mù sẽ tìm nút bấm trên trụ đèn.

Nút được đặt ở tầm cho phép và xúc giác của người mù khá tốt nên không phải lo lắng về vấn đề tìm không ra nút. Họ sẽ bấm vào cái nút này. Khi đèn xanh và đèn vàng sáng thì bấm nút sẽ không kêu nhưng khi đèn đỏ sáng thì bấm nút sẽ kêu một tiếng còi, giúp người mù nhận ra đây là đèn đỏ và có thể qua đường”, Duy giải thích.

Hệ thống giao thông thông minh của Duy và Ánh còn được thiết kế thêm một phần giúp hạn chế tai nạn ở những đoạn đường bị che khuất tầm nhìn. Duy kể, hằng ngày thông qua các phương tiện thông tin, em thấy rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Nỗi đau đó càng rõ hơn khi em chứng kiến sự ra đi của một người chú họ vì tai nạn giao thông. Từ đó em quyết tâm làm một điều gì đó để giúp người đi đường hạn chế những tai nạn đáng tiếc.

“Thiết kế phần tín hiệu của nhóm em giúp người đi đường hạn chế tai nạn tại nơi bị che khuất tầm nhìn, những nơi đường cắt nhau, mà không có đèn tín hiệu giao thông, hay những con hẻm gần đường lớn rất dễ xảy ra tai nạn, nhóm đặt tại các khu hẻm một cảm biến sóng âm để phát hiện vật cản và tại đường lớn một đèn nhấp nháy.

Khi có xe từ trong hẻm băng ra đường lớn sẽ cản bước sóng và đèn sẽ sáng nhấp nháy liên tục, giúp người đang đi trên đường chính cảnh giác hơn trong tình huống sắp xảy ra, đề phòng được tai nạn thương vong.

Ngoài ra, nhóm còn đặt thêm thiết bị cảm biến sóng âm để đo vận tốc xe từ trong hẻm đi ra. Khi xe đi ra với vận tốc quá lớn, sẽ có  tiếng còi hú lên thật to, giúp người đi đường chính cảnh giác hơn nữa, tránh nguy cơ tai nạn”, Duy cho biết.

Để hoàn thành được mô hình hệ thống này, Duy và Ánh gặp không ít khó khăn: “Khó khăn nhất của nhóm là việc sắp xếp thời gian học trên lớp. Phần lập trình thì cả hai chưa được học nhiều nên mất nhiều thời gian, làm đi làm lại nhiều lần mới thành công.

Không chỉ có vậy, bo mạch dùng trong mô hình khá đắt tiền nên vừa làm vừa lo sợ bị cháy. Mỗi lúc khó khăn, bọn em đều tìm đến thầy giáo hướng dẫn để nghe thầy góp ý, chỉnh sửa. Hôm đi báo cáo tiến độ, cả hai cũng thót tim vì mạch bị hở dây không chạy.

Vừa báo cáo em vừa nghĩ, chắc đề tài của mình sẽ bị loại. May mắn là phần thuyết trình thuyết phục được Ban giám khảo nên nhóm mới có thể tiếp tục cuộc thi cho đến vòng cuối cùng và đoạt giải nhất”.

Được đánh giá đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao, Duy và Ánh ấp ủ khát vọng vài năm nữa, khi các em học lên đại học, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn và tìm nhà đầu tư triển vọng để phát triển đề tài đưa vào phục vụ trong đời sống thực tế.

“Mong muốn của nhóm em là làm sao có thể đưa đề tài vào thực tế đời sống để góp phần nhỏ hạn chế những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, và giúp người mù có thể tự tin qua đường mà không cần người dẫn dắt”, Trần Đình Duy bộc bạch.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan