“Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa!”

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam có nhiều vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới mà đại diện là tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh đồng thời là vị anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất, bởi Người không chỉ hoạt động và sáng tạo văn hóa mà đã vận dụng, phát huy, kết hợp tinh hoa văn hóa thế giới với truyền thống văn hóa Việt Nam để qua đó nâng dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới, một vị trí xứng đáng trong nền văn hóa nhân loại. Là một nhà văn hóa lớn, phong cách Hồ Chí Minh quen thuộc với cả phương Đông và phương Tây, lại mang đặc trưng rất Việt Nam. Đó là cách tư duy, lối sống và làm việc của một nhà nho sâu sắc của xứ Nghệ, một trí thức uyên bác, một bậc hiền triết đại trí-đại nhân-đại dũng, một nhà ngoại giao phong phú kinh nghiệm, nhưng lại hòa nhập với cuộc sống của một người nông dân trên đồng ruộng, một công nhân với tác phong công nghiệp, một ông Ké ở vùng cao Việt Bắc, một thi nhân trân trọng, đồng cảm với thiên nhiên, một người cha trong đại gia đình dân tộc, thân quen, quan tâm, chăm sóc tất cả. Đó là nét đặc biệt của phong cách Hồ Chí Minh: bình thường, giản dị mà vĩ đại.

Với lòng bao dung và trái tim nhân hậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành hết tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, các thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế, cho tất cả Con Người nói chung và đối với cả thiên nhiên, Người có hiểu biết tường tận, thân thiện gắn bó, gây dựng, phát triển, bảo vệ môi trường tự nhiên. Từ những đầm sen, khóm huệ, hàng dâm bụt, bên giếng Cốc, trên núi Hồng ở quê hương thời niên thiếu cho đến rừng cây, tiếng suối, ánh trăng, hang đá, lán tranh, vạt đất trồng cải, giàn bí, bãi ngô trên những chặng đường hoạt động cách mạng và trường kỳ kháng chiến đã đọng lại trong tâm hồn Người một tình cảm sâu đậm đối với quê hương đất nước, bởi vậy Người luôn chú ý, lưu tâm tìm phương thức hòa hợp, thúc đẩy để thiên nhiên và con người giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Ở Trung Hoa cổ thời Xuân Thu Chiến quốc, pháp gia nổi tiếng Quản Trọng đã cho rằng: Nhất niên chi kế mạc nhi thụ cốc; Thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc; Chung thân chi kế mạc nhi thụ nhân (nghĩa là: Tính việc 1 năm thì phải trồng lúa; Tính việc 10 năm thì phải trồng cây; Tính việc cả đời thì phải trồng người), còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(1). Tư tưởng này đã được Người phát triển sâu rộng hơn, tích cực hơn, thiết thực hơn và mang tầm chiến lược vì quốc gia, vì con người và vì môi trường sống bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, vận động toàn dân cố gắng bù đắp lại cho thiên nhiên những gì mà chúng ta đã lấy đi vì kế sinh nhai, vì thiên tai địch họa để môi trường sinh thái đủ điều kiện phục vụ bền vững cho con người hiện tại tương lai, mà Người luôn luôn gương mẫu thực hành phong trào tăng gia sản xuất, trồng cây, cải thiện môi trường, phục vụ sinh kế. Trong 15 năm Người sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá có một ngôi Nhà sàn đơn sơ dưới bóng cây rộn tiếng chim, có khoảnh vườn trước nhà trồng hoa nhài, hoa mộc, hoa sói, dạ hương với hàng rào dâm bụt bao quanh như ở làng Sen, mấy luống đất trồng rau, phía bên kia là táo, bưởi, cam, hồng xiêm. Nhiều cây trong vườn gắn với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đều mang những nội dung giaó dục, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sau khi về Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra kính tặng. Người tự tay chăm sóc vun tưới cho cây rất cẩn thận. Mùa đông giá rét, Người nhắc anh em bện rơm quấn quanh thân cây và lấy mùn tấp vào gốc cây chống lạnh. Mùa mưa bão Người nhắc anh em chằng chống cho cây khỏi đổ. Cho đến nay cây vú sữa miền Nam vẫn tỏa bóng mát trên ngôi Nhà sàn Bác Hồ; Khi về thăm quê lần đầu tiên, các đồng chí Nghệ An đã biếu Người 10 cây cam lấy giống từ nông trường Đông Hiếu. Những cây cam quê hương này được Người trồng tại vườn sau Nhà sàn và chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt; Trường Đại học Nông nghiệp I biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 cây bưởi giống mới. Người đã trồng trên khu đất cạnh ao cá, những cây bưởi này đều xanh tốt, cho quả sai, to và ngọt. Vào mùa bưởi chín, Người đều nhăc anh em làm vườn hái quả để biếu các đồng chí trong Bộ Chính trị, anh chị em phục vụ trong cơ quan; Một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Công an nhân dân thấy các chiến sĩ biên phòng trông một loại cây thuốc chữa bệnh gọi là cây sống đời. Người đã nhờ anh em đi tìm hiểu và các chiến sĩ công an vũ trang đã gửi biếu Người giống cây này. Người đã trồng cạnh nơi tiếp cán bộ để tiện chăm sóc và quan sát; Trên đường vào Nhà sàn có một cây đa. Khi anh em thấy rễ phụ của nó buông xuống làm vướng lối đi nên định cắt bỏ. Thấy vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và gợi ý cho anh em cách kéo rễ đa xuống đất tạo vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa làm cây vững chắc hơn. Qua 3 năm công việc mới thành công và rễ đa này được đặt tên là rễ đa Kiên trì; Cũng là chuyện một cây đa đầu đường Xoài, có lần sau trận mưa to gió lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua đó phát hiện có một nhánh rễ đa rơi xuống mặt đất, Người nói anh em làm vười cuốn mấy chiếc rễ này lại thành hình tròn để cho nó phát triển tiếp. Để rồi, khi đón các cháu thiếu nhi vào chơi, các cháu tung tăng chạy nhảy trên bãi cỏ, chui qua lại cái rễ vòng rất thích thú; Quanh ao cá vốn mọc những cây cổ thụ giống thông có rễ trồi lên khỏi mặt đất trông như những tượng ông Bụt đứng soi gương bóng nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là cây Bụt mọc. Có lần, anh em phát hiện có một cây bị mối xông quá nửa thân cây, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm nên định chặt bỏ cây, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng ý. Người hướng dẫn cho anh em cách chữa cây mối xông và sau một thời gian cây lại phát triển tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại câu chuyện này để nhắc nhở, giáo dục cán bộ tính nhân văn và kinh nghiệm trong công tác quản lý; Một đêm khuya mùa đông giá rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe từ xa tiếng chổi tre của người công nhân vệ sinh đường phố. Người suy nghĩ tìm hiểu tìm cách giúp cho họ đỡ vất vả. Sau đó, khi sang thăm nước bạn, thấy một loại cây lá vẫn xanh tốt vào mùa đông, Người xin cây đó đưa về trồng thử nghiệm rồi nhân giống giúp cho người công nhân quét đường đỡ vất vả và gọi đó là cây xanh bốn mùa; Rồi cũng nhân chuyến đi thăm Hải Nam (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu có một loại cọ có thể lấy quả ép dầu làm thức ăn được, Người đưa ba cây cọ về trồng thử nghiệm trong vườn Phủ Chủ tịch; Có những cây trồng cũng là kỷ niệm cho tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam với các nước như hai cây dừa nhân dân Inđonesia biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm của Người tới đảo quốc này được trồng hai bên bờ ao cá trước Nhà sàn; Hai cây y lan do Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng để kỷ niệm sự kiện Liên Xô phóng thành công hai tàu vũ trụ sóng đôi Phương Đông 5, Phương Đông 6 và Người đặt tên là cây lan vũ trụ… Đặc biệt nơi được gọi là “phòng khách thiên nhiên” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là giàn hoa phía sau Phủ Chủ tịch giữa không gian vườn cây xanh lá, sum suê nổi bật màu đỏ thắm, màu hồng tím của những bông hoa giấy tạo nên cảnh quan thoáng đãng, rực rỡ, sinh động. Nơi đây chứng kiến nhiều buổi làm việc, những cuộc gặp gỡ, tiếp khách, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng thời cũng là sân khấu mở đối với các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong nước.

Ngày 28 tháng 11 năm 1959, trong bài Tết trồng cây đầu tiên ký bút danh Trần Lực đăng báo Nhân Dân nhằm phát động phong trào trồng cây vào dịp đầu xuân, Người đã viết: “Trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”(2). Ngay dịp đầu xuân năm sau, ngày 19/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu ký bút danh Trần Lực đăng báo Nhân Dân, Người vui mừng thông báo: “Khắp miền Bắc từ thành thị đến nông thôn, đồng bào đã nhiệt liệt hưởng ứng Tết trồng cây”(3). Kể từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tham gia các phong trào trồng cây gây rừng, trồng cây phủ xanh môi trường, tết trồng cây ở Hà Nội cũng như tại các địa phương và Tết trồng cây chính thức trở thành một phong trào sôi nổi nhân dịp xuân mới của nhân dân ta. Mùa xuân 1969 cũng là mùa xuân thứ 10 của phong trào Tết trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết bài Tết trồng cây ký bút danh Trần Lực đăng báo Nhân Dân, Người kêu gọi: “Ngày nay đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có lợi ích to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, dã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Năm nay chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy”(4). Ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm huyện Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) gặp gỡ dại biểu cán bộ và nhân dân tại đồi cây “Đón Bác Hồ”. Quả đồi này vốn tên là đồi Váng. Năm 1963, nhân dân xã Vật Lại thực hiện lời kêu gọi của Người, đã phủ xanh đồi trọc và đặt tên mới là đồi cây “Đón Bác Hồ” để nói lên lòng mong mỏi của nhân dân được đón Bác Hồ về thăm và mùa xuân năm nay nguyện vọng của nhân dân đã thành hiện thực. Đúng 11h, xe của Người đến nơi. Các cụ phụ lão, các đồng chí cán bộ lãnh đạo và nhân dân địa phương, các cháu thiếu nhi đã chờ sẵn, vui mừng đón Bác Hồ ngày đầu năm mới. Người vui vẻ chúc tết các cụ cao niên, hỏi thăm phong trào trồng cây gây rừng ở xã và việc trả thù lao cho các cụ trồng cây. Người chia kẹo cho các cháu thiếu nhi và căn dặn các cháu tùy sức tham gia lao động giúp đỡ cha mẹ. Các đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư tỉnh ủy Hà Tây và Phạm Kiệt, Tư lệnh bộ đội biên phòng mời Bác trồng cây. Khi đến hố trồng cây, Người vừa cầm xẻng xúc đất đổ vào gốc cây vừa hỏi xem khi chuẩn bị cây có còn nguyên rễ cái để cây phát triển không? Vun đất xong, Người lại cầm bình tưới nước cho cây. Thấy có phóng viên chẳng may giẫm gãy một cây mít non, Người nhắc ngay không được đưa hình cây gãy vào phim, ảnh. Đồng chí Minh Đạt tham gia đón Người kể lại: “Từ mờ sớm chúng tôi đã cùng bà con xã viên tập trung đông đủ. Người người vui sướng, phấn khởi với đầy đủ dụng cụ đứng bao quanh đồi Yên Bồ. Chúng tôi đang hồi hộp trông chờ thì Bác đến. Bác Hồ đó, vẫn giản dị trong bộ quần áo bạc màu. Bác tươi cười chào mọi người. Lên đến đỉnh đồi, nơi Bác sẽ trồng cây đa ở đó, đồng chí Chu Công Tự, bí thư Đảng uỷ xã Vật Lại cảm động nói: “Thưa Bác! Từ trước đến nay, chúng cháu chưa có dịp đón Bác về thăm. Sau khi phát động tết trồng cây, chúng cháu làm đồi cây này đặt tên là “Đồi cây đón Bác” khu vực Bác sẽ về thăm. Nay, cháu đã có tuổi rồi, được đón Bác về, chúng cháu mừng không sao kể xiết!”