Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – di sản văn hóa chính trị của Đảng, của dân tộc
1. Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc. Di sản Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta và nhân loại tiến bộ nói chung rất phong phú, sâu sắc, phản ánh cô đọng những giá trị tư tưởng nhân văn: “Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. (Ảnh tư liệu) |
Với tư cách là lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên xác định tầm quan trọng của lý luận cách mạng, đề ra những nguyên tắc, yêu cầu đối với lý luận và công tác lý luận của Đảng cách mạng ở Việt Nam trong thời đại sau Cách mạng tháng Mười Nga. Ngay trong trang bìa tác phẩm “Đường Kách mệnh” (xuất bản năm 1927), Hồ Chí Minh đã dẫn luận điểm của V.I Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh, tiên phong”[1]. Người chỉ rõ:“Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” và “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”[2].
Để là lý luận tiên phong, Người xác định, lý luận ấy phải xuất phát từ thực tiễn, phải được chứng minh trong thực tiễn và khi được vận dụng vào thực tiễn, nó phải được bổ sung, phát triển ngày càng phong phú và sâu sắc, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và của tư duy. Lý luận đó được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, những thành tựu các khoa học, những giá trị trong các học thuyết chính trị của nhân loại, tổng kết những kinh nghiệm phong phú trong hoạt động thực tiễn của các tầng lớp xã hội.
Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tầm vóc của nhà lý luận kiệt xuất trong xây dựng Đảng cách mạng để lãnh đạo những người yêu nước Việt Nam thực hành sứ mệnh: Giải phóng dân tộc, giải phóng lao động, giải phóng con người. Để hoàn thành được sứ mệnh “to tát – giải phóng gông cùm cho đồng bào”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mệnh. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[3].
Khảo cứu các chủ nghĩa, học thuyết đương thời, Hồ Chí Minh đã mang đến cho những người yêu nước Việt Nam sự thức tỉnh mới mang tính thời đại:“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”[4]. Tài năng của Người không chỉ thể hiện trong xác định đúng đường hướng- mục tiêu chiến lược, quan trọng hơn là khả năng – nghệ thuật thực hành cách mạng, từ tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh dân tộc, tập hợp, xây dựng lực lượng đến phân hóa kẻ thù; tiên liệu tình hình, chớp thời cơ… tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giải phóng dân tộc, chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu chiến lược đã xác định.
Xuất phát từ điều kiện đặc thù của tiến trình cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hành xuất sắc lý luận “kháng chiến, kiến quốc”, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Sau khi thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ gây hấn…, mặc dù phải dồn sức cho mục tiêu chiến lược giải phóng dân tộc, nhưng Hồ Chí Minh và Đảng của Người đã có những tìm tòi, thể nghiệm, và có những đóng góp quan trọng trong việc xác định nội dung, hình thức công cuộc xây dựng chế độ chính trị mới, nền kinh tế, nền văn hóa mới – tạo nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Với tầm nhìn của nhà văn hóa đồng thời cũng là người lãnh đạo, quản lý đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sớm lưu tâm đến việc xây dựng chế độ mới, đời sống mới, xã hội mới.
Nổi bật là lý luận về Đảng cầm quyền, về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hành các giải pháp để cán bộ, đảng viên rèn luyện, xứng đáng vừa là “người lãnh đạo vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”; lý luận về xây dựng, củng cố thể chế chính trị dân chủ với hệ thống quan điểm và chủ trương, biện pháp nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; về xây dựng Nhà nước gần dân, trọng dân, lo cho dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội; lý luận về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau…
2. Thế giới luôn đổi thay, lý luận và cách thức về xây dựng xã hội phát triển do đó phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện. Trong bối cảnh ngày nay, để tiếp tục xứng đáng vai trò của Đảng tiên phong – lãnh đạo quá trình phát triển đất nước, quán triệt và phát huy di sản văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, phải chăng các cấp độ chủ thể lãnh đạo có trọng trách làm sáng tỏ và thực hành một số nội dung, nhiệm vụ căn cốt sau: Thứ nhất, xác định nhịp điệu, bước đi trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lý giải sâu sắc hơn những vấn đề liên quan đến mục tiêu chiến lược (mô hình mục tiêu vừa định tính vừa định lượng) cần đạt đến; những đặc điểm, tiềm năng, nguồn lực, các rào cản bên trong; dự báo xu hướng vận động (thế giới và trong nước), giả định một số kịch bản chính…
Từ đó để xác lập các quyết sách mang tính khả thi, góp phần từng bước hiện thực hóa mô hình mục tiêu (từng giai đoạn và suốt thời kỳ). Thứ hai, làm rõ hơn nữa cơ sở khoa học và những yêu cầu cụ thể trong định hướng chính trị quá trình phát triển kinh tế (thị trường); xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng: hài hòa, bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế thị trường gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số…, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Thứ ba, xác định những vấn đề liên quan đến sự biến đổi xã hội, cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội để có phương thức quản lý hiệu lực, hiệu quả – giải quyết hài hoà quan hệ giữa các nhóm, giai tầng; xác định rõ hơn vai trò của đội ngũ doanh nhân và các nhóm tinh hoa để xác lập chính sách tạo dựng sự đồng thuận xã hội, hướng đến mục tiêu chung: xã hội năng động, hài hòa, văn minh. Đặc biệt quan tâm tìm kiếm các giải pháp chăm lo đời sống văn hóa – vừa bảo lưu giá trị truyền thống, vừa chủ động chọn lọc, dung hợp các giá trị tiến bộ, văn minh của nhân loại, mang đến sự bùng nổ nhân tố Người. Thứ tư, tổng kết kinh nghiệm cầm quyền của Đảng ta.
Đổi mới nhận thức, mô hình tổ chức, nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu thời đại mới, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng gắn với tạo lập cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong Nhà nước, trong hệ thống chính trị nói chung. Tạo chuyển biến thực sự về tư duy, tầm nhìn của Đảng đối với các quan hệ trong và ngoài, chú trọng tính toàn diện, cân đối, song cũng không tách biệt xem nhẹ một mối quan hệ nào. Đi sâu nhận thức bản chất của quan hệ với quan điểm phức hợp, tư duy hệ thống, chú trọng liên kết các quan điểm, các quan hệ trong hệ thống mà cốt lõi là giữ vững độc lập tự chủ của dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Hiện thực hóa được những nội dung đã đề cập, thiết nghĩ là cách thể hiện sinh động nhất sự tiếp nối các giá trị nhân văn, cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước “hơn mười ngày nay”. Đó cũng là hành động thiết thực thể hiện tình cảm, lòng thành kính của các thế hệ con, cháu chúng ta trước anh linh của Người.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng