Đồng chí Trương Trung Phương – Gương điển hình tiên tiến, giai đoạn 2015 – 2020
Đồng chí Trương Trung Phương – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng
Đồng chí Trương Trung Phương
32 năm tuổi đời, hơn 16 năm gắn bó với màu áo xanh rong ruổi khắp các ngả đường từ đô thị sầm uất với những đợt sinh hoạt tuyên truyền, vận động, gỡ bảng quảng cáo, rao vặt… đến những địa phương xa trung tâm, nơi ánh sáng văn minh dường như chỉ mới bắt đầu len lỏi trong cộng đồng để giúp dân làm đường, sửa nhà, dạy học,… Trong quãng thời gian đó, tôi đã gặp không biết bao mảnh đời, đã nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc cùng nhiều trở ngại mà điều tôi sắp kể ra đây là một trong số đó, trở ngại mà tôi gọi với cái tên Hành trình “Khai tâm”.
Hành trình đó bắt đầu từ mùa hè năm 2018, năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau 5 năm liên tục Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN chúng tôi tham gia hỗ trợ xã Hòa Nhơn (Đà Nẵng) hoàn thành các hạng mục nông thôn mới. Trong 5 năm đó, chúng tôi đã tham gia nhiều phần việc hết sức ý nghĩa, mà trọng tâm là giúp đỡ nhân dân địa phương bê tông hóa các tuyến đường giao thông. Với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương cùng sự hỗ trợ của các đơn vị tình nguyện trong đó của SVTN của Trường Đại học Sư phạm, xã Hòa Nhơn đã chính thức được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sở dĩ nói năm 2018 là năm đánh dấu bước ngoặt trong công tác tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm bởi lẽ, mùa hè năm 2018 chúng tôi đã thay đổi địa bàn tổ chức hoạt động tình nguyện ra một địa phương khác ngoài phạm vi Đà Nẵng, đó là xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và cũng là năm đầu tiên chúng tôi bắt đầu triển khai mô hình tình nguyện mới với khẩu hiệu hành động “Mang tri thức đến cộng đồng – Chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Đến với địa phương mới, khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải đó chính là phải bắt tay lại từ đầu trong tất cả các khâu của hoạt động tình nguyện mà việc quan trọng nhất là thuyết phục địa phương đồng ý với mô hình tình nguyện mới. Trong phiên làm việc đầu tiên với lãnh đạo địa phương, mặc dù trước đó đã được đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên xã báo cáo về năng lực của chúng tôi trong việc triển khai hoạt động tình nguyện hè song chúng tôi vẫn cảm nhận được sự nghi ngại trong ánh nhìn của lãnh đạo địa phương, dù không nói ra nhưng chúng tôi hiểu họ đang phân vân về khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên Trường Đại học Sư phạm, bởi lẽ những phần việc mà địa phương cần đều là những công việc khá nặng nhọc, các bạn sinh viên đại học chân yếu tay mềm khó có thể đảm nhận. Tuy nhiên, càng về cuối buổi làm việc, khi hai bên đã dần hiểu nhau hơn, nhất là khi nghe chúng tôi trực tiếp trao đổi về “hồ sơ năng lực” trong hơn 10 năm tham gia công tác tình nguyện ở nhiều mặt trên dọc các tỉnh miền Trung và đề xuất ý tưởng mới thiên về phát huy trí tuệ của tuổi trẻ Nhà trường như hỗ trợ giống và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, giáo dục chống xâm hại tình dục ở trẻ em, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lí rác thải… thì sự nghi ngại dần mất đi và thay vào đó là sự tin tưởng và chia sẻ.
Sau khi xóa bỏ hoàn toàn tâm lý e ngại, thuyết phục thành công lãnh đạo địa phương về mô hình tình nguyện mới, chúng tôi cùng bắt tay vào triển khai các bước tiếp theo như lựa chọn đối tượng thụ hưởng, triển khai tuyển chọn và huấn luyện các đội hình tình nguyện, vận động các nguồn hỗ trợ… Trong khi mọi việc đang việc đang diễn ra khá suôn sẻ thì một trở ngại mới xuất hiện, buộc chúng tôi phải thực hiện “khai tâm” lần thứ hai, lần này là chính trong đội ngũ tình nguyện viên – những người sẽ trực tiếp cụ thể hóa ý tưởng của chúng tôi đến cộng đồng. Chuyện là như thế này, số tình nguyện viên chúng tôi lựa chọn được đến từ nhiều đơn vị khác nhau, phần lớn là những tình nguyện viên có nhiều kinh nghiệm vì đã tham gia các mùa hè tình nguyện trước đó, những mùa hè mà hoạt động tình nguyện chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn. Họ đặt ra vấn đề, tại sao phải thay đổi khi lâu nay hoạt động tình nguyện hè diễn ra theo hình thức cũ vẫn đạt được những thành công lớn mà minh chứng là các bằng khen, giấy khen từ trung ương đến thành phố và sự ghi nhận của nhân dân địa phương. Một số đồng chí khác lại cho rằng, việc làm mới hoạt động tình nguyện là tốt nhưng khó bởi các nguyên nhân. Thứ nhất, mô hình tình nguyện cũ vẫn đang phát huy hiệu quả, dễ triển khai mà sản phẩm để lại cho địa phương cụ thể, rõ ràng. Thứ hai, các tình nguyện viên là sinh viên dù sao cũng còn non kinh nghiệm, năng lực có hạn, nếu làm không khéo sẽ phản tác dụng. Thứ ba, sản phẩm của mô hình mới không thấy ngay được, chính vì vậy dễ gây tâm lí chán nản trong tình nguyện viên cũng như sự nghi ngại của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc triển khai trong những năm tiếp theo. Thật may mắn cho chúng tôi khi ý tưởng mới luôn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà trường, các khoa chuyên môn và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất về ý chí lẫn hành động trong Ban Thường vụ Đoàn trường nhờ đó chúng tôi đã tích cực giải thích để tình nguyện viên hiểu về ý nghĩa của mô hình tình nguyện mới song song với việc khuyến khích TNV đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Để chắc chắn hơn, chúng tôi đã lập ra các nhóm chuyên trách các hoạt động, đứng đầu mỗi nhóm là một giảng viên trẻ có năng lực chuyên môn tốt hỗ trợ. Nhờ đó, sau nhiều tháng chuẩn bị chúng tôi đã triển khai các nhiệm vụ một cách thuận lợi, hiệu quả và sau 2 năm (2018, 2019) triển khai mô hình tình nguyện mới, hiệu quả hoạt động đã vượt xa ngoài mong đợi, chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn chúng tôi tiếp tục hỗ trợ địa phương trong năm thứ 3 liên tiếp đồng thời duy trì một số hoạt động xuyên suốt trong năm. Với các bạn tình nguyện viên, họ không còn nghi ngờ về hiệu quả của mô hình mới và trở nên tích cực hơn. Các đoàn viên, các liên chi đoàn trong toàn trường cũng nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu, đề xuất thêm những phần việc tình nguyện mới theo lĩnh vực chuyên môn của đơn vị. Song trên tất cả, thành quả lớn nhất mà chúng tôi cho rằng mô hình tình nguyện mới đã mang lại chính là sự lan tỏa của tinh thần “ai cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện bằng chính năng lực của bản thân mình”. Đó chính là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình tình nguyện này trong những năm tiếp theo.
Tin, hình: TTP – Đoàn trường Sư phạm Đà Nẵng