Bản sắc Đà Nẵng

Điều gì tạo nên bản sắc Đà Nẵng? Đó là câu hỏi, cũng là niềm tự hào khi nhắc đến một thành phố luôn mang khát vọng sáng tạo không ngừng trên nền tảng hội tụ các yếu tố về nhân lực, văn hóa, môi trường phát triển… Đà Nẵng Xuân chia sẻ một số góc nhìn để tìm lời giải cho câu hỏi này.

Tại Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng.Ảnh: ANH DUY
Tại Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng. Ảnh: ANH DUY

* GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Một vùng đất hiếu học

Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng vốn có truyền thống hiếu học. Trải qua các thời kỳ lịch sử, bao thế hệ cha anh đã gây dựng nên một nền tảng văn hóa, giáo dục, tạo nên bản sắc về nhân cách con người của một vùng đất. Tuy nhiên, do Đà Nẵng trước đây vẫn là đô thị, cửa ngõ giao thương quốc tế nên con người Đà Nẵng thích ứng đổi mới và năng động hơn. Ở thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, Đà Nẵng đã có nhiều ngôi trường giàu truyền thống.

Nay, giáo dục Đà Nẵng phát triển khá toàn diện ở tất cả các bậc học, tạo nên một diện mạo giáo dục, đào tạo khác biệt, đi đầu so với các địa phương trong cả nước với hơn 66% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 15%); đi đầu trong triển khai xây dựng trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ mầm non theo tiêu chuẩn quốc tế tại khu chế xuất, khu công nghiệp; áp dụng những mô hình mới, tiên phong trong giáo dục phổ thông; ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội. Nhiều ngôi trường nổi bật với truyền thống dạy và học; trong đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là điểm sáng đặc biệt, cho thấy cách nghĩ và cách làm mới của Đà Nẵng trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Đà Nẵng hiện đứng thứ 3 cả nước về số lượng các trường đại học. Các trường đại học công lập và tư thục ngày càng mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới quản lý, chương trình, phương pháp đào tạo, thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; đi đầu trong kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có kiểm định quốc tế, châu Âu, Mỹ. Đà Nẵng đã cung cấp cho xã hội những nhân lực tri thức cao. Học sinh, sinh viên xuất thân từ Đà Nẵng có nhiều người thành đạt, trở thành lãnh đạo, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, doanh nhân… trên khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Các công ty hàng đầu của Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới Google, Microsoft, Facebook, Amazon, Apple, IBM… đều có mặt những học sinh từ Đà Nẵng.

Một đất nước, một địa phương có nhiều hiền tài luôn phải nhờ vào các cơ sở đào tạo nhân lực biết lập chiến lược đào tạo phù hợp, tạo được môi trường tích cực quy tụ và phát triển nhân tài cho Đà Nẵng. Trong đó, giáo dục phổ thông phải làm nòng cốt đào tạo cơ bản, hình thành nhân cách con người. Các trường đại học phải đảm nhận phần lớn nhất trách nhiệm này, xem đây là nơi đào tạo, giáo dục sinh viên biết trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng đất mà lớp lớp cha anh mình đã kiệt sức gìn giữ; phải xem đó như là nguồn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

* PGS.TS Lâm Chí Dũng, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng: Đô thị hóa mạnh mẽ mang bản sắc riêng

Nói về bản sắc kinh tế của một vùng đất như thành phố Đà Nẵng không thể không bắt đầu bằng câu chuyện về đặc tính nổi trội của người Đà Nẵng nhìn từ khía cạnh kinh tế. Những yếu tố lịch sử và địa lý đặc thù của vùng đất này đã hình thành nên “tính năng động kinh tế” của người Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng quý là tính năng động đó lại gắn liền, hay đúng hơn, được đặt trên nền tảng đạo đức kinh doanh. Ở đâu cũng có người này, người kia, dĩ nhiên, nhưng người Đà Nẵng vẫn được thừa nhận rộng rãi là có sự chân thực, trọng thực chất, dị ứng với những thứ màu mè, hoa mỹ, biết chia sẻ lợi ích cho đối tác, cho khách hàng, trọng chữ tín… Trong buổi giao thời của kinh tế thị trường sáng, tối đan xen, những tố chất đó là chất liệu vô giá cần gìn giữ và phát huy.

Ấn tượng nổi bật về những đặc điểm có tính “bản sắc” của kinh tế Đà Nẵng phải nói đến đầu tiên là về quy mô, tốc độ và chất lượng của tiến trình đô thị hóa. Rõ ràng, Đà Nẵng đã có những lợi thế lớn so với một số địa phương khác của miền Trung. Tuy nhiên, lợi thế cũng sẽ chỉ là tiềm năng và nếu không tận dụng cơ hội, thậm chí nó có thể trở thành lực cản. Có thể nói (dù có những điểm tối nào đó), Đà Nẵng đã và đang thành công trong nỗ lực tăng tốc tiến trình đô thị hóa một cách chủ động, không phải để thị trường tự phát, không thụ động ngồi chờ sự đầu tư của Trung ương. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ. Đồng thời, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng trong nhiều năm liền luôn đứng đầu hoặc trong tốp đầu. Đà Nẵng còn rất nhiều tiềm năng để tăng tốc phát triển hướng đến một trung tâm kinh tế hàng đầu theo định hướng hiện đại và xanh. Đà Nẵng sẽ phải tăng tốc để đừng bỏ lỡ vai trò trung tâm của mình dựa trên những tiền đề nói trên.

Phát triển công nghiệp, nông nghiệp dựa trên những ngành có giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng theo tôi, nên ưu tiên cho việc xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm của toàn vùng miền Trung-Tây Nguyên (và cũng có thể vươn ra tầm cỡ khu vực) về dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là giáo dục đại học, dịch vụ logistics; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Ngoài ra, một đô thị trung tâm đúng nghĩa cần phải đầu tư mạnh mẽ cho việc hình thành một nền công nghiệp giải trí xứng tầm. Ở đây, rất cần một tư duy về xác định thứ tự ưu tiên, vốn là một đặc điểm của tư duy quản lý hiện đại.

* Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: Cơ hội phong phú cho khởi nghiệp

Qua 4 năm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể thấy Đà Nẵng có những ưu điểm riêng, phù hợp cho sự phát triển của một số nhóm startup nhất định.

Thứ nhất là nhóm startup đi từ gia công với giá trị gia tăng thấp lên thành chế tạo sản phẩm với giá trị gia tăng cao hơn. Đà Nẵng vốn là một trung tâm gia công công nghệ trong nhiều năm, chủ yếu là gia công phần mềm và quy trình kinh doanh cho khách hàng Nhật Bản, Mỹ… Điều này giúp Đà Nẵng xây dựng đội ngũ đạt tiêu chuẩn cao, đồng thời tạo ra cơ hội phong phú cho khởi nghiệp. Ngày nay, nhiều công ty mới thành lập được tích hợp vào một doanh nghiệp ở nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị. Ví dụ, Công ty TNHH Lovepop Việt Nam là một startup có mặt tại Đà Nẵng chỉ mới 5 năm, doanh thu lên đến 30 triệu USD/năm với sản phẩm chính là thiệp nổi 3D cung cấp cho thị trường Mỹ. Công ty này thuộc Tập đoàn Lovepop, vốn là 1 startup khá nổi tiếng của Mỹ. Trước đây, Lovepop Việt Nam chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, nhưng hiện nay các hoạt động thiết kế đồ họa cũng đã dần được chuyển cho đội ngũ nhân sự người Việt tại Đà Nẵng.

Thứ hai là nhóm startup “sao chép” những mô hình khởi nghiệp đã thành công ở các thị trường lớn, nội địa hóa rồi đưa về Việt Nam. Một ví dụ điển hình cho nhóm này là AI Fuel – startup chuyên thu thập, xử lý dữ liệu và bán dữ liệu có giá trị cao cho khách hàng quốc tế. Mô hình này đã được làm rất thành công ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, còn thị trường Việt Nam thì vẫn trống. Startup này hiện đặt trụ sở ở Đà Nẵng, hợp tác với một công ty gia công quy trình kinh doanh để cung cấp dữ liệu chất lượng và bảo mật. Thứ ba là nhóm startup B2B (tức “business to business”, chỉ mô hình kinh doanh trong đó khách hàng là các doanh nghiệp, không phải cá nhân đơn lẻ) với thị trường quốc tế. Các startup của Đà Nẵng như Hekate (nền tảng chatbot bằng trí tuệ nhân tạo), Cashbag (mô hình tiếp thị liên kết)… là những ví dụ cho nhóm này.

Việc xác định lợi thế của khởi nghiệp Đà Nẵng là rất quan trọng, bởi nó là cơ sở để các nhà quản lý đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo số liệu thống kê, hằng năm trên thế giới có 3 triệu startup, nhưng chỉ có khoảng 360 trong số đó (tức khoảng 0,01%) trở thành các startup “kỳ lân” (được định giá hơn 1 tỷ USD). Số còn lại hoặc dần trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc “chết” hẳn. Chúng ta nên xác định rõ, các chính sách hỗ trợ của chính quyền không nên nhằm mục tiêu tạo ra 0,01% “kỳ lân”, mà là giúp 99,99% còn lại dù thất bại cũng không “chết”, hay nói cách khác là giảm chi phí khởi nghiệp càng thấp càng tốt. Muốn vậy, phải tập trung đẩy mạnh hỗ trợ cho các lĩnh vực mà chúng ta có ưu thế. Với 3 nhóm startup thế mạnh nói trên, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành 1 trung tâm dịch vụ, chuyển giao công nghệ và là cửa ngõ kết nối các tỉnh, thành trong khu vực với quốc tế.

* Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng: Đà Nẵng thu hút đầu tư “thực chất”

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng chuyển đổi sang phát triển theo chiều sâu thông qua hoạt động thu hút đầu tư, tập trung phát triển những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao và tăng cường kết nối với các địa phương. Thành phố cũng mở rộng không gian kinh tế nhằm phát huy và khai thác động lực tăng trưởng từ nội lực “theo địa giới hành chính”, đồng thời cộng hưởng động lực tăng trưởng mới, lâu dài cho kinh tế thành phố và của cả khu vực. Việc chuyển đổi này phù hợp với quy luật phát triển cũng như tinh thần mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng 4 trụ cột phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong thời gian tới gồm: du lịch, dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp công nghệ cao; logistics; kinh tế biển.

Việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, định hướng, khuyến khích lĩnh vực đầu tư được Đà Nẵng triển khai khá đồng bộ bằng các chương trình: “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đặc biệt, tại “Tọa đàm mùa Xuân 2019” đã trao giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án với giá trị trên 492 triệu USD, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án với trên 3,4 tỷ USD. Một điểm đáng lưu ý là trong 8 dự án đã trao giấy chứng nhận đầu tư thì có 5 dự án đã khởi công xây dựng và 11 dự án được thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư đã tích cực hoàn thiện thủ tục pháp lý, chuẩn bị các bước đầu tư.

Thành phố đã gắn công tác quy hoạch với thu hút đầu tư nhằm hiện thực quy hoạch theo hướng bền vững và tạo động lực tăng trưởng lâu dài. Đây chính là nét đặc sắc, nổi trội và mang tính tiên phong của Đà Nẵng trong thời gian qua; đồng thời là bài học trong thu hút đầu tư cho nhiều tỉnh, thành phố đi sau. Điều này giúp thành phố sử dụng hiệu quả tài nguyên, vốn đất đai, vốn thiên nhiên theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, kết hợp với chính sách thu hút đầu tư vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, những lĩnh vực ưu tiên ít gây ô nhiễm môi trường. Do đó, sự kỳ vọng về động lực mới, quỹ đạo mới cho phát triển của Đà Nẵng là hoàn toàn khả thi.

* Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng: Khi bệnh viện trở thành cầu nối thiện nguyện

Nếu nói sự khác biệt của Đà Nẵng trong lĩnh vực y tế, theo tôi, đó là việc thực hiện tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm với cách phục vụ rất riêng. Thời gian qua, hàng loạt kỹ thuật y tế mới, đỉnh cao đã và đang được triển khai thành công tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Những thành tựu đó so với các trung tâm lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không thể nói là vượt trội, nhưng lại góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Điều đặc biệt hơn cả, nhân viên y tế, ngoài việc khoác lên mình chiếc áo blouse trắng chữa bệnh cứu người, họ còn là những cầu nối thiện nguyện để chia sẻ kịp thời với những mảnh đời bất hạnh. Người miền Trung vốn khó khăn, lại thường xuyên đối mặt với thiên tai, nên khi gặp ốm đau, bệnh tật càng làm họ trở nên túng quẫn. Chính vì thế, những hoạt động thiện nguyện, tiếp sức người bệnh do chính nhân viên y tế phát động, triển khai là điểm tựa hết sức ý nghĩa đối với họ. Thông qua Phòng Công tác xã hội ở mỗi bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Đà Nẵng, hàng loạt chương trình thiện nguyện đều hoạt động hiệu quả. Những chương trình bếp ăn từ thiện, đĩa cơm trên tường, trao quà trực tiếp, hỗ trợ thanh toán viện phí… giúp trút bỏ rất nhiều gánh nặng về vật chất và tinh thần cho bệnh nhân.

Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, môi trường làm việc dân chủ trong các bệnh viện hiện nay tại Đà Nẵng cũng giúp nhân viên y tế mang lại năng lượng tích cực. Dù xét về mặt bằng chung, môi trường làm việc của nhân viên y tế vẫn còn đối mặt với một số khó khăn như: điều kiện làm việc chưa bảo đảm, chế độ chăm sóc, bảo vệ chưa được tốt, nhưng các nhân viên được ưu tiên đào tạo phát triển chuyên môn, nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho y, bác sĩ cũng được quan tâm rất nhiều như: bếp ăn được nâng cấp, cải thiện hơn, chỗ ngủ-nghỉ sau giờ làm việc được đầu tư, vai trò của tổ chức Công đoàn trong chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động được phát huy. Khi sống trong một môi trường thoải mái, hòa đồng, công bằng và minh bạch, người lao động sẽ phát huy được năng lượng tích cực thông qua những việc làm cụ thể. Đối với nhân viên y tế ở Đà Nẵng, không chỉ là phát triển, làm chủ các kỹ thuật y khoa mà còn là những hoạt động hỗ trợ, tiếp sức cho người bệnh thiết thực, kịp thời.

* Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Văn HòeNền văn hóa giao thoa đậm đà bản sắc

Văn hóa Đà Nẵng không tách rời mà chảy trong dòng văn hóa xứ Quảng. Đó là cả quá trình tích lũy, kế thừa, tiếp biến, giao thoa của những cư dân trên bước đường nam tiến. Họ đến vùng đất lạ sinh sống, lập nghiệp và giao thoa văn hóa với người Chăm, người Cơ tu. Sau này, với vị thế cảng biển, Đà Nẵng đón nhiều cư dân các nước phương Đông, phương Tây đến giao thương thì người dân bản địa tiếp tục có sự giao lưu văn hóa.

Họ đã biết chắt lọc cái mới để cùng cái cũ tạo nên nét đặc thù của văn hóa Đà Nẵng như: giọng nói, lối sống kiệm ước (chi tiêu có chừng mực, không se sua…), đề cao mối quan hệ gia đình, dòng tộc, cộng đồng (xây đình làng, nhà thờ tộc, thờ cúng ông bà tổ tiên…), tâm thức hướng biển (tục thờ cá Ông), ứng xử thân thiện, mến khách (bởi họ cũng từng là những lưu dân đi đến một xứ sở lạ để an cư nên mong muốn được chào đón, không muốn có sự khinh biệt); hình thành đời sống đô thị (nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng, công trình văn hóa…).

Bản sắc văn hóa Đà Nẵng vẫn luôn tồn tại theo dòng thời gian. Chúng ta có thể thấy nó hiện diện trong từng di tích lịch sử – văn hóa, văn hóa ẩm thực, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo; trong các làn điệu dân ca, hát hò khoan, bài chòi, hát bả trạo, hát bội; trong hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống… Bên cạnh đó, tính cách của người Đà Nẵng cũng thể hiện rõ ở truyền thống yêu nước nồng nàn, ở tinh thần tranh đấu kiên cường từ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mà minh chứng là Thành Điện Hải ngày nay; hay kháng chiến chống Mỹ với Khu căn cứ cách mạng K20, Khu căn cứ Hồng Phước…

Trong quá trình đô thị hóa, dù ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng người Đà Nẵng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là yếu tố nhập cư đang diễn ra nhanh, mạnh; yếu tố đô thị hóa ồ ạt khiến một bộ phận cư dân chưa kịp thích ứng với những biến đổi nhanh chóng đó. Nếu không kịp điều chỉnh thì tôi nghĩ sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi thấy chưa đề cập đúng mức về tầm quan trọng của văn hóa. Vì thế, trong những đề án, dự án các cấp, ngành thành phố đang triển khai như: xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn hay xây dựng thành phố đáng sống… cần quan tâm hơn đến góc độ giữ gìn bản sắc văn hóa Đà Nẵng.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan