Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao
Với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha, gồm 8 khu chức năng, đến thời điểm này, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và 2, cung cấp hơn 350 ha đất sạch để phục vụ hoạt động thu hút đầu tư của thành phố; giai đoạn 3 của dự án đang thi công, đạt khoảng 40% khối lượng.
Khu công nghệ cao được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Trụ sở công trình Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, dự án khu công nghệ cao đã được bố trí vốn để triển khai là 3.013 tỷ đồng (trong đó vốn từ ngân sách Trung ương 1.580 tỷ đồng, vốn địa phương 1.433 tỷ đồng), đạt gần 50% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt cho dự án là hơn 8.841 tỷ đồng (vốn Trung ương hơn 3.142 tỷ đồng, vốn địa phương hơn 1.491 tỷ đồng và vốn khác hơn 4.206 tỷ đồng).
Các công trình hạ tầng đã hoàn thành gồm Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Trung tâm ươm tạo. Để phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện cả 3 giai đoạn của dự án, đến nay các địa phương đã hoàn thành 2.913/2.979 hồ sơ giải phóng mặt bằng và di dời 14.500 ngôi mộ, hiện còn 66 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng.
Ông Hồ Thuyên, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng và hoàn thiện giai đoạn 3 của dự án, đó là công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất khiến tiến độ triển khai công trình gặp vướng mắc.
Để tháo gỡ nút thắt này, UBND thành phố đã chỉ đạo Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2020 để tập trung đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của giai đoạn 3 nhằm phục vụ công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Bày tỏ mong muốn cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhằm cung cấp đầy đủ hơn các cơ sở vật chất để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) cho rằng, khi đã có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng, Khu công nghệ cao sẽ góp phần tạo thêm ưu thế cho môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, vốn được đánh giá cao trong nhiều năm qua.
Theo số liệu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đến nay, Khu công nghệ cao đã thu hút được 18 dự án, trong đó có 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 336,9 triệu USD và 9 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng.
Hiện đã có 6/18 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm tỷ lệ trên 33%), trong đó có 4/6 dự án là của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn 260 triệu USD, gồm: dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ), dự án Nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Techonology (Nhật Bản), dự án Nhà máy Niwa Foudy Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực… (Nhật Bản) và Nhà máy Sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc). Hai dự án có vốn đầu tư trong nước là dự án Nhà xưởng công nghệ cao của Công ty CP Long Hậu và Nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tử tự động Biển Đông – ESTEC).
Hạ tầng Khu công nghệ cao được hoàn thiện sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động thuận lợi hơn. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC)). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Về định hướng và kế hoạch thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao trong năm 2020, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu…
Với kỳ vọng là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ cao trong thời gian đến, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo; trong đó, tiếp tục tăng cường tổ chức các chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế, liên kết giữa các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong nước với các chủ đề liên quan để đẩy mạnh thu hút đầu tư; đặc biệt chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa ở lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tạo giá trị sản phẩm cao. Về đối tượng và lĩnh vực thu hút đầu tư, xác định tập trung thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 1 trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng đầu tiên của cả nước, được thành lập với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có sứ mệnh quan trọng trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa chiến lược phát kinh tế – xã hội, khoa học – kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng cũng như cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khu công nghệ cao Đà Nẵng hướng đến trở thành một khu đô thị sinh thái, có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu, phát triển, đào tạo và sản xuất. |
Nguồn: KHÁNH HÒA – Báo Đà Nẵng