. Bác giải thích cho mọi người hiểu lợi ích của việc trồng cây. Bác nói ngắn gọn nhưng mỗi lời của Bác đã ghi sâu vào tâm khảm chúng tôi cho đến ngày nay. Tôi nhớ đại ý Bác nói: Bác tính nếu mỗi cây giá trị một đồng, chúng ta trồng một triệu cây được một triệu đồng, nếu trồng 10 triệu cây được 10 triệu đồng. Như vậy, trồng cây là một việc làm ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều… Sau khi nghe Bác hỏi một số bà con, chúng tôi mời Bác trồng cây, trước khi trồng Bác hỏi chúng tôi: “Cây đa có rễ không?”. Chúng tôi đáp: “Thưa Bác có ạ!”. Chúng tôi chưa hiểu vì sao Bác lại hỏi như vậy, Bác giải thích: “Có lần Bác cũng đi trồng cây như thế này, nhưng các đồng chí không chuẩn bị trước nên chặt cành cây cắm xuống để Bác trồng”. Nghe xong chúng tôi cùng cười vui vẻ”(5). Trồng cây xong, Bác Hồ cùng mọi người vui vẻ quây quần dưới tán bạch đàn trò chuyện. Đồng chí Bí thư mời Bác về cơ quan Tỉnh ủy dùng cơm và nghỉ trưa, nhưng Người nói: “Bác đã chuẩn bị thức ăn trưa rồi, mời chú Phong, chú Kiệt và các cô, các chú có mặt ở đây cùng ăn tết với Bác”(6). Mọi người phấn khởi, vui vẻ ngồi quây quần xung quanh Bác, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Sau bữa cơm, Bác bảo: “Đi chơi xuân nơi đồi núi thơ mộng thì phải lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Thảm cỏ sạch thế này tôi nằm nghỉ ngay đây có khoái không?”(7). Mặc dù anh em đã chuẩn bị giường bạt nhưng Người cởi áo làm gối ngả lưng nằm giữa đồi cỏ. Buổi chiều khi Người ra về, đồng bào chờ tiễn rất đông dưới chân đồi. Anh em lo Người đang mệt, không muốn cho mọi người nhìn thấy nên đề nghị Người cứ ngồi trong xe vẫy chào tạm biệt nhưng Người không đồng ý: “Nhân dân yêu quý Bác nên mới chờ để tiễn Bác. Bây giờ Bác lại ngồi trên xe để vẫy chào nhân dân thì không phải với dân!”(8). Và Người đã cố gắng chống gậy đi bộ, tươi cười vẫy tay chào lại đồng bào rồi mới lên xe về Hà Nội. Sau đó mấy tháng, từ ngày 10 đến 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục xem và sửa lại lần cuối bản Di chúc lịch sử, trong đó Người đã mong muốn sau khi mất được hỏa táng rồi tro cốt của mình được chôn cất trên mỗi một quả đồi ở ba miền Bắc-Trung-Nam và gợi ý: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(9). Những câu từ xúc động trong bản Di chúc của Người để lại cho chúng ta đã phản ánh tâm hồn, đạo đức, tình yêu chứa chan đối với con người và cả với thiên nhiên của một vĩ nhân suốt đời cống hiến quên mình vì đất nước, vì nhân dân và vì lợi ích mai sau của dân tộc.

Từ Tết trồng cây đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đến nay đã tròn 60 năm, tư tưởng “vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, mùa xuân là tết trồng cây, trồng cây gây rừng” của Người không chỉ mang tính chiến lược lâu dài, giúp ích cho nông nghiệp, kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, vì một môi trường xanh bền vững, mà đó còn là một điểm sáng vô cùng đặc biệt, sâu sắc, độc đáo trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh để chúng ta học tập và làm theo.

Bài viết liên quan