Hiến kế xây dựng thành phố thông minh

Thông qua các kênh như: điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội…, người dân Đà Nẵng đóng góp cho thành phố nhiều ý tưởng để xây dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh và tiện nghi hơn.

Trung tâm Thông tin Dịch vụ công là đầu mối tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến đóng góp của người dân thành phố.
Trung tâm Thông tin Dịch vụ công là đầu mối tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến đóng góp của người dân thành phố.

Truy cập vào địa chỉ http://gopy.danang.gov, tìm mục “Thành phố thông minh”, sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng loạt ý kiến, đề xuất của người dân cho Đà Nẵng. Điển hình, một ý kiến cho rằng, hiện thành phố còn thiếu các thùng rác công cộng, đặc biệt là trên các tuyến đường lớn, các khu vực công cộng thường tập trung đông người; trong khi đó, nhiều thùng rác có sẵn lại hay bốc mùi khó chịu, không vệ sinh.

Đi kèm với phản ánh, người dân này còn đề xuất thành phố có thể lắp đặt roan cao su trên nắp thùng rác để giữ kín mùi bên trong, lắp cần gạt bên hông thùng rác để mở nắp dễ hơn, tránh chạm tay vào rác…

Phản hồi ý kiến của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày rõ về hệ thống thùng rác công cộng đang được lắp đặt trên địa bàn thành phố, đồng thời nêu lý do tại sao thùng rác thường phát sinh mùi hôi.

Sở cho biết, sẽ giao Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất của người dân để thiết kế một số thùng rác công cộng, bố trí thí điểm trên một số tuyến đường nhằm đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.

Trong lĩnh vực du lịch, một công dân khác đề xuất: Đà Nẵng có thể xem xét triển khai thẻ tích điểm cho du khách khi sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… trên địa bàn thành phố; đồng thời dẫn chứng về một số thành phố, công ty du lịch… đã làm điều này hiệu quả và mong muốn trở thành hình mẫu để Đà Nẵng tham khảo.

Trước đề xuất này, Sở Du lịch cho biết, đã và đang tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để tham mưu cho UBND thành phố về việc xây dựng và triển khai các ứng dụng du lịch thông minh; trong đó, việc triển khai thẻ du lịch thông minh đã đưa vào các nội dung sẽ thực hiện trong thời gian đến.

Bà Hoàng Ngọc Lan, Trưởng phòng Tiếp nhận – Giải đáp thông tin của Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Sở Thông tin và Truyền thông) cho hay, hiện Đà Nẵng có hai kênh chuyên trách làm “cầu nối” giúp người dân hiến kế cho thành phố.

Bên cạnh việc đăng tải ý kiến lên trang website http://gopy.danang.gov hoặc ứng dụng di động “Góp ý Đà Nẵng”, người dân còn có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài dịch vụ công 1022 (0236.1022); hoặc người dân hiến kế qua các kênh thông tin khác, đầu mối tiếp nhận vẫn là Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng.

Theo bà Lan, đa phần ý kiến của người dân đều xuất phát từ chính những tình huống làm việc, sinh hoạt thường ngày. Trong một lần đi làm giấy tờ ở bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Hành chính thành phố, anh Nguyễn Hoàng Linh (trú quận Thanh Khê) nghĩ ra ý tưởng về một ứng dụng giúp người dân lấy số thứ tự và kiểm tra thời gian chờ đợi của mình ngay trên điện thoại thông minh. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành công nghệ thông tin, anh Linh cho rằng, ứng dụng này không phức tạp, kinh phí chỉ dưới 20 triệu đồng và nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng có thể làm được. Nói về ý tưởng của mình, anh Linh nói:

“Sáng hôm ấy tôi vừa đăng tải ý kiến, thì đến chiều đã thấy thư điện tử phản hồi của Trung tâm Thông tin dịch vụ công. Lúc đó, tôi được biết thành phố đã triển khai ý tưởng này thành hiện thực rồi, người dân có thể tra cứu số thứ tự của mình qua tin nhắn hoặc qua trang web http://motcua.danang.gov.vn.

Tôi đánh giá cao cách làm việc nhanh, gọn, chuyên nghiệp của thành phố. Hy vọng các số điện thoại và địa chỉ trang website tra cứu này sẽ được dán nhiều hơn ở các bộ phận “một cửa”, để người dân không phải chờ đợi”.

Qua tìm hiểu, việc người dân hiến kế thành phố thông minh được bắt đầu từ tháng 3-2018, ban đầu nhằm phục vụ chương trình đối thoại “Thanh niên Đà Nẵng với thành phố thông minh”. Sau đó, các kênh hiến kế vẫn tiếp tục được duy trì, để không chỉ thanh niên mà toàn bộ người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố có thể tham gia.

Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, Trung tâm Thông tin dịch vụ công đã tiếp nhận hơn 50 hiến kế của người dân về việc xây dựng thành phố thông minh. Bà Lan cho biết thêm, tất cả các hiến kế đều được trung tâm ghi nhận, xử lý và phúc đáp.

Nếu ý kiến có thể thực hiện được ngay, trung tâm sẽ chuyển cho các sở, ngành liên quan để xử lý. Nếu ý kiến chưa thể thực hiện được ngay, sẽ xem xét tính khả thi, tham mưu lên kế hoạch… Tất cả các ý kiến đều được tổng hợp để trình lên UBND thành phố.

Không chỉ góp ý qua kênh điện thoại 1022 và trang web gopy.danang.gov, nhiều người dân thành phố còn xem trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp” như một kênh đăng tải ý kiến đáng tin cậy. Dù chưa có cơ chế phối hợp chính thức, đội ngũ quản trị trang facebook này và Trung tâm Thông tin dịch vụ công vẫn thường chủ động trao đổi thông tin để tìm cách xử lý.

Nhờ đó, nhiều phản ánh của người dân đã được giải quyết nhanh chóng, kết quả được đăng tải cụ thể trên cổng thông tin điện tử của thành phố để nhiều người cùng theo dõi.

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin dịch vụ công, mọi ý kiến của người dân đều được ghi nhận, phản hồi giúp kích thích nhiều người cùng chung tay đóng góp cho Đà Nẵng. Song song đó, chính quyền thành phố cũng nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ đó tìm cách tạo ra những tiện nghi phục vụ cho cuộc sống.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định: “Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh với tiêu chí lấy người dân làm gốc và làm chủ thể sáng tạo. Người dân cũng chính là người sử dụng, đánh giá hiệu quả. Do đó, có thể nói sự hài lòng của người dân chính là thước đo cho sự thành công của đề án này.”

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan